Friday, 2024-05-17, 3:38 PM
Welcome Guest

3V CLUB

[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 2
  • 1
  • 2
  • »
Diễn Đàn 3V » DIỄN ĐÀN 3V » TÀI LIỆU THUYẾT MINH 63 TỈNH THÀNH » SÓC TRĂNG
SÓC TRĂNG
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 12:29 PM | Message # 1
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Sóc Trăng là một thành phố ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở bờ phải sông Hậu miền Nam Việt Nam, nằm trên trục giao thông nối liền Cà Mau, Bạc Liêu với Thành phố Hồ Chí Minh, cách Thành phố Hồ Chí Minh 240 km.

Vị trí
Tỉnh Sóc Trăng có phần đất liền nằm từ 9°14'-9°56' vĩ độ bắc và 105°34'-106°18' kinh độ đông, phía bắc và tây bắc giáp Hậu Giang, phía nam và tây nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía đông bắc giáp Vĩnh Long và Trà Vinh, phía đông và đông nam giáp biển 72 km.

Tỉnh lỵ của Sóc Trăng hiện nay là thành phố Sóc Trăng, cách Thành phố Hồ Chí Minh 240 km.

Đất đai
Tổng diện tích: 322.330 ha
Đất ở: 4.725 ha
Đất nông nghiệp: 263.831 ha
Đất lâm nghiệp: 9.287 ha
Đất chuyên dùng: 19.611 ha
Đất chưa sử dụng: 24.876 ha

Sóc Trăng là vùng đất trẻ, được hình thành qua nhiều năm lấn biển nên địa hình bao gồm phần đất bằng, xen kẽ là những vùng trũng và các giồng cát với cao trình phổ biến ở mức 0,5-1,0 m so với mặt biển, nghiêng từ tây bắc xuống đông nam và có hai tiểu vùng địa hình chính: vùng ven sông Hậu với độ cao 1,0-1,2 m, bao gồm vùng đất bằng và những giồng cát hình cánh cung tiếp nối nhau chạy sâu vào giữa tỉnh; vùng trũng phía nam tỉnh với độ cao 0-0,5 m, thường bị ngập úng dài ngày trong mùa lũ.

Ngoài ra, Sóc Trăng còn có những khu vực nằm giữa các giồng cát, không hình thành vùng tập trung với độ cao trung bình 0,5-1,0 m.

Sông ngòi
Trên địa bàn Sóc Trăng có hai sông lớn là sông Hậu và sông Mỹ Thanh, đổ ra biển qua cửa Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh

Địa hình
Là một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, địa hình của Sóc Trăng khá bằng phẳng. Đại bộ phận lãnh thổ của tỉnh là thuộc vùng đất liền. Phần nhỏ còn lại kẹp giữa hai nhánh sông Hậu là một dải cù lao với diện tích hàng trăm kilomet vuông. Địa hình của tỉnh có dạng lòng chảo với độ cao trung bình từ 0,5 đến 1,0 m so với mực nước biển. Hướng dốc chính của địa hình từ 3 phía là sông Hậu, biển Đông và kênh Quản Lộ thấp dần vào trung tâm. Do địa hình lòng chảo nên khu vực thấp nhất ở phía Nam huyện Mỹ Tú và Thạnh Trị khó thoát nước, bị ngập úng kéo dài.

Hành chính
Tỉnh Sóc Trăng trong thời Pháp thuộc là một phần của tỉnh Bạc Liêu. Năm 1956, dưới thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam, Sóc Trăng được lập thành tỉnh riêng lấy tên là tỉnh Ba Xuyên, còn tỉnh lỵ có tên là Khánh Hưng.

Tháng 2/1976, tỉnh mới Hậu Giang được thành lập từ hai tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ cũ (có tên gọi là Ba Xuyên và Phong Dinh theo chính quyền Việt Nam Cộng hòa).

Từ 26/12/1991, tỉnh Sóc Trăng được tái lập từ tỉnh Hậu Giang.

Sóc Trăng có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm:

Thành phố Sóc Trăng gồm 10 phường
Cù Lao Dung gồm 1 thị trấn và 7 xã
Kế Sách gồm 1 thị trấn và 12 xã
Long Phú gồm 1 thị trấn và 10 xã
Mỹ Tú gồm 1 thị trấn và 8 xã
Mỹ Xuyên gồm 1 thị trấn và 10 xã
Thạnh Trị gồm 2 thị trấn và 8 xã
Ngã Năm (Đang nâng cấp mở rộng để phát triển thành Thị xã
Vĩnh Châu (Đang nâng cấp mở rộng để phát triển thành Thị xã
Châu Thành gồm 1 thị trấn và 7 xã
Trần Đề gồm 2 thị trấn và 9 xã
Số phường: 10. Số thị trấn: 12. Số xã: 87.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 12:41 PM | Message # 2
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Chợ nổi Ngã Năm

Vị trí: Chợ nổi Ngã Năm nằm tại thị trấn Ngã Năm, huyện Thanh Trị, tỉnh Sóc Trăng.

Đặc điểm: Chợ nổi Ngã Năm là giao điểm của năm con sông đi năm ngả: Cà Mau lên, Vĩnh Quới vào, Long Mỹ, Thanh Trị qua, Phụng Hiệp xuống. Ðây là một trong những chợ nổi có từ lâu và nhộn nhịp nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ghe tàu từ các nơi đến đây để mua bán, trao đổi đủ loại hàng hoá. Vào những ngày giáp tết Nguyên Ðán, cảnh chợ càng nhộn nhịp, náo nhiệt hơn.
Tờ mờ sáng sớm, chợ nổi Ngã Năm đã hoạt động, khu vực trung tâm của chợ nổi Ngã Năm, có đến hàng trăm ghe, tàu đủ loại đậu san sát nhau.

Ðứng trên bờ nhìn xuống, chợ nổi lung linh với đủ loại màu sắc của ánh đèn. Hàng hoá ở chợ nổi Ngã Năm hầu như không thiếu món gì. Nếu như khu vực dưới sông chủ lực là thực phẩm tươi sống, lúa gạo, trái cây... thì khu vực trên bờ các cửa hàng cũng đầy ắp tivi, đầu video, tủ lạnh, máy giặt...

Ðến nay chợ nổi Ngã Năm vẫn giữ được nét sinh hoạt đặc trưng văn hoá của chợ nổi khu vực đồng bằng Nam Bộ. Chợ nổi Ngã Năm là một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.



Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 12:43 PM | Message # 3
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Khu du lịch Bình An

Vị trí: Khu du lịch Bình An nằm bên quốc lộ 1A, tại số 71, phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Đặc điểm: Khu du lịch Bình An với diện tích khoảng vài hécta là "bản sao" với quy mô nhỏ hơn công viên văn hoá Đầm Sen ở thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là điểm có nhiều hoạt động, dịch vụ: vui chơi giải trí, nhà hàng ăn uống, biểu diễn sân khấu, lưu trú... Hệ thống cây xanh, hoa trái, bể bơi, ao cá, đu quay... được bố trí hợp lý, hài hoà, gần gũi với thiên nhiên vừa yên tĩnh nhưng vẫn sinh động. Khu du lịch có thể đáp ứng nhu cầu và sở thích của nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng.

Qua cổng, phía sau sân khấu ta có thể nhìn thấy một trái núi nhân tạo cao khoảng ba bốn chục mét, trên đỉnh là bức tượng Phật Bà Quan Âm khá lớn. Dưới chân núi là ao cá; cây cối được trồng rất tự nhiên; những lối mòn len lỏi giữa những tảng đá to, nhỏ khấp khểnh mô phỏng lối mòn trên núi đá. Dây leo đeo bám cây cối rậm rịt. Trong lòng quả núi là một khách sạn mini. Cạnh trái núi là một ngôi biệt thự hai tầng, mô tuýp kiến trúc kết hợp kiểu Nga - Trung Đông. Nơi đây có thể tổ chức lễ cưới, dạ tiệc, vũ hội...

Khu du lịch Bình An ra đời đã phá tan sự bình lặng vốn có của một thị xã mang đậm dấu ấn văn hoá Khmer ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ.




Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 12:47 PM | Message # 4
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Vườn cò Tân Long

Vị trí: Vườn cò này thuộc xã Long Bình, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng; cách thị trấn Phú Lộc 17km (theo tỉnh lộ 42).

Đặc điểm: Gần ba mươi năm, nơi đây hình thành một sân chim với hàng ngàn con cò sống trên những cây tre, cây dừa quen thuộc của gia đình ông Huỳnh Văn Mười.

Trong vài năm trở lại đây, ông Mười đã đón du khách đến tham quan vườn cò. Tại đây ông dựng một tháp quan sát cao hơn 10 mét để du khách được chiêm ngưỡng cò trong khu vườn có diện tích khoảng 1,5ha của ông.

Cò đang sống ở đây thuộc mấy giống: cò ma, cò ngà, cò quắm, còng cọc... Cùng với cơ hội được quan sát đời sống thực của các chú cò, du khách có dịp nghỉ ngơi thư giãn, cắm trại trong khuôn viên xanh hay thưởng thức nhiều món đặc sản.




Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 12:49 PM | Message # 5
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Cồn Mỹ Phước

Vị trí: Cồn Mỹ Phước thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng; ở giữa sông Hậu, cách thị trấn Kế Sách chừng 10km, đi canô mất nửa giờ.

Đặc điểm: Cồn Mỹ Phước còn được gọi là cồn Công Điền hay cồn Bùn từ xưa đã nổi tiếng với hồng xiêm, xoài, sầu riêng, cam quít, nhãn.

Người dân cồn Mỹ Phước đã tạo dựng những khu vườn sinh thái trồng cây ăn trái, làm nơi ăn nghỉ dành cho du khách tham quan. Cồn Mỹ Phước với không gian bao la rộng mát, với sông nước hữu tình thơ mộng, đã trở thành một điểm thu hút khá đông khách tới thăm quan.




Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 12:54 PM | Message # 6
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu)

Vị trí: Chùa Sà Lôn nằm trên quốc lộ 1A, cách thị xã Sóc Trăng 12km về hướng tây, hướng từ thị xã Sóc Trăng đi Bạc Liêu.

Đặc điểm: Nét đặc sắc ở ngôi chùa là sử dụng những mảnh bát (chén), đĩa sứ ốp lên tường trang trí cho ngôi chùa, bởi vậy chùa còn được gọi là chùa Chén Kiểu.

Thuở ban đầu chùa được dựng bằng cây và lá rừng. Trong thời kỳ chiến tranh, ngôi chánh điện bị sập do bom đạn tàn phá. Chùa được dựng lại năm 1969, đến năm 1980 hoàn thành.

Kỹ thuật ốp sứ độc đáo đã tạo nên vẻ đẹp riêng rất ấn tượng của ngôi chùa. Tại chùa Sà Lôn còn lưu giữ một bộ sưu tập đồ gỗ quý hiếm được chạm, khảm rất tinh tế, nhà chùa mua lại trong phần gia sản của công tử Bạc Liệu năm 1947.

Cột chùa chạm nhiều hoa văn, đường viền độc đáo. Hai bên cổng ngự hai con sư tử bằng đá trên bệ cao, hướng ra lộ. Trên cổng xây ba ngôi tháp, được chạm khắc, đắp nổi biểu trưng cho văn hoá truyền thống Khmer. Đặc biệt trong lòng tháp chính giữa lồng một tấm kính, nổi bật tượng phật ngồi uy nghi, như hiện hữu an lành ở chốn cảnh chùa. Cũng như các ngôi chùa khác của người Khmer, mái nóc chùa

Chén Kiểu có ba nếp, nếp dưới cùng lớn và nhỏ dần khi vút lên cao. Nếp phía trên có hình tam giác, hai đầu đao mỗi bên cong nguy nga. Mỗi nếp trang trí nhiều họa tiết và các tượng Khmer mang ước vọng bình yên, siêu thoát. Mặt sau chính điện là một mảng tường đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu vỡ đẹp mắt và sắc sảo. Bước vào gian thờ chính điện, sẽ thấy quần thể gồm 20 tượng phật lớn nhỏ đứng ngồi nhiều tư thế khác nhau. Tất cả được bố trí hợp lý, không gian tôn nghiêm luôn thơm mùi nhang khói. Theo một vị sư trụ lâu năm tại đây thì chùa Chén Kiểu trước kia được cất bằng lá, có tên Khmer là "Sà Lôn".

Chùa được xây cất vào năm 1815 trên nền đất rộng. Thập niên 60, chùa bị bom đạn phá hư hại và được xây lại như hiện trạng ngày nay. Phần sau chính điện vì thiếu kinh phí nên được các nghệ nhân sử dụng mảnh vỡ chén kiểu đắp vào. Chùa có tên Chén Kiểu từ đó. Một lần vào vãn cảnh chùa âu cũng là việc làm ý nghĩa để tinh thần hướng thiện hơn.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 12:57 PM | Message # 7
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Chùa Đất Sét Sóc Trăng: Ngôi chùa độc nhất vô nhị

Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa độc đáo nhất ĐBSCL. Chùa Dơi (chùa Mã Tộc) nơi hội tụ của hàng ngàn con dơi quạ, loài dơi lớn có sải cánh dài từ 1-1,5m; Chùa Chén Kiểu với hàng nghìn chén kiểu lớn nhỏ được đính trên các mái, vách, cột chùa; Chùa Vàng lộng lẫy với nét chạm khắc tinh tế... mang nét văn hóa đặc trưng của người Khmer Nam Bộ. Chùa Đất Sét còn gọi là chùa Bửu Sơn Tự, ngôi chùa với hàng ngàn tượng lớn nhỏ bằng đất sét, cột chùa cũng bằng đất sét. Độc đáo hơn nơi đây còn có 8 cây đèn cầy nặng tổng cộng 1,4 tấn.

Chùa được xây dựng cách đây 200 năm, do một người trong dòng họ Ngô sáng lập. Ông Ngô Kim Giản, 86 tuổi trụ trì chùa đời thứ 5 cho biết: Năm 1928â Ông Ngô Kim Tòng, thuộc đời thứ tư, người khởi xướng trùng tu chùa, qua một lần "nằm mộng" ông nghĩ ra cách nặn tượng bằng đất sét thay vì phải đúc bằng đồng, vàng…

Trong cảnh nghèo khó, ông đã quyết định sử dụng đất sét để nặn tượng xây dựng chùa. Đầu tiên đất sét lấy về, ông cho phơi thật khô, sau đó bỏ vào cối giã thật nhuyễn, rồi sàng lọc bỏ rễ cây, rễ cỏ, lấy đất mịn trộn với bột nham ô dước tạo thành một hỗn hợp dẻo, thơm để sử dụng nắn tượng Phật và xây chùa. Ông Ngô Kim Tòng lúc ấy 20 tuổi, người chưa hề học qua lớp điêu khắc nào, ông vẫn bắt tay vào tạc tượng. Hơn 1000 pho tượng lớn nhỏ ông tạc, nặn một cách tinh tế trong vòng 42 năm. Khi đã hoàn thành việc xây cất chùa và trang trí các tượng Phật, tượng loài thú trong chùa thì ông bắt đầu lâm bệnh nặng và mất ở tuổi 62.

Cho đến nay các tượng lớn, nhỏ này hiện vẫn còn nguyên vẹn ở chùa Đất Sét. Nào là tượng A Di Đà, Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát, Khổng Tử, Ngọc Hoàng Thượng Đế… Sự sắp xếp tượng ở đây nói lên tư tưởng Tam giáo đồng viện (Phật-Nho-Lão). Pho tượng "Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luận" có đến 1000 cánh sen, mỗi cánh sen là một vị thần ngự. Phía dưới đài sen lại có "Bát quái Thiên tiên" gồm 8 cung, đó là " Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài"; mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu; dưới đài sen và Bát quái là Tứ đại Thiên Vương trấn giữ.

Riêng tháp Đa Bảo cao 3,5m được thể hiện hết sức độc đáo. Tháp có 13 tầng với 208 cửa vị thần; dưới chân tháp có 126 rồng nâng đỡ tháp. Ngoài ra còn có lục long đăng 3 chóp đỉnh lớn, 7 lư hương nhỏ và các cặp Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Tượng, Bạch Hổ, Long Mã. Những chi tiết này nhiều người tưởng là đúc bằng đồng, mạ kim nhũ với dầu bóng, nhưng tất cả đều được làm từ đất sét.

Chùa Đất Sét không chỉ nổi tiếng bởi các pho tượng làm bằng đất sét mà còn 8 cặp đèn cầy lớn, mỗi cây cao 2,6m, ngang 1m (chứa 200kg sáp), được dòng họ Ngô đúc năm 1940. Hiện nay hai đèn nhỏ cháy suốt ngày đêm từ khi ông Ngô Kim Tòng qua đời (ngày 18-7-1970 đến nay). Nếu cháy hết sáp phải vào cuối năm 2006. Bình quân mỗi cây đèn cháy suốt ngày đêm phải mất 70-80 năm. Hiện nay mỗi ngày chùa đón trên 200 du khách và phật tử đến tham quan. Và đây được xem là ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam vì có trên 10.000 tượng lớn nhỏ đều được làm từ đất sét, là địa chỉ thu hút du khách mỗi khi đến Sóc Trăng.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 12:58 PM | Message # 8
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng

Vị trí: Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng nằm trong khu rừng tràm thuộc xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Ở cách huyện lỵ Mỹ Tú 13km (theo đường thủy), cách thành phố Cần Thơ 81km.

Đặc điểm: Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng là một di tích cách mạng được xây dựng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Đặt rải rác trên khu vực rộng gần 100ha trong rừng tràm rộng đến 20.000ha, di tích được bao bọc bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, cây cối um tùm. Đây là vị trí chiến lược quan trọng của quân dân Sóc Trăng đã giữ vững trong suốt cuộc chiến chống Pháp và Mỹ.

Khu di tích có nhà hội trường trước năm 1968 được dựng bằng các loại cây tràm, lá dừa nước. Sau năm 1968, căn cứ tỉnh ủy được xây dựng lại kiên cố hơn. Hội trường được xây cất lớn hơn, khang trang hơn, cột, vì kèo bằng gỗ dầu vuông, mái lợp lá chẻ. Hai bên hội trường là bốn căn hầm nổi, hai căn hầm chìm được đúc bằng bê tông từ năm 1968. Cách hội trường 300m là hai căn hầm bí mật dành cho các đồng chí lãnh đạo.

Bên cạnh hội trường là nhà làm việc của Bí thư, hàng trăm lán trại của ban tuyên huấn, dân vận, quân y, an ninh, tỉnh đội, điện đài, bảo vệ...
Hiện nay khu căn cứ tỉnh ủy chỉ còn lại nền hội trường, hồ chứa nước và hai hầm tránh pháo.




Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 12:59 PM | Message # 9
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Chùa Kh'leang

Vị trí: Chùa toạ lạc ở số 71 đường Mậu Thân, khóm 5, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Đặc điểm: Chùa Kh'leang là ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng, có tuổi thọ gần 500 năm, được xây dựng vào khoảng năm 1533, gắn liền với những truyền thuyết về địa danh Sóc Trăng.

Ban đầu, chùa được xây cất bằng gỗ và lợp lá, rồi dần mới xây bằng gạch và lợp ngói, với trang trí, đường nét kiến trúc đẹp. Chùa Kh'leang được xây trên nền đất cao rộng, không gian thông thoáng, xung quanh có nhiều cây xanh đặc biệt là cây thốt nốt, loại cây đặc trưng của người Khmer, dưới mỗi gốc cây đặt những băng ghế đá dùng để nghỉ chân tạo cho du khách một cảm giác hết sức thoải mái, mát mẻ. Chùa được bao quanh bằng ba vòng rào với khoảng cách rộng. Trước chùa có hai tháp hình bầu dục ở hai bên tả hữu, dùng để hài cốt các vị trụ trì. Cổng chùa được trang trí hoa văn cầu kỳ với mầu sắc rực rỡ mang đậm phong cách văn hoá Chăm.

Bên trong chính điện có 16 cột bằng gỗ to, đen mượt được thiếp vàng thể hiện các hình ảnh nói về cuộc đời đức Phật, về sinh hoạt Phật pháp. Trên trần và tường được vẽ nhiều hình ảnh, hoa văn, thể hiện sự hoà hợp giữa phật pháp và hội hoạ. Nơi chính điện là bức tượng Phật to ngồi trên toà sen lộng lẫy tạo nên sự uy nghiêm thanh thoát. Trong chùa còn trưng bày các vật dụng của người Khmer xưa như một cách bảo tồn và phát huy nét sinh hoạt căn hoá cổ xưa của dân tộc mình. Bộ mái chùa cũng được xây dựng theo kiểu tam cấp và mỗi cấp được chia thành 3 nếp. Nếp giữa lớn hơn nếp phụ ở hai bên và không có tháp nóc chùa.

Mái chùa cũng được trang trí bằng các phù điêu hình chim thú cũng như là những hình ảnh tượng trưng cho triết lý nhà Phật. Có thể nói toàn bộ mái chùa là một công trình kiến trúc độc đáo thể hiện quan niệm, triết lý về mối giao hoà giữa Phật - Con người - Trời của người Khmer.
Mỗi ngày, chùa Khleang đón rất nhiều đoàn khách đến thăm quan, đặc biệt là du khách nước ngoài.




Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 1:01 PM | Message # 10
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Chùa Dơi

Vị trí: Chùa tọa lạc ở số 73B đường Lê Hồng Phong, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, cách trung tâm thành phố khoảng 2km.
Đặc điểm: Chùa Dơi là một ngôi chùa đẹp, thanh bình với thiên nhiên xanh, là nơi cư trú của hàng vạn con dơi quạ.

Chùa Dơi còn được gọi là chùa Mã Tộc hay chùa Mahatuc. Chùa được xây dựng vào thế kỷ 16 và đã được trùng tu nhiều lần. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống Khmer. Ðặc biệt khuôn viên chùa rộng lớn chính là nơi cư trú của hàng vạn con dơi quạ từ bao đời nay, chúng treo mình trên những cành cây trong khuôn viên chùa vào ban ngày, khoảng 6h chiều dơi bay đi kiếm ăn đến 5h sáng hôm sau lại quay về. Ðiều thú vị nữa là dơi không bao giờ ăn và phá hại trái cây trong khu vực chùa, nơi chúng nương náu.
Chùa có tôn trí pho tượng đức Phật cổ bằng đá cao 1,5m và nhiều bộ kinh luật viết trên lá cây thốt nốt.




Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 1:05 PM | Message # 11
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Đặc sản Sóc Trăng: Bún vịt nấu tiêu

Một trong những món ăn phổ biến ở Sóc Trăng là món “bún”. Bún vừa là món ăn no cũng là món ăn chơi. Đây là món ăn chế biến đa dạng về hình thức và phong phú về chất lượng. Bún ở Sóc Trăng có nhiều loại chế biến cầu kỳ và hương vị rất độc đáo, khó quên, như: bún mắm, bún cá, bún bò giò heo, bún riêu, bún nước lèo... Đặc biệt món “bún vịt nấu tiêu” hấp dẫn, riêng khâu chế biến có phần cầu kỳ hơn món bún khác.

Vịt được làm sạch, ngâm muối rồi cạo sạch, để ráo, chặt nhỏ ra ướp gia vị gồm tiêu hột, tỏi, hành, muối, đường, bột ngọt cùng hạt điều phi. Ướp trộn đều để cho thấm, đổ vào nồi nấu cho lửa riu riu, xóc đều nấu tiếp khoảng 2 giờ cho loại vịt tơ, vịt đẻ chừng 3 giờ.

Vịt nấu tiêu được nấu thật rục như vịt tiềm. Chủ lực của món này là tiêu hột nấu với nước lèo bằng xương và nước dừa tươi ngọt và thơm cay. Ngọt ở đây không phải ngọt của đường hay bột ngọt, mà ngọt của xương hầm, của nước dừa. Cay ở đây không cay theo kiểu ớt khô, nên thực khách không thể nhầm lẫn với các món bún khác.

Khi khách đã yên vị, tô bún nóng hổi với những sợi bún trắng phau, sau đó là miếng thịt đùi lấp lánh hấp dẫn, bên cạnh miếng huyết vịt, cùng nước lèo xăm xắp, điểm thêm vài cọng rau quế trên mặt. Bên cạnh tô bún là dĩa rau ghém gồm bắp chuối, rau muống bào, giá sống, sát đó là dĩa muối, ớt bằm, chanh.

Tùy theo ý thích, khách có thể gọi thêm bộ lòng, hay phần ức. Nếu muốn nhâm nhi cùng hơi cay, khách có thể gọi thêm đầu, giò, phao câu, chéo, cánh.

Món vịt nấu tiêu là món ăn lạ miệng, hấp dẫn, ăn vào cơ thể ấm lên và rất bổ dưỡng.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 1:06 PM | Message # 12
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Hủ tiếu cá nước trong: Món ngon của Sóc Trăng

Ở Sóc Trăng có nhiều món ăn ngon, độc đáo. Trong những món đó, phải kể đến hủ tiếu cá nước trong. Hơi ngược đời, bởi hủ tiếu đâu phải là đặc sản Sóc Trăng. Hủ tiếu cá là khúc biến tấu từ hủ tiếu cá Sài Gòn.

Nhưng đặc trưng của hủ tiếu cá là nồi nước lèo được hầm bằng xương heo rất lâu. Để nước lèo được trong, nồi nước không để dầu, mỡ vào. Thành phần gồm hủ tiếu, cá, mực và cật heo. Riêng rau ăn kèm chỉ có ba loại: rau cần, xà lách và giá. Hủ tiếu cá ở Sóc Trăng chỉ dùng cá chẻm, phi lê lấy phần thịt. Tôm, mực loại tươi. Cật heo phải giòn, ngon bằng cách ngâm nước đá cho nở. Riêng hủ tiếu làm bằng bột gạo lúa mùa.

Tô hủ tiếu cá nóng hổi để lên bàn, nước trong tô trong veo. Múc muỗng nước lèo, khi môi chạm vào muỗng, vị ngọt thanh tao của nước lèo nhẹ nhàng chảy xuống thực quản, cắn miếng cật heo vừa bùi vừa béo lại giòn sừn sựt thật khoái khẩu, cho miếng cá chẻm vào, thịt cá chắc, béo ngọt xen lẫn vị cay nhẹ của tiêu. Đó là chưa kể đến vị ngọt bùi của tôm, của mực cùng sợi hủ tiếu, ăn dậy mùi thơm khiến thực khách rất vui khi được thưởng thức món ăn ngon.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 1:07 PM | Message # 13
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Xá bấu ngọt xứ “Trà Nho”: Đặc sản Vĩnh Châu (Sóc Trăng)

Nghề làm Xá Bấu ngọt ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hiện đang phát triển mạnh mấy năm gần đây, ngoài nghề làm củ cải muối truyền thống địa phương, hiện đã có hàng chục hộ chuyên làm xá bấu ngọt (củ cải trộn đường, ướp gia vị) - là món ăn đặc sản "mới" được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Củ cải trắng bắt đầu vào vụ mùa chính từ tháng 10 đến thàng giêng âm lịch. Mùa này trời nắng tốt nên bà con làm củ cải muối thích chọn củ cải lớn để làm Xá bấu mặn, bán giá bình dân từ 2 đến 3 ngàn đồng/kg, tuỳ theo thời giá hàng năm. Nhưng khác với cách làm trên, các hộ làm xá bấu ngọt (chất lượng cao) đều cho người đến tận rẫy và các vựa chọn kỹ loại củ cải nhỏ, dài, suông, bằng cỡ ngón chân cái, được loại củ trồng trên đất cát pha sét càng tốt, vì củ cải trồng trên đất cát thường hay bị xốp, hơn nữa loại củ nhỏ rẻ tiền hơn lại chắc ruột, đều da, khi làm có lời nhiều hơn củ lớn, giá cao nhưng ruột xốp dai như "mút", ăn không ngon.

Ngoài ra, để tăng thêm hương vị, các cơ sở còn trộn thêm gừng, riềng non hoặc ướp ngũ vị hương tuỳ theo khẩu vị riêng của khách. Để rồi trong những sớm hừng đông, mọi người được dịp điểm tâm tô cháo trắng bốc khói dùng với xá bấu ngọt trộn thêm giấm, tỏi, ớt hoặc xì dầu ngon. Xá bấu ăn sẽ giòn rụm, quyến rũ với mùi đặc trưng của củ cải cùng các vị cay, chua mặn, ngọt của ớt, tỏi... cho người thưởng thức càng thêm thắm đượm nghĩa tình với quê hương.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 1:09 PM | Message # 14
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
BÁNH PÍA

Làng Vũng Thơm thuộc xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Đó là một xã khá sầm uất, có đông người Hoa sinh sống. Nghề làm bánh pía ở đây có từ 70 - 80 năm về trước. Bánh pía không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn bay xa sang Mỹ, Pháp, Úc, Canada, Trung Quốc và nhiều nước khác...
Sở dĩ bánh pía trở thành món quà đặc trưng của xứ Sóc Trăng vì nhiều nơi khác cũng làm loại bánh này nhưng bánh pía Sóc Trăng mang hương vị rất riêng.

Cũng là vỏ bột mì, nhân đậu xanh hoặc khoai môn tán nhuyễn trộn với sầu riêng hay mỡ heo xắt sợi, lòng đỏ trứng vịt muối nhưng bánh pía Sóc Trăng không quá ngọt, không quá béo, khiến người thưởng thức ăn hoài không ngán. Lớp vỏ bánh pía Sóc Trăng không khô cứng mà mềm dẻo, mịn màng ôm lấy nhân bánh thơm ngọt phía trong. Điểm đặc biệt nhất của bánh pía Sóc Trăng là hoàn toàn không sử dụng hương liệu. Mùi thơm của bánh được tạo nên từ những trái sầu riêng tươi ngon được tuyển chọn từ khắp các tỉnh ĐBSCL. Những ưu điểm của bánh pía Sóc Trăng hoàn toàn được tạo nên từ sự cần cù lao động của người thợ bánh, từ việc cán bột làm vỏ bánh sao cho nhuyễn mịn đến việc chọn những nguyên liệu tươi ngon nhất làm nhân, xắt mỡ thật nhuyễn và tỉ mỉ nắn thành những chiếc bánh đều tăm tắp.

Theo kiểu đóng gói truyền thống, mỗi phong bánh pía Sóc Trăng gồm bốn cái, gói theo hình trụ. Ngày xưa, bánh thường được gói bằng giấy khá đơn giản. Ngày nay, những phong bánh pía Sóc Trăng vẫn giữ hình trụ truyền thống nhưng được bảo quản trong hộp để giữ “dáng” bánh, bao bì vẫn là hai màu đỏ – vàng nhưng rực rỡ và chuyên nghiệp hơn, với các thông số về tiêu chuẩn chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng...

Vào dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, làng Vũng Thơm nhộn nhịp vì cả làng làm bánh để bán cho các đại lý từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, TP.HCM, miền Đông, miền Trung và nhiều địa phương khác đến nhận hàng. Dọc theo quốc lộ 1A, đoạn từ thị xã Sóc Trăng đi An Hiệp dài 10km, có hàng trăm cửa hàng bán bánh pía. Cùng thời điểm này, người dân Vũng Thơm đổ ra Sóc Trăng và ngược lên TP.HCM làm mướn cho các hiệu bánh ở đây... Tại nhiều kỳ hội chợ Giảng Võ - Hà Nội, bánh pía của các lò sản xuất Vũng Thơm đã được tặng thưởng huy chương vàng và đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao.
Bánh pía, ngọt, mềm, thơm hương vị sầu riêng, không lẫn vào đâu được. Ăn bánh pía uống với chung với trà đậm thì quả là khó quên...


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 1:11 PM | Message # 15
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Mát lòng canh xiêm-lo Nam Bộ

Năm, bảy năm trước, canh xiêm-lo còn là món "nhà nghèo". Nhưng nay nó trở thành đặc sản của không ít nhà hàng, quán ăn ở Sóc Trăng, Bạc Liêu. Tuy chưa nổi tiếng như bún nước lèo, song xiêm-lo có nhiều giai thoại và biến tấu thú vị hơn. Món này không chỉ thơm, ngọt nước mà còn “chở” nhiều rau đồng, rau nhà và rau dại mát lịm.

Hợp tấu Việt-Khmer

Nhiều trưởng lão ở Sóc Trăng cho rằng xiêm-lo là tác phẩm của cuộc phối ngẫu giữa anh chồng người Việt và vợ Khmer kén ăn. Bởi ban đầu, nguyên liệu nấu canh này là cá đồng (cá lóc hoặc lươn), tép bạc. Mắm nêm canh là bù-hốc, được làm bằng cá tạp loại nhỏ: sặc, rô, cửng, tốp…Rau nấu canh là bầu non hoặc rau ngổ. Nghe qua, chắc không ít bạn nghi ngại vì canh này "ô hợp" quá. Song chẳng phải vậy. Món này có mùi thơm độc đáo lắm. Đó là kết quả của sự cộng hưởng, thăng hoa của củ sả đập giập, thính gạo nếp và mắm bù-hốc đã khử tanh bằng dầu (mỡ) gia thêm tỏi, ớt. Và vị ngọt cũng thế, đó là sự giao hưởng giữa chất đạm cá đồng, tép tươi với đạm của mắm.

Dân sành ăn xiêm-lo ở Sóc Trăng thường tự nấu món này ở nhà để đãi bạn “chí cốt” cùng gia quyến, chứ không đi ăn quán. Khi đó, mắm nêm vào canh là bù-hốc ốp. Mắm này được làm bằng con cá trê vàng, sống hoang dã. Trước tiên người làm mắm cắt đầu, ủ cá trong khạp qua đêm cho nó chuyển sang trạng thái ươn. Sau đó họ vớt cá ra, vừa phơi nắng vừa dằn (đè) cho cá ráo nước tanh, khô cứng lại. Kế nữa họ ướp muối lên cá, gài lại vô khạp, đậy kín, để chỗ nắng râm. Sáng mở nắp chiều đậy lại…

Thêm nhiều công đoạn tỉ mỉ, công phu khác, sau sáu tháng thì khạp mắm thơm lừng. Đặc biệt, người Hoa ở Vũng Thơm, Sóc Trăng làm mắm này ăn ngon hơn người Việt và Khmer ở đây. Một người dân ở đây tả cái ngon của bù-hốc ốp: “Loại mắm này ngon đến độ cha con ruột mới mời ăn”. Vậy đó, mắm bù-hốc ốp ngon là thế mà tham gia vào nồi xiêm-lo thì chén đũa sẽ quằn quại đến độ nào!

Mặt khác, rau để nấu canh hoặc nhúng lẩu này dần phong phú hơn. Nào là rau má, mồng tơi, đọt choại, bông súng, bắp chuối bào… Nói chung là canh này có thể hỗn hợp với nhiều loại rau nhà, rau rừng và rau đồng.

Bởi căn bản xiêm-lo là món canh lưỡng thể, “xác” là canh rau tập tàng Nam Bộ, “hồn” là tiền thân của nồi bún nước lèo. Đồng thời, ở góc độ dinh dưỡng, hễ rau càng phong phú thì người thưởng thức càng có nhiều cơ hội dung nạp thêm sinh tố, khoáng tố và chất xơ.

Nồi xiêm-lo ở những nơi gần mũi Cà Mau lại mang phong thái của nồi canh nấu mặn. Đó là sự giao hưởng của một ít cơm mẻ với đầu khô cá gúng hoặc cá thiều, khô ốp và bắp chuối xắt dọc. Nhờ vậy nước canh thơm thanh, ngọt đậm và beo béo mỡ cá thiều hoặc gúng tương tác với nhựa bắp chuối.

Dân sành ăn ở Bạc Liêu bình chọn rau đắng đất làm rau ăn kèm với nồi xiêm-lo. Vị rau này gặp nước sôi nó lại tỏa mùi thơm thoang thoảng và giúp triệt tiêu vị tanh của cá biển lẫn cá đồng. Ăn rau đắng đất sành điệu là gắp một ít vào chén, múc nước canh đang sôi tưới lên, rồi vừa húp vừa cắn tí ớt hiểm nghe cái rụp. Khi đó, mồ hôi mẹ lẫn mồ hôi con lũ lượt túa ra. Nước chấm ăn canh xiêm-lo đơn giản chỉ là nước mắm ngon dầm ớt hiểm hoặc muối ớt.

Được biết, khô ốp là tác phẩm của dân Việt đi mở cõi. Gặp con cá lóc, chẻm… sặc phèn, lật ngửa họ liền vớt chúng lên, để hơi ươn. Kế đó họ lấy ruột cá ra, dồn đầy muối hột vào, cắt một nhát dao dưới rún cá cho rỏ máu tanh, treo lên phơi thành cá khô. Nồi canh xiêm-lo mà thiếu khô ốp thì giống như vở tuồng hay thiếu anh kép độc.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
Diễn Đàn 3V » DIỄN ĐÀN 3V » TÀI LIỆU THUYẾT MINH 63 TỈNH THÀNH » SÓC TRĂNG
  • Page 1 of 2
  • 1
  • 2
  • »
Search:

Bình Chọn
Rate my site
Total of answers: 22
Tin Nhắn
200
Site friends
  • Create a free website