NHÀ BÀN HAY NHÀ BÀNG Là một thị trấn thuộc huyện Tịnh Biên, nằm dưới chân núi Két (Anh Vũ sơn) và núi Kỳ Lân, cách thị xã Châu Đốc 17km, Nhà Bàn/Nhà Bàng rất sung túc, tọa lạc ngay ngã ba, một ngả về khu du lịch Núi Cấm nổi tiếng, một ngả dẫn đến khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên và chợ biên giới Xuân Tô.
Vào mùa lễ hội, khách du lịch và khách hành hương sau khi thưởng ngoạn khu du lịch Núi Sam và viếng miếu Bà Chúa Xứ thường đến các nơi nói trên để tiếp tục cuộc hành trình vui chơi và mua sắm. Các ngả đều phải đi ngang qua Nhà Bàn/Nhà Bàng.
Cuộc tranh luận về địa danh “Nhà Bàn - Nhà Bàng” đến hôm nay vẫn chưa có hồi kết thúc, vì thế dẫn đến tình trạng địa danh này được dùng tùy theo quan điểm của người sử dụng.
Trên website của báo An Giang cập nhật ngày 6-5-2010, trong bản tin khánh thành nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã viết: “Đảng ủy - UBND thị trấn Nhà Bàn (Tịnh Biên) vừa tổ chức lễ khánh thành...”.
Trên cổng thông tin điện tử của tỉnh An Giang ngày 23-3-2010 cũng sử dụng tên Nhà Bàn trong tin: “Thị trấn Nhà Bàn (Tịnh Biên) vừa tổ chức bầu cử trưởng khóm nhiệm kỳ 2010-2012...”. Nhưng trong thông báo bảng giá đất trên địa bàn huyện Tịnh Biên đăng tại http://qppl.angiang.gov.vn lại viết “... thị trấn Nhà Bàng...”.
Trên website của huyện Tịnh Biên (tinhbien.angiang.gov.vn) ghi: Cổng thông tin điện tử huyện Tịnh Biên. Địa chỉ: K.Sơn Đông, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, trong khi các biển báo giao thông lại ghi thị trấn Nhà Bàn.
Đặc biệt, trên trục lộ 91 do Bộ Giao thông vận tải quản lý, các thông tin ghi trên cột mốc cũng không nhất quán, lúc thì Nhà Bàn lúc thì Nhà Bàng.
Theo nhà Nam bộ học Sơn Nam, tên Nhà Bàn có từ thời Pháp thuộc và được Nguyễn Liên Phong minh chứng thêm trong bài diễn ca được đăng trong “Nam kỳ phong tục nhân vật diễn ca”, in năm 1909. Nhưng theo các nhà nghiên cứu hiện đại, từ Nhà Bàng là đúng hơn vì nó bắt nguồn từ tên một loài cây vùng này có nhiều trong thời khai hoang, lập ấp (cây bàng).
Vậy là Nhà Bàn hay Nhà Bàng?
Nguyên trước đây tại vùng này có một cái nhà chuyên giã cỏ bàng để đan các dụng cụ như bao, giỏ, đệm. Cọng cỏ bàng thân tròn, cứng, nếu không giã thì khó khăn trong việc đan và sử dụng các sản phẩm. Do đó, vùng này có địa danh Nhà Bàng. Sở dĩ nhiều người viết nhầm là Nhà Bàn vì trong phương ngữ Nam bộ có từ nhà bàn là nhà có nhiều bàn ghế để ngồi ăn cơm, đồng nghĩa với nhà ăn.