Friday, 2024-05-17, 3:37 PM
Welcome Guest

3V CLUB

[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn Đàn 3V » DIỄN ĐÀN 3V » TÀI LIỆU THUYẾT MINH 63 TỈNH THÀNH » BÌNH ĐỊNH (tài liệu về Đất Võ !)
BÌNH ĐỊNH
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-10, 3:29 PM | Message # 1
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Đất võ quê tui !
Attachments: Bnh_nh.doc (139.5 Kb)


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-10, 4:46 PM | Message # 2
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
TRỐNG VÕ TÂY SƠN

Truyền rằng, trong những chặng đường chinh chiến, người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã sử dụng dàn trống gồm 12 chiếc (tượng trưng cho thập nhị địa chi gắn liền với tâm linh người phương Đông "thìn, tỵ, ngọ, mùi...") làm hiệu lệnh, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho ba quân.

Trải qua bao biến cố thời cuộc, thanh âm vang vọng từ dàn trống trận vẫn như một khúc ca hùng tráng thôi thúc lòng tự hào về chiến công của tiền nhân. Trong số những hậu duệ của nhà Nguyễn đất Tây Sơn, nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận hiện là thành viên của đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung đã truyền giữ thành công điệu hồn của những tiếng trống thiêng ấy.

Từ bài học vỡ lòng...

Chẳng ai ngờ rằng, với niềm say mê và lòng ngưỡng mộ tiền nhân từ những ngày thơ ấu, bài học vỡ lòng trong hành trình nối nghiệp nghệ thuật trình diễn trống trận Tây Sơn của nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận bắt đầu bằng... chiếc lon sữa bò và một đôi đũa tre! Theo lời kể của chị Thuận, chị là em út trong gia đình chỉ có hai chị em gái. Thân sinh của chị Thuận, cụ Nguyễn Đào là thành viên trong ban nghi lễ của đền Kiên Mỹ - nơi tưởng niệm ba anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, do con cháu của 3 vị anh hùng cùng nhân dân cư ngụ ở làng Kiên Mỹ (nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) lập nên. Cụ Đào chuyên đánh trống trận Tây Sơn trong các lễ giỗ được tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng 11 và mùng 5 tháng giêng (âm lịch). Vì không có con trai nối dõi tông đường, khi còn sống cụ Đào nguyện sẽ truyền lại "bí quyết" trống trận Tây Sơn cho hai người con gái, mong điệu hồn trong mỗi tiếng trống thiêng của tiên đế không bị mai một, thất truyền.

Những năm sáu, bảy tuổi, ngoài việc học chữ ở làng, chị Thuận đã bắt đầu làm quen với những điệu trống qua sự hướng dẫn của người cha. Chị bồi hồi nhớ lại: "Sau mỗi lần chứng kiến cảnh cụ thân sinh đánh trống trận, trong lòng tôi trỗi dậy cảm giác nôn nao, thích thú; về nhà thầm lặng đi tìm vỏ lon sữa bò, tập tọng làm theo với đôi đũa tre, leng keng suốt ngày. Từ một chiếc, dần dần "gõ" được bộ lon hai chiếc, bốn chiếc, tám chiếc rồi nâng lên mười hai chiếc như số trống vốn có của dàn trống trận". Nhận thấy con gái mình có năng khiếu, cụ Đào đã can đảm cho chị "sờ" đến dàn trống thật. Năm 1976, cụ thân sinh của chị Thuận qua đời. Từ đó, chị Thuận được các vị trong ban nghi lễ của đền Kiên Mỹ và dân làng tín nhiệm, kế tục vị trí của người cha. Trong ngôi nhà của chị Thuận hiện có một dàn trống trận 12 chiếc trống do chị tự trang bị để truyền nghiệp lại cho người con gái út Dương Thị Hương, năm nay tròn 23 tuổi. Nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận tâm sự rằng, trước lúc quy tiên, cụ thân sinh đã truyền bảo dù khó khăn đến mức nào cũng phải gắng giữ lấy điệu hồn của tiếng trống trận Tây Sơn như một bảo vật của dòng họ, xứ sở. "Tiếng trống ấy được cất lên ngay chính trên mảnh đất Tây Sơn huyền thoại như có một điều gì đó hào sảng, thiêng liêng hơn mà không nơi nào có được", chị Thuận bộc bạch chân thành.

...Truyền giữ tiếng trống thiêng

Tục lệ đánh trống trận Tây Sơn trong những dịp lễ giỗ, lễ hội gắn liền với chiến công của Tây Sơn tam kiệt vẫn được duy trì trong đời sống tinh thần của người Bình Định như một cách truyền giữ tiếng trống thiêng của tiền nhân, bất chấp tham vọng của vương triều nhà Nguyễn trong suốt 143 năm trị vì. Theo lời kể của chị Thuận, trải qua bao phiêu tán thời cuộc, gia phả của dòng họ đã bị thất lạc; những bậc cao niên trong dòng tộc chỉ truyền miệng lại cho con cháu những gì đáng nhớ về tổ tiên. Bài trống trận Tây Sơn, một "vũ khí" thần diệu của nghĩa quân Tây Sơn được truyền giữ đến ngày nay bằng con đường như thế.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-10, 4:47 PM | Message # 3
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Sau khi Bảo tàng Quang Trung chính thức thành lập vào năm 1979, cùng với việc sưu tầm các hiện vật lịch sử của nhà Tây Sơn nằm rải rác ở các địa phương trong nước, nhạc võ Tây Sơn với âm hưởng chủ đạo là thanh âm vang vọng từ dàn trống trận cũng được phục dựng. Nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận với tài nghệ của mình đã kế thừa xứng đáng vai trò trình diễn của người cha truyền lại. Nhiều năm làm Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, quản giữ và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa kho báu gồm hàng trăm hiện vật của triều Tây Sơn, ông Trần Đình Ký nói rằng, trống trận Tây Sơn như một loại hình nghệ thuật đặc biệt, có sự cộng hưởng giữa yếu tố quân sự và âm nhạc dựa trên nền âm cổ truyền hò, xang, xế... Thể hiện được điệu hồn của trống trận Tây Sơn là điều cực kỳ khó, không phải ai cũng làm được. Tiếng trống vọng lên phải thật hào hùng, bừng lên khí thế chiến đấu, chiến thắng của ba quân khi xông pha trận mạc; tiếng trống ấy còn là đòn thế tâm công lay chuyển ý chí của kẻ thù, hướng họ vào con đường chính nghĩa. Đã có nhiều người biểu diễn trống trận Tây Sơn nhưng hiện nay, nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận - đời thứ 9 trong gia đình có truyền thống đánh trống trận là người phả được hồn thiêng sông núi, hào khí thần tốc vào từng thanh âm khi réo rắt, khi hoan ca của dàn trống trận Tây Sơn.

Khúc ca hùng tráng

Sau khi soán lại vương triều vào năm 1802, Nguyễn Ánh cũng như các hậu vương của mình đã tìm mọi cách thủ tiêu những gì liên quan đến nhà Tây Sơn. Phần lớn những công trình kiến trúc kỳ vĩ như Thành Hoàng Đế, lăng tẩm... của Tây Sơn tam kiệt đều bị san bằng. Vượt lên nỗi lo sợ uy quyền và hệ lụy, người dân khắp nơi, đặc biệt ở đất Tây Sơn vẫn khắc giữ trong ký ức của mình những chiến công và cả những giá trị tinh thần mà các vị anh hùng áo vải cờ đào để lại. Một trong những khúc ca hùng tráng được lưu truyền đến ngày nay là trống trận Tây Sơn, trở thành một nét đặc trưng văn hóa - lịch sử của miền đất từng là phiên trấn của Tổ quốc ở phương Nam dưới thời vua Lê Thánh Tông.

Theo ông Trần Đình Ký, trống trận Tây Sơn gồm 3 hồi: Xuất quân, xung trận - công thành và ca khúc khải hoàn. Tiết tấu mỗi hồi đều có âm hưởng riêng. Trong hồi xuất quân, tiếng trống bình thản, nhịp nhàng nhưng hàm ẩn khí thế chiến đấu của đoàn quân trên đường ra trận mạc; tiết tấu của dàn trống trận chuyển sang réo rắt, nhanh, dồn dập khi xung trận - công thành thể hiện tiếng ngựa hí, tiếng hò reo, thế tiến công thần tốc; thanh âm ca khúc khải hoàn thể hiện niềm phấn khởi, mừng vui chiến thắng. Từ chiến công bách chiến bách thắng của nghĩa quân Tây Sơn nên điều đặc biệt trong tiếng trống trận Tây Sơn là không có hồi lui quân, khởi đầu và kết thúc đều vang vọng âm hưởng hùng ca. Trong dịp Lễ hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức vào năm 2000 tại thủ đô, người dân cả nước như sống dậy hào khí một thời từ những tiếng trống thiêng ấy qua đôi tay tài hoa và dòng máu nguồn cội cuộn trào của hậu duệ nhà Nguyễn đất Tây Sơn - nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận.

st


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
thanbai3vDate: Thursday, 2010-11-18, 9:52 AM | Message # 4
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
EO GIÓ QUY NHƠN

Những nốt nhạc hòa quyện trong cung bậc của những cơn gió lùa vào các hang động, tiếng sóng biển rì rào, tiếng róc rách của những con suối nằm trong khe núi, tiếng đàn yến lao xao… Đến Quy Nhơn bạn hãy một lần ghé qua Eo Gió.

Buổi sáng đẹp trời, trước khi đi qua Eo Gió, chúng tôi dừng chân dưới chân tượng đài chiến thắng Quy Nhơn thưởng thức ly cà phê sớm. Nhìn các chị các cô say sưa tập dưỡng sinh với bài múa kiếm, câu hát “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định cầm roi đi quyền” như đâu đó vọng về.

Eo Gió thuộc thôn Hưng Lương, xã Nhơn Lý, nằm cách Quy Nhơn hơn 20 km về hướng đông bắc. Đây là thắng cảnh đẹp, mang dáng vẻ hùng vĩ bậc nhất ở Bình Định.

Để đến Eo Gió, mọi người hào hứng băng qua cây cầu Thị Nại. Với chiều dài ấn tượng 2.500m, đây là cây cầu bắc qua biển dài nhất Đông Nam Á, niềm tự hào của vùng đất đầy nắng và gió biển này.

Đứng trên cầu nhìn về hướng tây nam, thành phố Quy Nhơn trông như bức tranh sơn thủy hữu tình. Hướng về biển Đông là những vó biển của dân chài xã Nhơn Lý, phía xa nhấp nhô những cụm sa mạc cát trùng phùng hòa lẫn mây ngàn. Tất cả tạo nên một cảm giác bềnh bồng khó tả.

Ngày xưa, khi chưa có cầu Thị Nại, giao thương giữa Nhơn Lý và Quy Nhơn rất khó khăn. Người dân hoặc du khách phải ngồi ghe máy gần hai giờ đồng hồ để đi từ Quy Nhơn tới Eo Gió và ngược lại. Giờ đây khoảng cách ấy được rút ngắn rất nhiều.

Đường lên Eo Gió, lối đi vẫn còn hoang sơ và không có sự tác động nhiều từ bàn tay con người. Từ trên cao nhìn ra xa, cụm dân cư thôn Hưng Lương nằm ngay dưới chân núi trông thật bình yên với những con thuyền bé nhỏ đang từ từ cập bến.

Để lên tới đỉnh phải đi theo những con đường mòn nhấp nhô đá rất khó khăn. Nhiều đoạn phải dò dẫm từng bước. Nhưng bù lại cho những vất vả là cảm giác thật tuyệt, không gì tả nổi. Trước mắt là biển trời bao la với những đường cong tuyệt đẹp của Eo Gió. Tiếng gió thổi lồng lộng rít bên tai, "nghe" chan chát mùi của biển cả.

Những âm thanh du dương phát ra từ những vách đá, tiếng sóng biển nhè nhẹ dạt dào vào chân núi, văng vẳng đâu đấy tiếng lao xao của đàn chim yến lao xao trong những hang động. Phía sâu trong khe núi là tiếng róc rách của những con suối nhỏ... Tất cả tạo thành một bản hòa tấu độc đáo.

Từ trên cao nhìn xuống có thể thấy những cụm san hô ngầm to nhỏ lẫn trong màu xanh trong của nước biển. Xuống gần hơn, bạn còn có cơ hội mục kích những chú cá đầy màu sắc tung tăng bơi lội dưới nước. Cách bờ một chút là hòn Mòng với những cụm đá nhấp nhô, uốn lượn.

Người dân nơi đây ví hòn Mòng như con cá sấu lớn vươn mình ra biển cả, cũng có người bảo đó là con trâu lớn đang ngụp lặn tắm mát.

Dọc bờ biển là những viên đá lớn nhỏ được sóng biển mài phẳng lỳ gọi là bãi đá đẻ. Các ngư dân lý giải như thế vì ngày càng thấy... nhiều đá. Tôi cũng tò mò nhặt một hòn đá nhỏ cho vào balô, để khi về nhà xem đá có đẻ hay không (?).

Nếu không thì coi như một vật kỷ niệm với điểm đến ấn tượng này vậy!...


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 10:42 AM | Message # 5
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Lăng Mai Xuân Thưởng:

Hơn 200 được xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ trên một ngọn đồi bên cạnh quốc lộ 19 thuộc xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn để tưởng nhớ Mai Xuân Thưởng - nhà yêu nước và cũng là lãnh tụ xuất sắc của phong trào Cần Vương kháng Pháp tại Bình Định. Từ trên ngọn đồi này, nơi năm xưa Mai Xuân Thưởng đã dựng cờ khởi nghĩa, khách tham quan có thể quan sát thấy các căn cứ kháng Pháp của nghĩa quân như Phú Phong, Tiên Thuận, Linh Đổng, Hương Sơn.. Đã hơn một trăm năm kể từ ngày Mai Xuân Thưởng hy sinh nhưng tên tuổi ông vẫn sống mãi trong lòng người dân Bình Định, trong lòng nhân dân cả nước.

Mộ Đào Tấn :

Trong số các danh nhân văn hóa ở Bình Định, Đào Tấn hiện lên như một ngôi sao sáng chói. Ông là người yêu nước, là vị quan nổi tiếng liêm khiết, là nhà thơ, nhà soạn tuồng xuất sắc của Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Với những đóng góp to lớn. Đào Tấn được suy tôn là “Hậu Tổ” của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Mộ Đào Tấn nằm trên núi Huỳnh Mai thuộc xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 15km, là một di tích lịch sử - văn hóa quan trọng đã được trùng tu tôn tạo trên nguyên gốc, ngày càng thu hút nhiều khách đến tham quan để tri ân người đã có công lao trong việc kế thừa và phát triển nền văn hóa dân tộc.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 10:43 AM | Message # 6
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Chùa Long Khánh: Nằm ở thành phố Quy Nhơn, được xây dựng vào khoảng năm 1715. Chùa Long Khánh là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Bình Định, là nơi sinh hoạt lễ bái của tăng ni phật tử và là điểm tham quan du lịch cho du khách gần xa. Hiện nay chùa còn lưu giữ được một số đồ vật quý như: Thái Bình Hồng Chung (Khánh đồng) được đúc vào năm 1805 (triều Gia Long). Tấm biểu trưng (Long Khánh Tự) được in vào năm 1813

Chùa Linh Phong: Được xây dựng năm 1702 trên lưng chừng một ngọn đồi nằm ở phía Nam Núi Bà, thuộc xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, lưng dựa vào núi cao, mặt trông ra biển, xung quanh có nước uốn lượn quanh, phong cảnh thanh tao, kỳ vĩ, không gian tĩnh mịch, với tên ban đầu là Dũng Tuyền, đến năm 1733 chúa Nguyễn Phúc Chu xuống chiếu cho xây lại chùa và đổi tên là Linh Phong, ban cho nhà sư trụ trì (Ông Núi) pháp hiệu Tĩnh Giác Thiện trì Đại lão thiền sư. Có truyền thuyết kể rằng vua Minh Mạng nằm mơ được Đại lão thiền sư dâng thuốc chữa khỏi bệnh nên đã xuống chiếu cấp bạc để trùng tu lại chùa năm 1829. Hiện nay chùa còn lưu lại nhiều di sản văn hóa lịch sử có giá trị cho thế hệ sau.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 10:45 AM | Message # 7
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Bãi biển Quy Nhơn – Cát Hải :

Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Bình Định những bãi biển tràn ngập ánh nắng, mặt nước trong xanh, kéo dài từ trung tâm thành phố Quy Nhơn về hướng đông bắc qua các xã Nhơn Lý, Nhơn Hội (Quy Nhơn), Cát Tiến, Cát Hải (Phù Cát) là một trong những bờ biển đẹp nhất Nam Trung Bộ với những bãi tắm lý tưởng như Tân Thanh,


Vĩnh Hội, Trung Lương, thu hút đông đảo khách du lịch đến đây hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, biển cả bao la với những cồn cát, hải đảo ngập tràn gió lộng, xen giữa những bãi biển lấp lánh cát vàng, sóng xanh và thưởng thức các món hải sản đặc sắc của địa phương.Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, Nam giáp tỉnh Phú Yên, Tây giáp tỉnh Gia Lai, Đông giáp Biển Đông

Đầm Thị Nại, Bán đảo Phương Mai :

Phía Đông Bắc Quy Nhơn có đầm Thị Nại là đầm lớn nhất Bình Định chạy dài hơn mười cây số, bề rộng tới gần bốn cây số với nhiều loại thủy hải sản nổi tiếng tươi ngon bổ dưỡng. Trong đầm, ở gần bờ phía Tây có một núi nhỏ - trên đó có ngôi miếu nhỏ do dân chài lập ra để thờ thuỷ thần - hình dáng núi tựa như một ngôi tháp cổ, gọi là tháp Thầy Bói (do chim bói cá thường tụ tập trên các khối đá nên có tên như vậy), làm cho cảnh quan đầm thêm sinh động và hấp dẫn. Mỗi buổi ban mai, những tối trăng tròn chìm ngập trong rừng ngập mặn xanh tươi, mặt đầm mờ mờ, huyền ảo như chốn thần tiên.

Nằm về phía Đông đầm Thị Nại, như một tấm bình phong khổng lồ án ngữ phía biển cho thành phố Quy Nhơn là bán đảo Phương Mai, với hệ thống núi đá trùng điệp ăn ra biển chạy dài khoảng 15 km. Phía Bắc bán đảo và chếch về phía Tây Bắc là những bãi biển tuyệt đẹp chạy dài tới huyện Phù Cát. Nhìn từ xa, Phương Mai như đầu một con rồng, thân nằm dài về phía Bắc đến tận cửa Đề Gi. Tận cùng phía Nam của bán đảo là một lưỡi nhọn hình mũi mác với nhiều hóc đá kỳ thú, hiểm trở, chim yến thường kéo về làm tổ, dâng tặng cho loài người loại đặc sản "yến sào" vô cùng bổ dưỡng, quý hiếm.

Đầm Thị Nại và bán đảo Phương Mai từng là vị trí phòng thủ chiến lược quân sự quan trọng, là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của nghĩa quân Tây Sơn và thêm vào đó vẻ đẹp, vẻ hoành tráng của thiên nhiên, của non nước chốn này mà nổi bật lên là cầu đường Quy Nhơn – Nhơn Hội dài 7km 048m bắc ngang qua đầm Thị Nại, nối liền bán đảo Phương Mai với thành phố Quy Nhơn, đã hấp dẫn biết bao khách đến tham quan du lịch.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 10:46 AM | Message # 8
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Suối khoáng Hội Vân:

nằm trên địa bàn xã Cát Trinh, huyện Phù Cát cách thành phố Quy Nhơn 48 km về phía Tây Bắc, trong một vùng có cảnh đẹp thanh tao, kỳ ảo Hội Vân là một suối khoáng nóng có giá trị đối với việc điều dưỡng chữa các bệnh như thấp khớp, tim mạch, các bệnh ngoài da... Tương truyền đây là suối nước mà thần tiên đã ban cho một công nương trong hoàng tộc Champa để chữa bệnh, vì vậy mà con suối này còn có tên gọi là suối Tiên. Hiện nay ở đây có viện điều dưỡng chữa bệnh với các phương pháp trị liệu cổ truyền được du khách đánh giá cao.


Hồ Núi Một:

Là một hồ nước ngọt lớn có mặt hồ rộng hơn 1.200 ha, ở xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, Xung Quanh hồ là suối, thác, hang động, rừng nguyên sinh, chính giữa là mặt nước hồ phẳng lặng, trong xanh, tạo nên một khung cảnh sơn thuỷ sông – suối – núi – hồ hữu tình, gần cuối hồ là làng đồng bào dân tộc Bana, giúp cho du khách khám phá tìm hiểu thiên nhiên, đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc và cùng tham gia các hoạt động văn hoá của đồng bào dân tộc Bana như: ca múa hát, cồng chiêng...


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 10:48 AM | Message # 9
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
LỄ HỘI


Lễ hội Đống Đa ngày mùng 5 tháng Giêng

Lễ hội Đống Đa : Đây là lễ hội lớn nhất trong nước để tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi -Đống Đa (năm 1789), đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược. Lễ hội được tổ chức trọng thể, hoành tráng vào ngày mùng 5 tháng giêng Âm lịch hàng năm, Ngoài nghi lễ truyền thống, trong lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: Biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, các trò chơi dân gian, hát tuồng... thu hút hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước tham dự.
Lễ hội Chợ Gò : Tổ chức vào ngày mùng 1 tết Âm lịch ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Bên cạnh phiên chợ được nhóm vào ngay ngày đầu năm Âm lịch với những hoạt động mua bán không mang tính chất kinh doanh mà chỉ có ý nghĩa cầu lộc, tài may mắn đầu năm, lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: hát bài chòi, biểu diễn võ thuật thi múa lân, và các trò chơi khác. Du khách về dự hội chợ Gò có dịp mua nhiều món quà mang ý nghĩa hái lộc đầu xuân.


Lễ Cầu Ngư của ngư dân miền biển

Lễ hội Cầu Ngư :

Là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng phổ biến của cư dân ven biển, hải đảo Bình Định, được tổ chức thường xuyên vào mùa xuân và mua thu hàng năm. Vào các ngày hội có đầy đủ kiệu rước, đội trống chiên, ban nhạc, đội chèo bả trạo, hát tuồng, diễn xướng theo nghi lễ, thu hút hàng nghìn người tham dự.

Lễ hội Đèo Nhông :

Tổ chức vào mùng 5 tháng giêng Âm lịch hàng năm tại Đèo Nhông nằm trên trục đường quốc lộ 1 thuộc xã Mỹ Phong và Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ để kỷ niệm chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu (năm 1965) vang dội của lực lượng vũ trang quân khu V và bộ đội địa phương Bình Định, đã góp phần cùng với toàn miền Nam đánh bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt của địch, ghi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước một trang sử vàng chối lọi

Ca múa nhạc cổ truyền : Vùng Bình Định vốn nổi tiếng với các loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền như: hát bộ, bài chòi đặc biệt là hát bộ. Bình Định là quê hương của hát bộ, sau này đã lan truyền ra cả nước và đã trở thành một trong những loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc của Việt Nam.

Bên cạnh các đoàn hát bộ quần chúng ở nhiều xã phường trong tỉnh, Bình Định có Nhà hát tuồng Đào Tấn luôn đáp ứng phục vụ du khách có nhu cầu thưởng thức và tìm hiểu bộ môn nghệ thuật này.


Biểu diễn võ Tây Sơn
Võ thuật Tây Sơn : Bình Định là vùng đất có truyền thống thượng võ từ ngàn xưa như dân gian từng lưu truyền qua câu ca:

“Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định múa roi đi quyền”

đặc biệt là môn phái võ thuật Tây Sơn gắn liền với tên tuổi ba anh em Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, nổi tiếng trong làng võ cả nước, đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước và đã trở thành một bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay Bình Định đã xây dựng Nhà biểu diễn võ thuật Tây Sơn trong khuôn viên khu Bảo tàng Quang Trung nằm bên cạnh điện Tây Sơn, thường xuyên tổ chức biển diễn võ thuật, nhạc võ Tây Sơn phục vụ khách từ mọi miền về thăm Bình Định.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 10:52 AM | Message # 10
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
ĐẶC SẢN BÌNH ĐỊNH


Bánh ít lá gai:

Về Bình Định, du khách sẽ được nếm hương vị ngọt lành của bánh ít lá gai, là thứ bánh đơn sơ mộc mạc, rất gần gũi với nguời dân Bình Định. Những ngày giỗ kỵ có thể thiếu cá, thiếu thịt nhưng không thể thiếu bánh ít lá gai.Và trong phong tục cưới xin, mâm bánh ít lá gai làm lễ hồi dâu còn thể hiện sự đảm đang khéo léo của người phụ nữ. Bánh được làm bằng bột nếp tươi quết nhuyễn với lá gai và đường cát, nhân bánh làm bằng đậu xanh hoặc cơm dừa. Bánh ít đậm đà hương vị quê hương gắn liền với câu ca:

“Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi ”

Bún song thằng: Làm bằng đậu xanh, nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon đặc biệt và có giá trị dinh dưỡng cao, được sản xuất ở vùng An Thái (Nhơn Phúc - An Nhơn). Sở dĩ có tên gọi "song thằng" vì khi làm bún người ta thường bắt bún thành từng đôi một. Tương truyền các vua triều Nguyễn thường triệu thợ bún An Thái ra kinh đô Huế làm, nhưng không thành công, vì không có nước sông Côn, cho nên còn có tên gọi là bún "sông thần" và gọi chệch đi thành bún song thần.

Bánh hỏi: Được làm từ bột gạo, là món ăn đặc thù của Bình Định. Bánh hỏi thường được ăn kèm với thịt heo, bánh tráng và các loại rau thơm, nước mắm, tạo thành món ăn mang đầy đủ hương vị chua, cay,

ngọt, béo, thơm ngon vô cùng đặc trưng, hấp dẫn.

Nem Chợ Huyện: Là loại nem được chế biến ở huyện Tuy Phước, tập trung ở vùng chợ huyện lỵ nên được gọi là nem Chợ Huyện. Nem Chợ Huyện nổi tiếng trong cả nước và đã đi vào đời sống của người dân qua câu ca dao:

"Ai về Tuy Phước ăn nem

Ghé qua Hưng Thạnh mà xem tháp Chàm"

Du khách đến Bình Định ai ai cũng muốn thưởng thức miếng nem Chợ Huyện thơm ngon, vừa chua, vừa cay, vừa ngọt, vừa dai, vừa dòn, cùng với ly rượu Bàu Đá cay nồng, đậm đà và mang về làm quà cho bạn bè, người thân những chiếc nem Chợ Huyện đặc trưng hương vị Bình Định.

Bánh tráng: Là món thường xuyên có mặt trong các bữa ăn của người dân từ các bữa ăn bình thường đến các buổi tiệc, liên hoan, cưới hỏi... Tiếng bẻ rốp rốp, mùi bay thơm thơm... đó là khí vị đặc biệt của ẩm thực Bình Định. Bình Định được xem là quê hương của bánh tráng, vì tương truyền rằng bánh tráng là món lương khô chiến lược được ra đời cùng với bước chân thần tốc của đội quân Tây Sơn đánh đuổi ngoại xâm. Bánh tráng có nhiều loại như bánh tráng gạo, bánh tráng mè, … và nổi bật là bánh tráng nước dừa ở vùng Hoài Nhơn - Bình Định. Bánh tráng cũng là món quà đặc trưng của quê hương Bình Định.


Rượu Bàu Đá:Là loại rượu nổi tiếng của Bình Định, được chưng cất ở vùng An Nhơn, hương vị thơm ngon đặc thù, sánh ngang với nhiều loại rượu nổi tiếng trong cả nước như rượu làng Vân ở miền Bắc, rượu Gò Đen ở miền Nam…


Thủy, hải đặc sản - Chình: có nhiều loại chình như chình mun và chình bông, thịt ngon và bổ. Đặc biệt là loại chình mun ở đầm Châu Trúc – Huyện Phù Mỹ nổi tiếng thơm, ngon và có giá trị bổ dưỡng rất cao.

- Các loại tôm, cua, mực, cá: như tôm ùm, tôm sú, cua huỳnh đế, mực ống, cá chua, cá ngừ đại dương… được chế biến thành những món ăn hấp dẫn có giá trị dinh dưỡng cao phù hợp với khẩu vị mọi người.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 10:54 AM | Message # 11
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
TIỀM NĂNG DU LỊCH BÌNH ĐỊNH


Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, Nam giáp tỉnh Phú Yên, Tây giáp tỉnh Gia Lai, Đông giáp Biển Đông.

Bình Định có 143.000 ha rừng tự nhiên với trữ lượng gỗ khoảng 10 triệu m3, 54.600ha rừng trồng. Đất có khả năng lâm nghiệp khoảng 220.000 ha, có thể phát triển thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ và giấy. Tài nguyên dưới tán rừng và hệ động thực vật rừng phong phú. Khoáng sản tương đối đa dạng, đáng chú ý nhất là đá Granite có trữ lượng khoảng 500 triệu m3, với nhiều màu sắc: đỏ, đen, vàng… sa khoáng ilmenite ở Phù Cát, cát trắng ở Hoài Nhơn. Nhiều điểm nước khoáng được đánh giá có chất lượng cao đã và đang được đưa vào khai thác


sản xuất nước giải khát, chữa bệnh. Riêng điểm nước khoáng Hội Vân có thể xây dựng nhà máy điện địa nhiệt. Ngoài ra còn có các điểm quặng vàng ở Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn. Tỉnh có bờ biển dài 134km, với nhiều cửa biển: Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan và hơn 7.600 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy hải sản xuất khẩu. Hệ sinh thái biển Bình Định thích hợp cho nhiều loại hải sản có giá trị cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Bình Định đã hình thành và phát triển các ngành sản xuất công nghiệp như: chế biến nông lâm thủy sản, hàng tiêu dùng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, may mặc, giày dép xuất khẩu. Nhiều sản phẩm công nghiệp địa phương có chất lượng cao, được tín nhiệm trên thị trường trong và ngoài nước: hải súc sản cấp đông, yến sào, đường RS, bia, hàng song mây - mỹ nghệ, đồ mộc dân dụng, đá granite ốp lát, các sản phẩm từ titan, cao su, may mặc, giày dép, dược phẩm....

Bình Định có mạng lưới giao thông thuận lợi: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam chạy xuyên suốt chiều dài của tỉnh, có quốc lộ 19 nối với vùng Tây Nguyên giàu tiềm năng và trong tương lai gần nối với Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và Thái Lan, có sân bay Phù Cát cách thành phố Quy Nhơn 30 km về phía Bắc và đặc biệt có cảng Quy Nhơn, một trong 10 cảng biển lớn của cả nước, nối liền Bình Định với cả nước và quốc tế. Mạng lưới bưu chính viễn thông với đủ các loại hình dịch vụ có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu trao đổi thông tin, liên lạc. Hệ thống nguồn và lưới điện khá hoàn chỉnh từ 220KV trở xuống nối liền mạng lưới điện 500KV quốc gia và nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn công suất 66MW trên địa bàn tỉnh. 100% xã có điện về đến trung tâm. Tỉnh đang triển khai nâng cấp nhà máy cấp nước thành phố Quy Nhơn công suất từ 20.000m3/ngày đêm lên 45.000m3 /ngày đêm.

Bình Định có nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú để phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, hội tụ đầy đủ núi, sông, biển, đầm, hồ, hải đảo, đồng ruộng, làng quê và lễ hội mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Nơi đây là vùng địa linh nhân kiệt, có nền văn hóa lâu đời, cái nôi của nghệ thuật tuồng, là quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ, là kinh đô của vương quốc Chămpa ngày xưa, giờ đây vẫn còn để lại nhiều di tích lịch sử – văn hóa – nghệ thuật với hệ thống tháp Chàm được đánh giá vào loại đẹp nhất của Việt Nam. Quý khách đến tham quan du lịch Bình Định sẽ được tận hưởng vô vàn vẻ đẹp của những di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng, những danh lam thắng cảnh tự nhiên đặc sắc, thơ mộng, những đêm trăng thả mình trên biển với những giọng ca bài chòi truyền thống, những lời ngâm thơ tình của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, … cùng với những món ăn đặc sắc của quê hương Bình Định xưa và nay.

Bình Định đã ban hành các chính sách cơ chế đầu tư như: hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng, ưu đãi về giá cho thuê đất, về thuế… là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư vào Bình Định nghiên cứu tham gia đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh.

Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế và luật đầu tư của Nhà nước Việt Nam, Bình Định với tiềm năng phát triển sản xuất và du lịch, với truyền thống mến khách, vui mừng và hân hạnh được đón tiếp du khách gần xa đến tham quan du lịch, các tổ chức, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến liên kết, liên doanh, hợp tác đầu tư phát triển sản xuất theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và cùng phát triển.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
Diễn Đàn 3V » DIỄN ĐÀN 3V » TÀI LIỆU THUYẾT MINH 63 TỈNH THÀNH » BÌNH ĐỊNH (tài liệu về Đất Võ !)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:

Bình Chọn
Rate my site
Total of answers: 22
Tin Nhắn
200
Site friends
  • Create a free website