Monday, 2025-07-07, 7:20 PM
Welcome Guest
3V CLUB
Main » 2010 » November » 11 » TRONG VƯƠNG HIỆU CÁC VỊ VUA "TÔNG" HAY "TÔN" ĐÚNG ?
3:37 PM TRONG VƯƠNG HIỆU CÁC VỊ VUA "TÔNG" HAY "TÔN" ĐÚNG ? |
Bấy lâu nay trên các ấn phẩm – báo chí khi nhắc đến vương hiệu một số vị vua nước ta thời trước thường có sự không nhất quán khi dùng từ "Tông” hay "Tôn”. Có bài viết Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tôn, Lê Thái Tông… nhưng có bài viết là Lý Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Lê Thái Tôn… Nhiều thành phố, thị xã lấy vương hiệu các vị vua này đặt tên cho đường phố cũng không thống nhất. Ở Hà Nội có phố Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông nhưng ở Sài Gòn lại là Lê Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, thậm chí trong một bài viết tác giả dùng "Tông” hay "Tôn” cũng không nhất quán. Thí dụ báo Văn nghệ số 28 (14.7.2007) có bài viết Thi toán thời xưa bên trên tác giả viết Lê Thánh Tông nhưng dưới đó một chút lại là Lý Nhân Tôn, Trần Thánh Tôn, Lê Hiển Tôn… Độc giả nhiều người chưa hiểu từ nào là đúng nên viết chưa nhất quán thì thật không hay. Vậy thì "Tông” hay "Tôn”, từ nào đúng?
Theo các tài liệu lịch sử trước kia, vương hiệu các vị vua đều là từ "Tông” (Tông có nghĩa là dòng, giống hay nòi). Ở ta cũng thế mà ở Trung Quốc cũng vậy (có vương hiệu Đường Thái Tông, Tống Nhân Tông…). Vậy thì tại sao có nơi có lúc lại dùng từ "Tôn”?
Tìm hiểu ra mới thấy có nguyên nhân. Đó là do các quy định "kiêng huý” của các triều đại phong kiến ngày xưa. Theo các quy định này thì trong các văn bản hành chính hay các ấn phẩm lưu hành và cả khi nói không được nhắc đến tên thật của vị vua đương thời. Có triều đại còn cấm nhắc đến tên bố mẹ vua và hoàng hậu nữa (xem Liều chõng của Ngô Tất Tố). Các sĩ tử ngày xưa phải thuộc lòng các tên này để khi làm bài nhớ kiêng, sĩ tử nào không may lỡ phạm huý thì sẽ bị đánh trượt, thậm chí còn bị bắt tội. Khi cần dùng đến những từ phải kiêng này thì hoặc là tìm từ khác gần giống về âm độc mà thay. Nếu không có từ nào thay được thì khi viết từ này phải bỏ bớt một nét đi gọi là "kính khuyết nhất bút” (kính cẩn bớt một nét) (1) và khi đọc phải đọc chệch ra âm khác gần giống. Vua thứ ba triều Nguyễn là Thiệu Trị có tên thật là Miên Tông. Vì vậy từ Tông phải kiêng khi viết và nói nên lấy từ "Tôn” thay thế. Bởi vậy khi nhắc đến vương hiệu các vị vua thời trước từ "Tông” đã đổi thành "Tôn” nên mới có Lý Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Lê Hiển Tôn… Ngay khi phải nhắc đến vương hiệu các vị vua Trung Quốc ngày xưa cũng vậy, nên mới có Đường Thái Tôn, Tống Nhân Tôn…
Ngược thời gian một chút: Nguyễn Hoàng là chúa Nguyễn đầu tiên nên từ "Hoàng” phải kiêng (chủ yếu ở miền Nam) nên lấy từ "Huỳnh” thay thế. Có ý kiến cho rằng họ "Huỳnh” hiện nay (có đa số ở miền Nam) chính có gốc họ "Hoàng” ngày xưa vì kiêng huý mà phải đổi thành "Huỳnh”.
Nguyễn Phúc Nguyên là chúa Nguyễn thứ hai nên từ "Nguyên” cũng phải kiêng, đọc chệch thành "Nguơn” hoặc "Ngươn”. Tôi còn thấy ở một thành phố miền Nam có biển hiệu "Kim ngươn” bằng chữ Quốc ngữ hiện nay. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu, từ "Chu” đã được đổi thành "Châu”. Thí dụ nói nhà "Chu” ở Trung Quốc xưa đã đổi thành nhà "Châu”, họ "Chu” đổi thành họ "Châu” (nhân vật Chu Xương trong Tam Quốc Chí đổi thành Châu Xương là vì thế).
Từ khi Pháp đô hộ nước ta và nhất là từ khi bỏ thi cử chữ Hán rồi Cách mạng tháng 8 thành công thì sự kiêng huý này đã nhạt dần rồi mất hẳn. Nhưng do thói quen còn rơi rớt lại và do các ấn phẩm cũ còn lưu truyền nên có chỗ, có nơi các từ trên còn dùng. Bởi vậy nên mới có sự thiếu nhất quán khi dùng từ "Tông” hay "Tôn” như trên.
Có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng như Bộ Văn hoá, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Viện Sử học, Viện Ngôn ngữ, Hội Nhà văn… nên có một nghiên cứu và thông báo rộng rãi vấn đề này cho mọi người biết và thống nhất dùng từ "Tông” để trả lại cho đúng với vương hiệu cho một số vị vua thời trước, và cũng là góp phần bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
|
Views: 619 |
Added by: phuocdeptrai
| Rating: 0.0/0 |
|
Statistics |
Total online: 1 Guests: 1 Users: 0 |
|