Friday, 2024-05-17, 3:37 PM
Welcome Guest

3V CLUB

[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
Diễn Đàn 3V » DIỄN ĐÀN 3V » TÀI LIỆU THUYẾT MINH 63 TỈNH THÀNH » LÂM ĐỒNG (thuyết minh về thành phố hoa !)
LÂM ĐỒNG
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:09 AM | Message # 31
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Dinh III - dinh Bảo Đại

Dinh III nằm trên đường Triệu Viet Vương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 2 km về hướng Tây Nam trên một đồi thông cao 1.539 mét. Dinh III là biet thự nghỉ hè của vua Bảo Đại được xây dựng từ năm 1933 đến năm 1937.

Biệt điện có 25 phòng ngủ, hai tầng lầu. Tầng trệt dùng làm nơi hội họp, yến tiệc. Căn phòng làm việc của vua Bảo Đại với những ấn tín quân sự, ngọc tỷ của hoàng đế, quốc thư, quốc kỳ các nước có quan hệ ngoại giao, tượng bán thân của vua Bảo Đại và vua Khải Định. Trên lầu là phòng ngủ của Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, cùng thái tử Bảo Long, công chúa Phương Mai, Phương Liên, công chúa Phương Dung và hoàng tử Bảo Thăng.

Phía ngoài phòng ngủ của cựu hoàng là lầu vọng nguyệt khá đẹp, dùng làm nơi cho cựu hoàng cùng hoàng hậu ngắm trăng... Tất cả đếu như chỉ mới hôm qua sẽ tạo cho du khách mường tượng được cuộc sống của các vị vua chúa trước đây như thế nào.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:11 AM | Message # 32
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Dinh IV - bảo tàng Lâm Đồng

Dinh IV nằm trên đường Hùng Vương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt gần 3 km. Xưa kia từng là biệt thự của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào (bố vợ Bảo Đại), sau đó tặng cho hoàng hậu Nam Phương.

Từ cuối năm 1999 nơi đây được dùng làm bảo tàng Lâm Đồng. Ở đây có trưng bày nhiều hiện vật quý hiếm về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, trang phục của các dân tộc bản địa đang sinh sống trên đất Lâm Đồng và các hiện vật khảo cổ học di chỉ Cát Tiên.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:12 AM | Message # 33
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Chùa Thiên Vương Cổ Sát

Chùa do hòa thượng Thọ Dã thuộc hội quán Triều Châu đã đứng ra xây dựng năm 1958 ban đầu chỉ làba gian nhà gỗ lợp tôn. Năm 1989, chùa được ông Lê Văn Cảnh đứng ra trùng tu, tôn tạo như ngày nay.

Qua khỏi cổng tam quan du khách sẽ gặp tòa Từ Tôn bảo điện, chính giữa có tượng Di Lặc cao khoảng 3 mét và tượng Phật Thích Ca cao 0,5 mét, bốn góc Bảo điện có tượng Tứ Đại Thiên Vương được đúc bằng xi măng cao 2,6 mét.

Minh Quang điện thờ Tây Phương Tam Thánh gồm các tượng: tượng Phật A Di Đà nằm ở giữa, tượng bồ tát Quan Thế Âm nằm bên trái và tượng bồ tát Đại Thế Chí nằm bên phải, mỗi tượng cao 4 mét, nặng 1,5 tấn. Đây là những bức tượng quý được tạc bằng gỗ trầm do hòa thượng Thọ Dã thỉnh từ Hồng Kông về vào năm 1958. Nơi đây cũng còn hai tượng: tượng bồ tát Văn Thù và tượng bồ tát Phổ Hiền ở hai bên vách bảo điện.

Trên đỉnh đồi thông phía sau Quang Minh bảo điện là một đài cao hai tầng, tầng thượng có tượng Phật Thích Ca cao 10 mét toạ thiền trên đài sen, tầng dưới kiến trúc rất đẹp, quanh tường là những bức phù điêu kể lại sự tích Phật Thích Ca từ lúc xuất gia cho đến ngày nhập diệt. Du khách có thể dừng chân nơi đây vừa trò chuyện hóng gió, vừa nghe thông reo thì quả thật không có gì tuyệt vời bằng.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:13 AM | Message # 34
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Chùa Linh Sơn

Chùa Linh Sơn toạ lạc trên đường Nguyễn Văn Trỗi tại một ngọn đồi rộng 4 hecta, cách trung tâm thành phố Đà Lạt gần 1 km về hướng Tây Bắc.

Chùa Linh Sơn là một trong những ngôi chùa cổ kính và đẹp của Đà Lạt. Chùa được xây dựng từ năm 1936 đến năm 1940 theo lối kiến trúc Á Đông, hai mái xuôi hơi cong phía cuối, trên đỉnh mái có đắp đuoi rồng uốn lượn theo thế “lưỡng long triều nguyệt“ như các chùa cổ của kinh thành Huế.

Trước chùa có bốn trụ lớn, dưới diềm máilà mảng trang trí hoa văn hình chữ “Vạn” cách điệu. Hai bên bậc cấp dẫn vào chánh điện cũng có cặp rồng há miệng được khắc chạm công phu tượng trưng long thần hộ trì Phật pháp.

Bên trong chùa được bài trí nghiêm trang. Chánh điện thờ đức Thích Ca Mâu Ni bằng đồng, nặng 1.250 kg, cao 1,7 mét được đúc năm 1952. Phía sau là tổ đường nơi thờ Đạt Ma Tổ Sư cùng các vị tăng ni đã viên tịch và vong linh các Phật tử được gia đình ký thác tại chùa.

Trong chùa có phòng phát hành kinh sách do giáo hội ấn tống. Ngoài ra, chùa Linh Sơn còn có một giảng đường khá lớn được xây dựng năm 1972 nay là trường cơ bản Phật học của tỉnh Lâm Đồng.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:14 AM | Message # 35
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Chùa Linh Quang

Chùa Linh Quang là ngôi tổ đình đầu tiên có ở Đà Lạt được hòa thượng Thích Nhân Thứ đứng ra tạo lập năm 1931, toạ lạc ở số 133, đường Hai Bà Trưng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đến nay chùa đã quá hai lần trùng tu vào năm 1958 và năm 1972 dưới thời hoà thượng Thích Minh Cảnh trụ trì. Ở góc lớp mái chùa có đắp nổi hình chim phượng rất cầu kỳ và tinh xảo. Trong khuôn viên chùa có khu vườn tháp mộ trông rất uy nghi. Đến đây du khách sẽ được đắm mình trong không gian tĩnh lặng và tìm hiểu lối kiến trúc độc đáo của những năm 30 thế kỷ XX.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:15 AM | Message # 36
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Chùa Linh Phước

Chùa Linh Phước tọa lạc tại số 120, đường Tự Phước, nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 8 km (khu vực Trại Mát) gần đường quốc lộ 27 cũ thuộc địa phận phường 11, thành phố Đà Lạt. Chùa được xây dựng từ năm 1949 đến năm 1952 và được Đại Đức Thích Tâm Vị trùng tu lại vào năm 1990. Kiến trúc chùa mang đậm màu sắc Á Đông. Cổng tam quan nằm sát đường quốc lộ.

Sân chùa có điện thờ Phật Bà Quan Thế Âm. Chánh điện dài 33 mét, rộng 22 mét, trần nhà được đỡ bằng 12 cột rồng khảm mảnh sành. Tại điện thờ tượng Phật Thích Ca uy nghi trên tòa sen cao 4,9 mét được thiếp vàng rực rỡ. Quanh tường những bức phu điêu kể lại lịch sử của đức Phật, khảm bằng miểng chén sứ với nghệ thuật rất tinh vi và độc đáo.

Bên phải chánh điện là tổ đường, sau bức Cửu Long Môn uốn mình chầu Phật là Long Hoa Viên với hồ nước và hòn giả sơn, cây cảnh và vườn phong lan. Một mình rồng dài 49 mét uốn lượn quanh hồ nước với đầu rồng che phủ tượng đài Di Lặc dựa theo tích pháp hội Long Hoa, toàn thân rông được khảm tạo vây bằng mảnh của 12.000 vỏ chai các loại.

Ngoài các kiến trúc trên, chùa Linh Phước còn có một đại hồng chung khổng lồ cao 4,3 mét, rộng 2,2 mét và nặng gần 10 tấn được đúc năm 1999 đặt trong một tháp cao bảy tầng.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:15 AM | Message # 37
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Hồ Xuân Hương

Năm 1922, theo chủ hồi sinh thành phố của Toàn quyền P.Doumer, kỹ sư công chánh Labbè đã cho đào một cái hồ nhân tạo, cho xây cái đập ngăn nước trên thung lũng cũ và tạo nên một cái hồ mới có tên Pháp là Gran Lake. Một năm sau có thêm một đập ngăn nước nữa ở phía dưới nhưng đến năm 1932, một cơn bão lớn đã làm vỡ hai đập và sau đó người ta xây dựng một đập lớn bằng đá như ngày nay (mang tên ông Quản đạo người Việt đầu tiên là ông Phạm Khắc Hòe).

Năm 1953, theo chủ trương của chính quyền Ngô Đình Diệm cho Việt hoá một số địa danh ở miền Nam nên hồ đã được mang một cái tên mới là hồ Xuân Hương ( tỏa hương thơm vào mùa xuân). Hồ có chu vi 5,5 km và độ sâu trung bình 1,5 mét. Xung quanh hồ có hai loại cây có thể gọi là đặc trưng của Đà Lạt là mai anh đào và liễu rủ. Cứ trước Tết từ Nô-en trở đi là mai anh đào lại nở rực bên hồ gợi cho du khách một chút xuân xứ Bắc.

Cứ mỗi buổi chiều, thả bộ dạo một vòng từ khu Hoà Bình đến bờ hồ rồi vòng qua Thủy Tạ hay Thanh Thủy để hưởng cái se se lạnh về đêm của tiết trời ôn đới, du khách sẽ thấy tâm hồn thư thái. Về mặt lịch sử, hồ Xuân Hương chính là nơi phát xuất danh xưng Đà Lạt. Đây là danh thắng đầu tiên của Lâm Đồng được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1988.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:19 AM | Message # 38
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Hồ Tuyền Lâm

Theo quốc lộ 20, lên đèo Prenn, qua khỏi thác Đatanla rẽ về phía trái chừng hơn 1 km, băng qua những rừng thông ngút ngàn, du khách sẽ bắt gặp một hồ nước mênh mông, xanh biếc và đầy vẻ quyến rũ - đó là hồ Tuyền Lâm. Với diện tích mặt nước khoảng 350 hecta, hồ Tuyền Lâm được tạo thành bởi dòng suối Tía.

Tên hồ không biết có tự bao giờ và do ai đặt, nhưng có lẽ cũng do xuất phát từ khung cảnh thiên nhiên kỳ vỹ ở đây mà tên gọi ấy đã sống mãi. Đó là nơi gặp gỡ giữa sông, suối và cây rừng.

Năm 1982, để đảm bảo nước tưới cho hàng trăm hecta lúa của huyện Đức Trọng, Nhà nước đã cho xây dựng đập ngăn nước tại đây. Năm năm sau, công trình được hoàn thành và đã dần dần trở nên một điểm tham quan, du lịch không thể thiếu đối với nhiều người. Với mặt nước mênh mông quanh co dưới chân những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp, ở mỗi khúc quanh, non nước trời mây hình như luôn biến đổi. Nơi này là rừng thông non, nơi kia là non cao với lớp lớp ngàn thông thẳng tắp. Tuyền Lâm! Thật đúng là non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình.Vào những ngày đẹp trời, dùng ca-nô hay thuyền buồm du ngoạn trên mặt hồ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt những đồi thông xanh mởn, xen giữa là những cụm rừng già và những sườn đồi thoai thoải, soi bóng xuống mặt hồ. Trước khung cảnh ấy, lòng ta như bâng khuâng, đồng thời lại có cảm giác như vừa trút bỏ được hết những vướng bận của bụi trần để bước chân vào chốn thần tiên.

Buổi sớm, hồ nước phủ đầy sương trắng và yên tĩnh đến lạ kỳ, chỉ có tiếng chim quyện thành vòng, thành chuỗi để rồi tan xuống mặt hồ phẳng lặng. Buổi trưa bầu trời sáng láng, mặt hồ xanh biếc như biển khơi, lấp lánh ánh thủy tinh. Đến chiều thì mềm ra trong ánh sáng mát lạnh và mặt hồ dần dần chuyển sang màu xanh thẫm. Nếu ngồi ở hồ Tuyền Lâm câu cá, làm thơ, hoặc đi dạo với người yêu vào những thời điểm như vậy, mới cảm nhận được hết vẻ kỳ ảo, thơ mộng và huyền diệu của cảnh sơn thủy hữu tình mà tạo hóa đã ban cho đất trời Đà Lạt.

HỒ TUYỀN LÂM TRONG QUÁ KHỨ

Năm 1930, ông Farraut – một người Pháp sinh sống lâu năm ở Đà Lạt – đã thuê gần 3.000ha đất (khu vực hồ Tuyền Lâm bây giờ) làm nông trại, chủ yếu nuôi heo, gà, sau đó nuôi cừu, bò.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, khu vực suối Tía và núi Voi là căn cứ quan trọng nhất của phong trào cách mạng thành phố Đà Lạt, thường gọi là chiến khu suối Tía hay chiến khu Quang Trung. Khu căn cứ này của Thị uỷ Đà Lạt có vai trò là nơi chỉ đạo các phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang của quân dân thị xã Đà Lạt, nơi dừng chân tập kết, huấn luyện các lực lượng vũ trang, các đội công tác, là bàn đạp để các lực lượng tấn công vào Đà Lạt và cơ động đánh địch ở các mặt trận trong tỉnh Tuyên Đức.

Từ năm 1982 đến năm 1987, Ty Thuỷ lợi Lâm Đồng, được Bộ Thuỷ lợi đầu tư, đã xây dựng một đập nước dài 235m chắn ngang suối Tía (Da Trea) tạo thành hồ Quang Trung, về sau đổi tên là hồ Tuyền Lâm (tuyền: suối, lâm: rừng).

Ngày 30-8-1998, Bộ Văn hoá - Thông tin ra Quyết định số 1811/QĐ/BT công nhận hồ Tuyền Lâm là Di tích Lịch sử - Văn hoá.

HỒ TUYỀN LÂM HIỆN NAY

Hồ Tuyền Lâm có diện tích hơn 350ha, độ sâu có nơi trên 30m. Nước hồ chảy qua một đập tràn 6 bậc và cung cấp nước tưới cho vùng đất dưới chân đèo Prenn (huyện Đức Trọng) vào mùa khô.

Sau khi vãn cảnh Thiền viện Trúc Lâm, du khách có thể mua vé du thuyền đi dọc hồ và tham quan các điểm du lịch nằm phía cuối hồ như khu du lịch Đá Tiên, khu du lịch dã ngoại Nam Qua, khu dã ngoại Dalat tourist để thưởng thức các món ăn đặc sản Đà Lạt, rượu cần, xem múa hát lễ hội cồng chiêng, cắm trại trong rừng, cưỡi ngựa, voi,...

Thiền viện Trúc Lâm toạ lạc trên núi Phụng Hoàng cao 1.446m ở phía đông nam hồ Tuyền Lâm.

Thiền viện Trúc Lâm được khởi công xây dựng ngày mồng 8 tháng 4 năm Quý Dậu (28-51993), khánh thành ngày mồng 8 tháng 2 năm Giáp Tuất (19-2-1994).

Khu ngoại viện gồm có: ba cổng tam quan, chánh điện, lầu chuông, lầu trống, tham vấn đường, thư viện, phòng trưng bày văn hoá phẩm Phật giáo, nhà khách, hồ Tĩnh Tâm, đồi Thanh Lương.

Bên cạnh khu ngoại viện là khu nội viện.

Ngoài thời gian tu học, khôi phục phái thiền Trúc Lâm thời Trần, các thiền sinh còn chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, quản lý và bảo vệ trên 20ha rừng thông, trồng cây gây rừng, tạo cảnh quan xinh đẹp mang sắc thái văn hoá dân tộc.

Từ sân trước chánh điện, du khách nhìn thấy dãy núi Voi Phục với đỉnh Pin Hatt cao 1.691m.

Những đồi thông xanh, mặt nước hồ Tuyền Lâm thấp thoáng qua hàng cây.

Thác Bảo Đại là một thác nhỏ, tương truyền Bảo Đại đã dừng chân trong những chuyến đi săn.

Khu du lịch Nam Qua có những nhà hàng, ki-ốt lợp tranh phục vụ du khách nghi ngơi, ăn uống trên chặng đường du lịch quanh hồ Tuyền Lâm.

Khu du lịch Đá Tiên - Núi Voi do Công ty Du lịch dã ngoại Phương Nam tổ chức là một khu du lịch dã ngoại liên hợp: du khách bơi thuyền, câu cá, cưỡi voi, đi săn, leo núi, nghỉ ngơi trong nhà sàn, đốt lửa trại, xem trình diễn văn nghệ của đồng bào dân tộc bản địa,…

Khu du lịch dã ngoại Đá Tiên có một nhà sàn dài, một số nhà sàn nhỏ lợp tranh, nhiều tảng đá lớn, trong đó có một tảng đá mang hình dáng ông tiên.

Từ bến thuyền gần đập hồ Tuyền Lâm đến Đá Tiên, thuyền đi mất khoảng 15 phút, các điểm du lịch phía cuối hồ mất khoảng 25 phút.

HỒ TUYỀN LÂM TRONG TƯƠNG LAI

Trong tương lai, Khu du lịch hồ Tuyền Lâm sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội thảo hiện đại, sang trọng, đồng thời vẫn giữ nguyên môi trường vốn có. Ý tưởng này đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định phê duyệt dự án điều chỉnh quy hoạch Khu du lịch hồ Tuyền Lâm đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Theo dự án này, Khu du lịch hồ Tuyền Lâm có diện tích 2.827ha với các phân khu chức năng:

1. Khu biệt thự du lịch:150ha.

2. Khu nghỉ dưỡng cao cấp: 550ha.

3. Khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo: 346ha.

4. Khu trung tâm đón tiếp: 29,6ha.

5. Khu du lịch tôn giáo: 26ha.

6. Khu sân golf: 160,2ha.

7. Khu du lịch sinh thái: 1.136,51ha.

8. Khu du lịch phục vụ giáo dục, đào tạo: 50ha.

9. Mặt nước hồ Tuyền Lâm và hồ sinh học: 365ha.

10. Nhà thuỷ tạ.

11. Hạ tầng công cộng: 13,69ha.

Đến nay, Khu du lịch hồ Tuyền Lâm đã có 27 nhà đầu tư, tổng số vốn đầu tư đăng ký là 4.841 tỷ đồng, đầu tư vào các dự án từ 3 sao trở lên. Đến năm 2010, Khu du lịch hồ Tuyền Lâm sẽ là một khu du lịch quốc gia bền vững có quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế với những sản phẩm du lịch chính như:

* Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp

* Du lịch vui chơi giải trí

* Du lịch sinh thái

* Hội nghị – hội thảo


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:20 AM | Message # 39
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Chợ Đà Lạt

Chợ Đà Lạt lúc đầu được xây dựng tại ấp Ánh Sáng vào năm 1929 sau đó đươc dời lên phía trái khu Hòa Bình ngày nay. Lúc mới xây dựng, chợ có mái lợp tôn và cột bằng cây nên bị dân gian gọi là chợ Cây. Năm 1937, khu chợ này bị cháy hoàn toàn. Công sứ Lucien Anges cho xây lại khu chợ mới bằng gạch.

Mặt tiền khi chợ có gắn huy hiệu của thành phố, trong đó có một đôi nam nữ thanh niên người Kho, một con hổ với câu châm ngôn bằng tiếng La Tinh “Dat Alliis Laetitum Alliis Temperriem”, câu này có nghĩa là “Cho người này niềm vui, cho người kia mát lành”. Vì thế mới có người giải thích tên gọi của thành phố bắt nguồn từ năm chữ đầu của câu châm ngôn La Tinh ghép lại.

Ngày nay, chợ Đà Lạt là một toàn kiến trúc nhiều tầng được xem là một trong những chợ đẹp nhất của Việt Nam. Ngôi chợ mới này do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, giống như một siêu thị.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:21 AM | Message # 40
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Thác Prenn

Thác Prenn nằm ngay bên chân đèo Prenn - cửa ngõ vào thành phố, trên quốc lộ 20 từ thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt. Tên Prenn - theo tiếng Chăm có nghĩa là “vùng xâm chiếm”, còn các dân tộc bản địa như Lạt, Chil, Sre lại gọi kẻ xâm lăng là “người Prenn”.

Để vào thác, du khách phải qua một chiếc cầu ngắn, tựa chiếc nơ xinh xắn bắc ngang dòng suối có tay vịnh. Du khách sẽ được nhìn thấy một bức màn nước, từ trên các tảng đá đổ xuống và từ dưới trông lên cứ như từ trên trời đổ xuống nên người Sài Gòn đã gọi tên thác là Thiên Sa, những giọt nước như những hạt ngọc lấp lánh buông mình từ độ cao gần 10 mét xuống thung lũng nhỏ đã được chỉnh sửa thành vườn hoa mà từ đây có nhiều lối mòn xen cỏ và hoa dẫn lên các đồi thông thoáng đãng chung quanh.

Từ năm 1998 đến nay, Prenn được đầu tư mạnh nên đang là điểm ăn khách. Trong khuôn viên thác có cầu treo dân tộc, có hồ nuôi cá sấu, có một ít thú như gấu ngựa, cá sấu, thuyền chèo cao su. Từ tết năm 2003, nơi đây có thêm đền thờ Âu Lạc (dựa theo truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ) ở phía trên đồi cao để khach tham quan, dâng hương.

Du khách có thể men theo những lối nhỏ để đếnvườn thú, vườn lan hay thư thả dạo hoa viên ngắm nhìn muôn hoa khoe sắc, những căn chòi xinh xinh trên ngọn cây hoặc đung đưa cùng cây cầu treo bắc ngang dòng suối nhỏ. Đặc biệt với hệ thống cáp treo, du khách có thể lướt ngang qua dòngthác trong cảm giác phiêu bồng. Đến thác Prenn, du khách còn được tham gia những trò chơi của người bản xứ: bắn nỏ, bắn tên, uống rượu cần...


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:22 AM | Message # 41
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Thác Đatanla

Thác Đatanla nằm giữa đèo Prenn, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 5 km. Cảnh vật xung quang còn hoang sơ và mang vẻ đẹp của Tây Nguyên trữ tình, nước từ trên ghềnh cao đổ xuống thành dòng suối len lõ qua các mỏm đá rồi xa hút vào rừng sâu. Phía trên thác là cánh rừng thông đặc chủng xanh tốt có tuổi đời hàng trăm năm, hoặc những tảng đá to bằng phẳng là nơi dừng chân lý tưởng cho du khách trước khi tiếp tục cuộc hành trình.

Có rất nhiều truyền thuyết về Đatanla.

“Truyền thuyết kể rằng, Đatanla còn là thác mà các nàng tiên thường hay xuống tắm vì có dòng nước trong vắt, được che phủ bởi nhiều tầng lá. Vì không biết là dưới lá có nước nên khi phát hiện ra con thác, bà con dân tộc thiểu số đặc tên cho nó là “Đạ Tam Nnha” có nghĩa là “dưới lá có nước”. Sau này khi người Pháp và người Kinh đặt chân lên vùng cao nguyên đầy trữ tình này thì biến âm thành Đatina rồi là Đatanla.”

“Có truyền thuyết kể lại rằng, vào thời Pôrêmê, người Chăm từ Panduranga (Phan Rang) thường kéo lên tấn công người Lạt, người Chil ở cao nguyên Lang Biang để giành đất và bắt nô lệ. Trong lúc người Lạt sắp thua vì thiếu “cái nước” thì tình cờ họ phát hiện ra dòng thác này và có nước uống, nên người Lạt đã chiến thắng và bảo vệ được buôn làng. Còn người Chăm thua vì họ không biết “dưới lá có nước”. Từ đó bà con bộ tộc Lạt đặt tên là “Đạ Tam Nnha” (dưới lá có nước) để nhắn nhủ với con cháu sau này.”

“Cũng theo truyền thuyết của người Lạt, Đalanla là nơi chàng dũng sĩ Lang thắng hai con rắn tinh, bảy con chó sói để cứu nàng Biang thoát nạn. Hai người đem lòng yêu nhau, nhưng do khác bộ tộc nên cuộc hôn nhân của họ không được chấp nhận, đôi tình nhân này nguyện đi đến cái chết bên nhau để phản đối luật tục khắt khe của bộ tộc.”

Dưới chân thác Đatala có những hố sâu, hiểm trở gọi là vực Tử Thần, như nhắc nhở bước chân du khách hãy thận trọng. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, vực Tử Thần trở thành nơi hấp dẫn đối với khách du lịch thích cảm giác mạo hiểm qua trò chơi chinh phục vách đá, leo lên leo xuống bằng dây, hay lách mình qua những lùm cây và bắt chợt gặp chú sóc, chú chồn đang lơ láo...


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:23 AM | Message # 42
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Thác Đam Ri

Theo quốc lộ 20, du khách đến Đam Ri, cách thị xã Bảo Lộc khoảng 18 km về phía Tây, thác cao 90 mét. Đây là thác quan trọng của tỉnh Lâm Đồng, nằm trong tuyến du lịch Đà Lạt, tới từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ, cùng tỉnh Bình Thuận. Thác Đam Ri rất kỳ vỹ, luôn âm vang tiếng nước đổ lan rộng hàng mấy cây số.

Tên Đam Ri theo ngôn ngữ KHo có nghĩa là “chờ đợi”, bắt nguồn từ tên Đam và HRi (đọc là Hờ Ri) của một đôi trai gái trong chuyện tình chung thủy.

“Truyền thuyết kể lại rằng từ rất xa xưa ngọn thác này chỉ là dòng suối nhỏ và là nơi tắm thường ngày của nàng HRi duyên dáng. Một hôm, chàng thanh niên Đam (có chỗ nói là KĐam) đi săn tới đây, tình cờ nhìn thấy nàng đang ở dưới suối. Chàng bị vẻ đẹp của nàng làm mê mẩn. Sau đó hai người yêu nhau và kết hôn.

Một hôm, chàng Đam đi săn trong rừng quá lâu. Nàng HRi ở nhà chờ đợi, chẳng thấy tin chồng về. Ngày lại ngày, đam vẫn bặt tin. Quá thương nhớ chồng, HRi khóc mãi đến mức nước mắt tuôn trào, hoà cùng nước suối tạo thành dòng thác lớn.

Sau chuyến đi săn lâu ngày, chàng Đam quay trở về nhà. Nghe chuyện của vợ, chàng đau lòng đến bên bờ suối, nhảy từ trên cao xuống để giữ trọn lời thề thuỷ chung. Thân xác chàng hoá thành con sư tử, ngày đêm đứng cạnh thác nước.

Ngày nay, du khách đến bên ngọn thác này có thể nhìn thấy được tảng đá hình con sư tử dưới chân thác. Đó chính là chàng Đam ngày đêm phục bên thác nước khóc thương người vợ yêu. Do chuyện tình này, người KHo đặt tên thác là Đam HRi, ngày nay người ta quen gọi là Đam Ri.”


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:24 AM | Message # 43
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Thác Rơwoa (thác Voi)

Thác Voi nằm cách thành phố Đà Lạt 24 km về phía Tây Nam, thuộc thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. Đây là một thăng cảnh độc đáo của tỉnh Lâm Đồng được du khách biết đến trong những năm 90. Tuy xa, nhưng những du khách yêu thiên nhiên dù chỉ một lần đến đây khi ra về khó mà quên được vẻ đẹp hoành tráng của thác nước này.

Thác Voi quả là bức tranh sinh động mà thiên nhiên đã khắc hoạ nên. Vào những ngày nắng đẹp, qua làn sương khói mờ mịt bốc lên lấp lánh bảy sắc cầu vồng, ta có cảm giác một đàn voi đang tắm dưới chân thác. Tiếng của gió ngàn hoà với tiếng thác đổ, khiến cho ta liên tưởng đến tieng gầm thét của chúng. Thác Voi - cái tên không biết có từ bao giờ và do ai đặt.

“Theo truyền thuyết của đồng bào KHo kể rằng: ngày xưa thú rừng rất yêu mến nàng Biang con của tù trưởng bộ tộc Chil. Khi hay tin nàng sắp “bắt chồng”là chàng Lang - một tù trưởng của bộ tộc Lạt, voi rừng vùng La Ngư Thượng mừng lắm, chúng kéo về dự đám cưới. Nhưng khi đến ngọn thác này thì nhận được tin hai người đã chết vì sự thù hận của bộ tộc. Cả đàn voi rừng gào thét suốt mấy ngày đêm rồi lăn ra chết và hoá đá. Thương xót chúng, thần núi Lang Biang khóc hết ngày này sang ngày khác, nước mắt chảy thành suối tắm mát, vỗ về cho đàn voi suốt đời.”

Chuyện xưa là vây, song khi đặt chân đến thác Voi, du khách không khỏi bâng khuâng khi về với khung cảnh hoang dã và hùng vĩ này.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:25 AM | Message # 44
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Thác Hang Cọp

Thác Hang Cọp nằm tại “thung lũng trắng”, cách trung tâm Đà Lạt 12 km về hướng Đông Bắc. Theo đường Trần Hưng Đạo qua đường Hùng Vương chạy về Trại Mát rồi rẽ trái vào thôn Tuý Sơn, men theo con đường đất dài khoảng 3 km, thác Hang cọp hiện ra thật hùng vĩ và thơ mộng. Tên thác Hang Cọp là do người dân địa phương đặt vì đi từ trên xuống, thác được chia làm ba tầng. Tầng đầu tiên là chỗ ở của một con cọp ba chân hung dữ. Vào những năm 50, con cọp này đã bị người dân bẫy được. Nhưng cả một thời gian dài ít ai dám đến khu vực này vì sợ. Tầng ba của thác là tầng đẹp nhất, dòng nước mát tinh khiết đổ từ trên cao xuống, uốn lượn qua nhiều bậc đá nhỏ với dáng vẻ độc đáo kỳ lạ rồi mất hút vào rừng sâu.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Friday, 2010-11-19, 11:26 AM | Message # 45
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Thác Lạc Nghiệp

Lạc Nghiệp, cái tên này là tên của một xã thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Chính vì thế nên dân địa phương đặt tên cho thác là Lạc Nghiệp. Khi bắt đầu vào đèo trên đường xuống Phan Rang chúng ta có thể nhìn thấy thác từ hẻm vực bên tay phải (nhìn được cả từ quốc lộ). Tuy nhiên cũng hơi khó tìm vì dòng chảy của thác bị những tàn cây che khuất. Theo như dân địa phương cho biết thì địa điểm có dòng chảy được gọi là Eo gió, nhưng nếu hỏi địa danh Miếu Cọp thì nhiều người biết hơn (vì thác nằm ngay dưới miếu cọp).

Thác ẩn dưới những tán cây, nên đường vào thác hơi khó một chút. Chịu khó lần theo dòng chảy ta sẽ đến nơi. Đoạn cuối con đường là hai vách núi cao dựng đứng. Mặt trời chỉ có thể chiếu sáng khoảng thời gian từ 11h00 đến 13h30, còn khoảng thời gian còn lại mặt trời đã bị vách núi che khuất. Khi đến nơi, ta sẽ thấy toàn cảnh thác. Một cảnh hùng vĩ với những dòng chảy xiết, qua những tảng đá nhỏ, nước sủi bọt trắng xóa. Ta còn có thể nghe được tiếng vi vu của gió dưới lòng thác. Không khí dưới thác rất dễ chị. Ta có thể đứng trên các mỏm đá cao mà hít thở không khí trong lành của vùng núi. Nhưng thác vào mùa mưa thì rất nguy hiểm, mực nước dâng cao và đường leo rất trơn.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
Diễn Đàn 3V » DIỄN ĐÀN 3V » TÀI LIỆU THUYẾT MINH 63 TỈNH THÀNH » LÂM ĐỒNG (thuyết minh về thành phố hoa !)
Search:

Bình Chọn
Rate my site
Total of answers: 22
Tin Nhắn
200
Site friends
  • Create a free website