Friday, 2024-05-17, 3:14 PM
Welcome Guest

3V CLUB

[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 2 of 2
  • «
  • 1
  • 2
Diễn Đàn 3V » DIỄN ĐÀN 3V » TÀI LIỆU THUYẾT MINH 63 TỈNH THÀNH » NINH BÌNH (về cố đô Hoa Lư)
NINH BÌNH
phuocdeptraiDate: Tuesday, 2010-11-23, 2:12 PM | Message # 16
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
2.Đền vua Đinh Tiên Hoàng

Đền toạ lạc tại thôn Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, cách thị xã Ninh Bình khoảng 12km về phía Tây Bắc. Đền quay hướng Đông, trên khuôn viên rộng khoảng 5 mẫu, lấy núi Mã Yên làm án. Đền vua Đinh Tiên Hoàng kiến trúc theo kiểu "nội công ngoại quốc", đường đi trong đền theo hình chữ "vương". Các công trình kiến trúc đối xứng nhau theo đường chính đạo, tên gọi phỏng theo tên gọi của cung điện thời xưa.

Lớp ngoài là Nghi môn ngoại (cửa ngoài). Tiếp đó là Nghi môn nội (cửa trong). Đi hết chính đạo, qua hai cột trụ lớn là đến sân rồng. Trên sân rồng ngay trước gian giữa của Bái Đường có sập Long sàng bằng đá xanh nguyên khối hình chữ nhật. Đây là một Long sàng đá đẹp và có giá trị nhất ở nước ta.

Từ sân rồng bước lên là Bái Đường. Trong Bái Đường treo bức đại tự có ba chữ Hán lớn "Chính Thống Thuỷ" (mở nền chính thống). Bái Đường thờ công đồng. Tiếp đến là Thiêu Hương, kiến trúc theo kiểu ống muống, thờ tứ trụ triều Đinh. Đi hết toà Thiêu Hương là vào Chính Cung, gian giữa thờ tượng vua Đinh Tiên Hoàng, đúc bằng đồng đặt trên bệ thờ bằng đá xanh nguyên khối. Gian bên trái thờ tượng Đinh Hạng Lang (ngoài), Đinh Đế Toàn (trong) là hai con thứ của vua Đinh Tiên Hoàng. Gian bên phải thờ tượng Đinh Liễn quay mặt về phía Nam, là con trưởng vua Đinh Tiên Hoàng.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Tuesday, 2010-11-23, 2:13 PM | Message # 17
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Đền vua Lê Đại Hành

Cách đền vua Đinh Tiên Hoàng về phía Bắc 300m là đền thờ vua Lê Đại Hành, cũng xây dựng trên nền cung điện xưa của kinh đô Hoa Lư. Đền ở làng Trường Yên Hạ nên gọi là đền Hạ. Đền lấy núi Đèn làm án. Kiến trúc của đền cũng xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc", có thêm Từ Vũ, không có ngưỡng cửa đá và những tảng đá cổ bồng tôn cao như đền vua Đinh Tiên Hoàng.

Đền vua Lê Đại Hành còn giữ nguyên được lối kiến trúc và điêu khắc ở thời kỳ Hậu Lê. Đền vua Lê Đại Hành có ba toà: Bái Đường, Thiêu Hương, Chính Cung. Đền thấp hơn đền vua Đinh, lại có nhiều bức đại tự sơn son thếp vàng, nên tạo cảm giác tráng lệ, mang tính chất huyền ảo hơn. Bái Đường đền Lê Đại Hành có nhiều mảng chạm khắc gỗ rất điêu luyện và tinh xảo. Qua Bái Đường là đến Thiêu Hương thờ tứ trụ triều Tiền - Lê.

Nối với Thiêu Hương là Chính Cung, gian giữa của Chính Cung, trên bệ đá đặt tượng vua Lê Đại Hành. Gian bên trái tượng vua Lê Đại Hành là tượng Hoàng hậu Dương Vân Nga, quay mặt về phía đền Đinh. Gian bên phải tượng Lê Đại Hành, đặt trên bệ đá tượng Lê Long Đĩnh (Lê Ngoạ Triều) là con thứ năm của vua Lê Đại Hành và là đời vua thứ ba của nhà Tiền Lê. Điều đặc biệt của đền Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm khắc gỗ ở thế kỷ thứ XVII đã đạt đến trình độ điêu luyện và tinh xảo.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Tuesday, 2010-11-23, 2:14 PM | Message # 18
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ

Kinh đô Hoa Lư được xây dựng và phát triển trong 42 năm (968 – 1010), là nơi có ba triều đại Đinh – Lê – Lý nối tiếp nhau lên ngôi. Đinh Tiên Hoàng, vị hoàng đế có công to lớn trong sự nghiệp thống nhất đất nước, khởi đầu việc xây dựng kinh đô Hoa Lư, tạo lập Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, đặt nền móng vững chắc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của các vương triều tiếp theo.

Lê Đại Hành từng thắng Tống, bình Chiêm, cày ruộng tịch điền để khuyến khích nghề nông, tiếp tục xây dựng kinh đô to đẹp hơn… Lý Công Uẩn lên ngôi với điều kiện đất nước tiếp tục trên đà thịnh vượng để tương xứng với khí thế quốc gia Đại Việt, khí thế rồng bay, nên tháng 7 năm Canh Tuất nhà vua quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long – Hà Nội.

Để tưởng nhớ nơi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, ngày 7 tháng 7 năm 2000, thành uỷ, HĐND,UBND thành phố Hà Nội cùng với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình tiến hành xây dựng công trình nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ ở khu di tích cố đo Hoa Lư.

Nhà bia được xây dựng trên khu đất giáp sông Sào Khê, phía trước đền thờ vua Đinh, vua Lê. Khu vực này có thể là một trong những bến thuyền thuộc kinh thành Hoa Lư - thế kỷ X, là một trong những địa điểm xuất phát dời đô của vua Lý Thái Tổ. Công trình kiến trúc theo hình thức kiến trúc “phương đình” với mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh là 11,2 m. Hệ thống cột gồm 4 cột cái, đường kính 0,52 m, 12 cột quân đường kính 0,42 m. Toàn bộ hệ thống cột, khung mái làm bằng bê tông cốt thép giả gỗ, vì kèo mô phỏng theo lối chồng giường.

Mái nhà bia được cấu trúc theo dạng chồng diêm 2 tầng, mỗi tầng 4 mái cân nhau, trên dán ngói mũi hài. Các đầu đao, bẩy được đắp theo dạng truyền thống. Toàn bộ chân cột được ốp đá, chạm hình cánh sen. Phần lan can có các mảng trang trí chạm khắc đá với các đề tài truyền thống như: tùng, mai, trúc,cúc, ngũ quả. Giữa lòng nhà bia đặt tấm bia đá cao 1,99 m; rộng 1,38 m (không kể phần đế). Mặt bia quay hướng bắc.Trán bia trạm hình mặt nguyệt và vân ám, diềm bia chạm hình hoa cúc dây. Công trình do Công ty Mỹ thuật Trung ương Bộ Văn hoá – Thông tin thi công. Đây là một công trình có độ bền vĩnh cửu, mô phỏng nghệ thuật kiến trúc truyền thống dân tộc, hài hoà với cảnh quan di tích.

Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ ở khu di tích cố đô Hoa Lư được khánh thành ngày 29/9/2000, đúng vào dịp kỷ niệm 990 năm Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Tuesday, 2010-11-23, 2:20 PM | Message # 19
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Chùa Bàn Long

Chùa Bàn Long là chùa thiên tạo và nhân tạo, lấy động núi và con người làm chùa nằm gọn trong Đại Tượng sơn ở thôn Khê Đầu thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư. Núi Đại Tượng là hình một con voi khổng lồ cao khoảng 200m chầu về kinh đô Hoa Lư xưa. Bàn long là ngôi chùa có rất sớm ở nước ta được hình thành trước thời Đinh, cách đây hơn 10 thế kỷ.

Tương truyền nhân dân địa phương phát hiện ra động từ lâu, thấy trong động có rồng cuộn nên lập chùa ngay từ đấy. Tấm bia ở vách núi Đại Tượng khắc vào thế ký thứ 16, niên hiệu Nguyên Hoà có ghi: “Từ thành cổ Hoa Lư men theo núi đá mà đi về phía nam đến làng Khê Đầu, ở đó có chùa Bàn Long. Đây là danh thắng từ ngàn xưa. Trải các triều Đinh, Lê, Lý, Trần chùa này càng thêm nổi tiếng”.

Chùa Bàn Long không xây Tam Quan, trước khi vào chùa phải đi qua một cây cầu đá cong cong. Những phiến đá xanh nguyên khối lớn đã được chạm, khắc ghép thành cầu. Đó cũng là điều độc đáo có ở các chùa trên vùng đất Hoa Lư. Gọi là chùa Bàn Long vì chúa Trịnh Sâm đã đến thăm, tay đề ba chữ lớn: “Bàn Long Tự” trên vách cửa động. “Bàn Long” là bệ rồng - bệ đá rồng ngồi. Có tên là Bàn Long vì trong động có nhũ đá dáng hình như con rồng ngồi, hình rồng nổi rõ cả vảy.

Nếu trời nắng hạn khi vảy rồng đó trong động long lanh tỏa sáng thì vài ngày sau trời sẽ đổ mưa. Người ta nhìn vảy rồng trong động để xem thời tiết nắng hay mưa vì thế: vào những năm hạn hán, nhân dân địa phương thường làm lễ cầu mưa ở chùa Bàn Long. Vào trong động, phía bên trái là tượng A Di Đà bằng đá xanh nguyên khối được tạo dựng từ khi lập chùa. Đây là một pho tượng phật bằng đá cổ xưa nhất còn để lại đến ngày nay.

Dưới pho tượng là ổ rổng đá cuộn tròn do tạo hoá kiến tạo thành. Các bài trí tượng phật trong động cũng giống như các ngôi chùa khác nhưng điều đặc biệt ở chùa Bàn Long là xung quanh các tượng Phật trên các vách động là những nhũ đá mà tạo hoá đã chạm khắc thành bốn con vật linh thiêng là Long, Ly. Quy, Phượng.

Tứ linh đá đó đều chầu về các tượng Phật đối xứng qua hai trục tung và hoành mà tâm là tượng Thích ca sơ sinh. Điều đặc biệt nữa là vách đá trên cao ở giữa động còn có một nhũ đá giống hình tượng Phật đang cưỡi ngựa trắng. Điều kỳ diệu này chỉ Bàn Long mới có được. Như thế mỗi không gian của vách động là những nhũ đá có hình rồng, tượng phật và những con vật linh thiêng khác thiên nhiên đã khéo tạc những mảng điêu khắc rất tinh tế đầy ấn tượng, mang sức quyến rũ khiến ta phải ngỡ ngàng.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Tuesday, 2010-11-23, 2:20 PM | Message # 20
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Chùa Nhất Trụ

Chùa nhất trụ nằm ở thôn Yên thành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Chùa chỉ cách đền Lê Đại hành gần 100m về phía Bắc. Được xây dựng vào thời Tiền Lê, qua nhiều lần trùng tu, đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Chùa quay hướng Tây, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, phần ngang là Tiền đường, phía dọc là 4 gian “chuôi vồ” là nơi thâm nghiêm để thờ Phật.

Ngoài chùa chính, trong khu vực chùa còn có nhà thờ Địa tạng và thờ Mẫu. Đến thăm chùa du khách bước vào Tiền Đường ở cửa bên trái, tại đây có bệ thờ đặt tượng đức ông Mặt Đỏ, đối diện là bệ thờ đặt tượng Đức Thánh Hiền. Trong Tiền Đường còn treo một quả chuông lớn. Trong Thương điện - “chuôi vồ’’có bốn hàng tượng Phật được sơn son thiếp vàng lộng lẫy có bốn hàng từ cao xuống thấp.

Điều đặc biệt, chùa chỉ có một cột Kinh bằng đá nên gọi là Nhất trụ. Đây là cột Kinh đá do vua Lê Đại Hành làm ở niên hiệu ứng Thiên thứ hai, năm 995 để dâng nhà Phật. Cột Kinh đá có chiều cao 4,16m, gồm có 6 bộ phận đá được lắp gá vào nhau bằng các lỗ mộng và ngỗng tròn, không hề có chất kết dính nào. Điều này khẳng định sự tính toán tỉ mỉ, rất khoa học của các nghệ nhân. ở phần thân cột , tám mặt đều được mài nhẵn lì, chạm khắc khoảng 2500 chữ Hán. Nội dung bản khắc trên thân cột là khắc Kinh Đà La Ni, Thủ Lăng Nghiêm và bài thần chú ca ngợi sự bền vững của đức hạnh phật, sự to lớn bao trùm của trí tuệ, tài năng phật Như Lai... phải chăng nghệ thuật chạm khắc đá, thư pháp trên đá của nhân dân Hoa Lư đã có từ lâu đời, cách ngày nay trên 1.000 năm.

Khu vực chùa Nhất Trụ được xây tường bao quanh, vườn chùa trồng nhiều cây ăn quả, cây đại thụ, cây cảnh, cây hoa xanh tươi làm cho cảnh chùa như một chốn tịnh viên.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Tuesday, 2010-11-23, 2:21 PM | Message # 21
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Động Thiên Tôn

Động thiên Tôn ở chân núi Dũng Đương cao khoảng 60 mét, quay hướng nam thuộc thôn Đa Giá, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Toàn bộ khu vực động là một phong cảnh thiên nhiên trong lành yên ả. Vườn rộng lại có nhiều cây ăn quả, cây đại thụ. Động Thiên Tôn gồm có hai hang: Hang Ngoài và hang Trong. Hang Ngoài là hang thờ Phật.

Bước qua cổng vào hang du khách sẽ choáng ngợp trước một hang đá thiên tạo cao, dài, hình vòm cung, trông giống như miệng một con rồng khổng lồ. Trong hang có bầy một hương án bằng đá, cao 1,2m, dài 1,4m, ba mặt chạm nổi đường nét hoa văn và tứ linh, làm từ thời Nguyễn cách ngày nay trên 100 năm.

Bên trên cửa động được chạm khắc nổi ba chữ Hán lớn: Thiên Tôn Động. Vách đá phía Tây có treo một quả chuông đúc từ thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786). Hang Trong còn gọi là hang Tối. Ngay cửa hang có một Long Đĩnh làm toàn bằng đá xung quanh đều chạm khắc nổi rồng mây. Trong toà Long Đĩnh chỉ đặt một tượng Thiên Tôn bằng đồng, đứng trên lưng rùa. Tượng được trang trí nhiều mầu sắc rực rỡ. Hai tay thần để trước ngực, nắm trắc đốc kiếm thần, chống mũi kiếm xuống lưng rùa. Vì thế động được gọi là động Thiên Tôn

Điều độc đáo ở động thiên tôn là tất cả các đồ thờ đều làm bằng đá và các con rồng được chạm khắc chủ yếu theo kiểu rồng thời Lý uyển chuyển, mềm mại, dáng thanh tú. Đó là những khối đá có hồn, thể hiện tài năng sáng tạo, trí thông minh và đôi tay vàng của các nghệ nhân thời xưa. Chùa Thiên Tôn quay hướng Tây dựng bằng những cột đá. Trong chùa đặt nhiều tượng Phật sơn son thiếp vàng. Núi Dũng Đương cùng với hai núi Nương Sơn và núi Voi hợp lại như một cổng thành đá hùng vĩ bảo vệ kinh thành Hoa lư.

Không những thế động thiên Tôn còn gắn liền với tên tuổi Đinh Bộ Lĩnh từ thủa chưa lên ngôi Hoàng đế. Trước lúc đem quân đi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã sửa lễ vật vào cầu đảo trong động để mong được thần giúp đỡ, tương truyền lời cầu của Đinh Bộ Lĩnh linh ứng, thần Thiên Tôn đã giúp ông đánh tan 11 sứ quân khác. Về sau nơi đây nhà vua cho xây cất nhà Tiền Tế và Kính Thiên Đài là nơi tiếp đón các sứ thần nước ngoài trước khi nhà vua cho vào bệ kiến.

Trước cách mạng tháng Tám, động Thiên Tôn là nhân chứng lịch sử chứng kiến một sự kiện quan trọng, hơn một vạn nhân dân ở các huyện đã hội tụ trước cửa động mít tinh biểu dương khí thế cách mạng, sau đó đoàn người kéo về đánh chiếm Ninh Bình. Như thế Động Thiên Tôn thờ cả tiên, phật, vừa là đền, vừa là chùa. Du khách đến đây, tâm linh sẽ được hướng thiện trong cõi phật, cõi tiên, chiêm ngưỡng tác phẩm điêu khắc đá tuyệt đẹp của tạo hoá và con người.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Tuesday, 2010-11-23, 2:22 PM | Message # 22
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Động Hoa Sơn

Hoa sơn là một hang động nằm ở lưng chừng núi – Có tên gọi núi Chùa – Phía nam cố đô Hoa Lư, thuộc địa phận thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hoà, huyện Hoa Lư. Động ở độ cao khoảng 60m so với chân núi. Qua 153 bậc đá, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một hang động tuyệt đẹp của Ninh Binh. Núi non hùng vĩ, cây cối sum suê, không khí trong lành, khí hậu mát mẻ, lòng người thêm cảm giác thanh thản như đang bước vào cõi Bồng Lai…

Tương truyền động Hoa Sơn chính là nơi nuôi Ấu chúa thời nhà Đinh. Vì thế mà động còn có tên dân gian là “Phôi sinh tự” nhân dân quen gọi là “Chùa bà đẻ”.

Hoa Sơn vốn chỉ là một động tự nhiên, nhưng do thấy đẹp nên nhân dân trong vùng đã lấy động làm chùa, làm nơi thờ phật. Do đó có thể coi Hoa Sơn là một ngôi chùa “Thiên tạo”. Con người và thiên nhiên nơi đây đã cùng nhau tạo nên một danh thắng, một di tích thật là kỳ thú giữa chốn non nước hữu tình của kinh đô xưa.

Ngay trước cửa động, bên phải là hai pho tượng bằng đá, đó là tượng thờ hai ông bà có công tu tạo ngôi chùa – Ông là Nguyễn Hữu Non, bà là Lê Thị Sánh. Đây là hai pho tượng quý, không chỉ được chạm khắc bằng đá tinh tế mà còn thể hiện một nghệ thuật điêu luyện và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Văn bia khắc ở ngang vách núi cũng cho biết hai ông bà đã sửa chùa năm Ất Hợi – Gia Long thứ 14 (1815)

Cái tên Hoa Sơn Động chính là do Vua Tự Đức đặt cho chùa - Động này khi nhà Vua tuần du ra Bắc và ghé thăm chùa. Nhà vua còn cho tập hợp các ngôi mộ thuộc Hoàng tộc Nhà Đinh và những người có công với Triều Đình lại rồi xây lăng Nghĩa Chủng ở phía Đông Nam, cách Hoa Sơn khoảng hơn trăm mét.

Động Hoa Sơn có chiều dài bằng chính chiều ngang của núi (khoảng 100m) với 3 hang liền nhau tạo thành một tam cấp – Đó là các hang: Hang Hạ, Hang Trung và Hang Thượng, cửa tiền của động rộng khoảng 12m, cao 20m. Hang hạ chính là một ngôi chùa “thiên tạo”. Bởi trong hang có thờ Phật, các pho: Tam Thế, Thiên Phủ, Phật Bà Quan Âm, Quan Âm Thị Kính… đủ cả. Trong chùa còn có 2 pho tượng Hộ Pháp cao to đứng ở hai bên – Dân gian gọi là ông Thiện và ông Ác.

Trong chùa có đôi câu đối với nội dung:

“Cảnh tú anh linh thiên cổ tại.
Hoa Sơn tiên động ức niên tiền.”

(Cảnh đẹp thiêng liêng từ thiên cổ.
Động Hoa Sơn có từ ngàn năm trước.)

Từ hang Hạ, qua 10 bậc đá là tới hang Trung. Hang có vòm cao khoảng 30m. Trần hang khá nhẵn, phía bên trái có nhiều nhũ đá tạo nên những cảnh sắc thú vị, mê đắm lòng người.

Hang Thượng cao nhất (cao hơn hang Trung khoảng 8m). Diện tích hang Thượng nhỏ hơn 2 hang trước, nhưng càng đi lên cao và vào sâu trong hang, cảnh đẹp càng đậm đà hơn, khiến du khách có cảm giác muốn đi mãi để khám phả sự kỳ ảo của thiên nhiên.

Động Hoa Sơn là một danh thắng nổi tiếng của đất cố đô Hoa Lư, là nơi du khách cảm thấy sự thư thái của tâm hồn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của tạo hoá.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Tuesday, 2010-11-23, 2:22 PM | Message # 23
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Hang Động Tràng An

Kinh đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) có vị trí rất đặc biệt trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là một quân thành vững chắc do thiên nhiên và con người làm nên.
Cùng với kinh đô Hoa Lư, hậu cứ để bảo vệ kinh thành "Lui có thế thủ, tiến có thế công" chính là khu hang động Tràng An.

Xây dựng kinh đô Hoa Lư, Vua Đinh Tiên Hoàng rất chú ý đến yếu tố “Thành” để bảo vệ kinh đô. Thành Hoa Lư gồm những dãy núi đá vôi và các tường thành nhân tạo đan xen, nối liền nhau, nhấp nhô tạo nên một đô thành hết sức độc đáo.

Và cũng vì có Kinh đô Hoa Lư từ năm 968, khu núi non trùng điệp, hang động kỳ ảo, sông ngòi khuất khúc, thung lũng đan xen hoà quyện vào nhau ở phía Nam đã tạo nên một kỳ quan thiên nhiên hoành tráng, mỹ lệ đó chính là khu Hang động Tràng An nay là Khu du lịch sinh thái Tràng An.

Khu du lịch sinh thái Tràng An thuộc địa phận xã Trường Yên, xã Ninh Vân, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư), xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn), xã Ninh Nhất, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình). Diện tích đất được sử dụng là 1.566 ha, trong đó diện tích núi và rừng đặc dụng được giao để quản lý, chăm sóc là 980 ha; diện tích đất để xây dựng cơ sở hạ tầng là 522 ha.

Khu du lịch Tràng An nằm về phía đông bắc tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội hơn 90 km về phía nam, gần trục đường quốc lộ1A xuyên Bắc – Nam, giáp thành phố Ninh Bình có trục đường sắt xuyên Bắc – Nam, phía bắc giáp huyện Gia Viễn, phía tây giáp huyện Nho Quan, phía nam giáp khu du lịch Tam Cốc – Bích động, phía đông giáp quốc lộ 1A.

Một điều thuận lợi đặc biệt là khu du lịch sinh thái Tràng An nằm gần khu di tích cố đô Hoa Lư nên càng thêm lộng lẫy, góp phần tô điểm, khẳng định giá trị lịch sử của cố đô Hoa Lư. Trong khi khảo sát và thi công ở một số hang động và các thung, các nhà xây dựng đã thu được nhiều cổ vật từ thời Đinh và Tiền Lê như: gạch xây, gạch lát, cối giã, tiền đồng, bát đĩa, hũ vại, nhạc ngựa, quả cân bằng đá... Đó là những hiện vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, tôn giáo, kinh tế... trong lịch sử dân tộc; là biểu tượng sống động, thể hiện ý chí quật cường, lòng tự tôn, niềm khát khao độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử.

Nếu du khách về xã Trường Yên, huyện Hoa Lư thăm cố đô Hoa Lư, không thể không đến khu du lịch sinh thái Tràng An để thưởng ngoạn sự hùng vĩ của núi non, thả hồn mơ mộng trước những hồ nước, hang động kỳ ảo cùng trời mây cao rộng, Tất cả hoà nhập vào nhau, tạo cho du khách một cảm giác nồng nàn, thi vị trong giang sơn cẩm tú, hình như tất cả cái đẹp của trời đất đã dồn góp về đây. Đúng là một vùng sơn kỳ thuỷ tú như những bức tranh thuỷ mạc đẹp mê hồn, ngay cả người khó tính nhất cũng phải yêu và mê.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Tuesday, 2010-11-23, 2:23 PM | Message # 24
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Đền Vực Vông

Đền Vực Vông nằm cách Cố Đô Hoa Lư 3km về Phía tây bắc, nằm ngay bên dòng sông Hoàng Long, thuộc khu vực Vực Vông, thôn Chi Phong - xã Trường Yên - huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Đền được xây dựng vào thế kỷ 16, đền đã được trùng tu xây dựng lại nhiều lần. Lần gần đây nhất là từ năm 1996 - 1999 do nhân dân địa phương trong tỉnh quyên góp xây dựng. Đền được xây dựng theo kiểu chữ Công ( I) gồm ba phần: Bái đường, Trung đường và chính cung.

Bái đường thờ Quan Giám Sát, chính cung thờ bà Nguyễn Thị Niên, nhân dân địa phương tôn thờ bà là Mẫu Thoải - người đã có công trong việc trị thuỷ xoá bỏ tục lệ sấu do bọn cường hào địa phương cứu dân làng, đem lại sự yên bình và ấm no cho nhân dân Vực Vông và phụ cận xưa.

Truyền thuyết kể lại rằng:

"Vào thời nhà Mạc ( Mạc Đăng Dung) có vị tướng là Nguyễn Quyện được lệnh đưa quân về trấn thủ tại Trường Yên ( Hoa Lư - Ninh Bình ngày nay). Ông có người con gái tên là Nguyễn Thị Niên, rất xinh đẹp, lại được học hành, luyện rèn văn, võ, được cha cho đi theo đoàn quân.

Trong đoàn quân của Nguyễn Quyện có hai vị quận công. Một người họ Bùi, một người họ Phan. Nhân dân quen gọi hai vị quận công là Quận Mỹ và Quận Kế. Quận Kế là Phan Văn Ngạn. Quận Mỹ là Bùi Văn Khuê người làng Chi Phong ( Nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư). Cả hai Quận công đều đem lòng yêu mến người con gái tài hoa, con tướng quân Nguyễn Quyện và cũng đã ngỏ lời cầu hôn.

Nguyễn Thị Niên, sau bao lần thử thách, đã nặng lòng yêu Quận Mỹ. Còn Quận Kế cũng bao lần tìm cách quyến rũ, nhưng nàng đều khéo léo chối từ. Quận kế bèn chuyển sang thuyết phục Nguyễn Quyện. Nể Quận kế có thế lực với nhà vua, sợ liên luỵ đến công danh sự nghiệp công danh của mình, Nguyễn Quyện tuy không ưa Quận Kế, nhưng phải nhận lời. Ông cũng nghĩ rằng lấy Quận Kế, con gái Ông sẽ sung sướng vì Quận Kế có thế lực hơn.
Bị cha ép gả, Nguyễn Thị Niên đau khổ nhưng không thể cưỡng lệnh cha, nàng thú thực đã yêu Quận Mỹ, nhưng ý cha như vậy nàng xin cha cho được thử tài hai người, ai thắng nàng chịu kết hôn.

Nguyến Quyện rất yêu quý con gái, nhất là từ khi vợ ông qua đời, ông chiều theo ý con nhưng dù sao trước sau nàng cũng phải thành hôn với quan Quận Kế.

Lúc ấy ở khúc sông đoạn Vực Vông (Trường Yên ngày nay), có một vụng xoáy lớn, hàng năm gây ngập lụt và tai hoạ cho dân làng. Vì vậy nơi đây có tục lệ rất dã man là hàng năm phải cúng lễ và sau đó ném một người con gái xuống vụng soáy cho thần thuồng ăn thịt. Nếu không thấn sẽ dâng nước gây tai hoạ cho cả vùng. Đã bao người con gái bị chết oan và bao gia đình chịu đau khổ mất con.

Sau bao lần thăm dò, nàng cùng quan Quận Mỹ cho đây là tục lệ dã man, vô lý, nhưng chưa tìm cách nào phá bỏ được tục lệ này để phá bỏ. Nàng đem việc đó ra thử tài hai Ông Quận, hễ ai tìm cách phá bỏ được tục lệ này để cứu những người con gái khỏi bị chết oan và bao gia đình đau khổ chịu mất con.

Quận kế rất khó chịu trước sự thử thách oái ăm này, nhưng hắn vẫn nhận lời để làm vui lòng người đẹp và cũng tin rằng mình sẽ thắng, bởi hắn nghĩ sẽ tâu đức vua ra lệnh phá bỏ tục lệ này.

Không ngờ phần thắng lại thuộc về Quận Mỹ. Chính ông đã cùng Bà Nguyễn Thị Niên thuê người giỏi lặn lặn xuống Vụng xoáy thăm dò và tìm ra nguyên nhân là: do dòng chảy bị đá ngầm ngăn làm đổi hướng. Năm nào nước lên to vực xoáy càng chảy xiết, hút thuyền bè nhấn chìm, gây nhiều thiệt hại trong vùng. Chỉ cần kè đá xoay lại dòng chảy thì không còn vực xoáy nữa. Họ đã thuê người phá đá trên núi lấp dòng chảy đối lưu, dòng sông trở lại yên ổn.
Không đạt được sở nguyện, lại bị bẽ mặt vì thua cuộc, Quận Kế căm tức tìm cách trả thù và tìm cách giết chết Quận Mỹ.

Vừa trải qua một cuộc chia ly đau đớn với cha về kinh chịu tội oan uổng ,không biết sống chết thế nào ,nay lại được tin chồng tử trận ,bà Niên đau đớn vô cùng ,than khóc ngày đêm.
Sau đám tang quận Mỹ, Quận Kế tìm mọi cách để bà Niên siêu lòng, hắn xin được thay bạn chăm sóc và mong được cùng bà kết nghĩa trăm năm, vì vẫn rất yêu quí bà. Nếu bà nhận lời thì hắn sẽ xin với triều đình tha tội và phục lại chức cho cha nàng .

Bà Niên căm giận, uất ức nhưng cố nén, bà nhận lời với hai yêu cầu: Xin tha cho cha nàng ngay và hẹn đoạn tang chồng, bà sẽ làm lễ tế chồng trên một chiếc thuyền đậu ở sông Hoàng Long sau đó sẽ làm lễ thành hôn cùng Quận Kế.

Quận Kế vô cùng mừng rỡ, hí hửng sửa soạn chờ đón ngày vui ấy. Đúng ngày hẹn, bà Niên bày đàn tế chồng ở trên một chiếc thuyền gần Gián Khẩu ( nay là Gia Trấn - Gia Viễn ). Cạnh đó là một chiếc thuyền khác được trang hoàng như là một thuyền như một thuyền cưới.

Bà cho mời Quận Kế xuống thuyền chuốc rượu. Kế vô tình uống khá nhiều say mền, bà sai người trói hắn lại và kể tội hắn đã hại cha bà, giết chồng bà. Lúc đầu hắn chối cãi sau đưa chứng cớ ra hắn sợ hãi van xin tha tội. Bà Niên sai chặt đầu kế đem sang thuyền bên tế lễ chồng. Tế song xuôi, mặc nguyên quần áo tang, bà nhẩy xuống sông tuẫn tiết theo chồng. Thi hài bà trôi dạt vào Vực Vuông, nhân dân vớt lên làm lễ an táng. Dân trong vùng đưa tang bà với lòng thương cảm, nhớ công ơn hai ông bà đã xoá bỏ hủ tục, cứu sống bao người. Họ xây ngôi đền thờ bà ngay nơi đó, nay gọi là đền Vực. Ngôi đền được tu sửa thờ cúng uy nghi, nhân dân thập phương đến lễ bái đông đúc."

Đền có tiếng là linh thiêng, ở đây còn bức đại tự mà vua ban tặng 4 chữ "Tiết Liệt Chung Trinh" và bài thơ:

"Gián khẩu gieo mình giương tiết nghĩa,
Vực Vông dựng lại cảnh cương thường.
Hỡi khách má hồng qua lại đó,
Dừng chân ngắm cảnh để làm gương."


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Tuesday, 2010-11-23, 2:24 PM | Message # 25
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Hang Sinh Dược

Hang Sinh Dược thuộc địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nằm giữa các danh thắng cùng các di tích lịch sử lớn trong vùng. Hang Sinh Dược cách cố đô Hoa Lư khoảng 2km về phía Bắc, cách khu du lịch Tam Cốc Bích Động không xa về phía Đông Nam, dịch chuyển sang phía Tây nam là hồ Đồng Chương nên thơ và chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu.

Là một hang xuyên thuỷ chạy dài theo lòng núi Mắt Rồng, hai đầu của hai cửa hang là hai thung lũng rộng. Bởi vậy du khách có thể vào thăm lòng hang bằng hai lối: lối thứ nhất qua cửa hang Vồng - thung Nước và lối thứ hai là cửa hang thung áng Nhồi.

Nếu du khách vào thăm hang qua cửa hang Vồng thì từ bến cầu Đen du khách lên thuyền đi bộ khoảng 100m là tới cửa hang Vồng. Sở dĩ có cái tên ''Hang Vồng'' vì nơi đây đã được thiên nhiên ban tặng cho một chiếc cổng bằng đá, mái uốn vòm cong tựa một chiếc cầu vồng nhỏ bắc trên một dòng suối trong xanh mát lạnh. Vì vậy người dân nơi đây gọi là hang Vồng. Có lẽ hiếm có nơi nào có một chiếc cổng đẹp và lạ kỳ đến như vậy.

Từ cổng hang Vồng du khách phóng tầm mắt ngắm nhìn một lòng thung rộng mát hiện ra trước mắt du khách bốn bề được bao bọc bởi các dẫy núi đá vôi trùng điệp, đó chính là thung Nước. Nơi đây cứ đến mùa mưa cả thung ngập tràn nước, cá tôm từng đàn kéo về sinh sôi nẩy nở, đặc biệt có loài cá rô Tổng Trường to, béo đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng của đất cố đô. Đây cũng chính là môi trường sống lý tưởng cho các đàn có về đây trú rét

Lối vào thứ hai qua thung áng Nhồi một lòng thung rộng khoảng 3ha xung quanh là cây, hoa rừng và những cánh chim ríu rít chuyền cành, tới nơi đây du khách sẽ được khám phá một thế giới hoàn toàn khác lạ, thật là thanh bình yên ả, những thảm cỏ xanh mướt, trải dài như những chiếu nghỉ cho du khách sau một hành trình dài, không khí trong lành của thiên nhiên dường như xua đi cái nóng, cái rét cùng những lo toan thường nhật.

Du khách xuống thuyền để bắt đầu chuyến du lịch kỳ thú trong lòng hang Sinh Dược và rồi sẽ không khỏi sửng sốt ngạc nhiên giữa một rừng nhũ đá muôn hình muôn vẻ, ngắm nhìn khối nhũ đá nào cũng thấy lạ, ở mỗi một góc độ lại mang một dáng vẻ hình thù khác nhau. Trần hang là những vòm đá rủ xuống nhiều dải thạch nhũ lấp lánh, dáng hình rất lạ kỳ, giống như các con vật ở dưới nước và trên rừng.

Sự tưởng tượng phong phú của du khách sẽ làm cho cảnh vật nơi đây trở nên sinh động và có sức sống hơn. Có lẽ bởi nhũ đá nơi đây chưa bị tác động của bàn tay con người nên mới có được vẻ đẹp nguyên sơ rực rỡ đến như vậy. Trong hang có những cột thạch nhũ rủ từ trên trần hang xuống như được dát vàng, dát bạc lóng lánh. Trên trần động, ở nhiều hốc đá, là nơi trú ngụ của những đàn rơi đông đúc, khi có tiếng động là bay đi dáo dác... Chỉ tận mắt đến nơi đây chiêm ngưỡng mới thấy hết được vẻ đẹp của hang.

Hang Sinh Dược có hai ngách rất dài: Ngách hang lên thung Cậy có chiều dài trên 500m, có một chiếu nghỉ lý tưởng cho du khách nghỉ chân, hoặc là nơi cắm trại cho những du khách thích sống trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Ngách thứ hai theo như lời kể của dân địa phương thì ngách này thông ra đền Trần (đền Nội Lâm) một di tích liên quan đến hành cung Vũ Lâm, nơi xưa kia các vua Trần đến đây tu luyện. Vì vậy ngách hang này vẫn còn là một bí ẩn, rất phù hợp cho các du khách ưa mạo hiểm và khám phá hang động. Hang Sinh Dược còn giữ nguyên được cái đẹp vốn hữu hình, nguyên sơ, tinh khiết của đá. Nơi đây còn hứa hẹn nhiều điều mới lạ chưa được khai thác hết.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Tuesday, 2010-11-23, 2:29 PM | Message # 26
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Vườn quốc gia Cúc Phương

Cách thủ đô Hà Nội 120 km về phía nam, nằm lọt sâu trong lòng dẫy núi Tam Điệp, có một mảnh đất với diện tích 22.200ha nằm trên địa phận 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá, Hoà Bình đã trở nên vô cùng quen thuộc, thân thương, gợi nên tính hiếu kỳ cho biết bao du khách trong và ngoài nước, đó là Vườn Quốc Gia Cúc Phương.

Được thành lập ngày 7 tháng 7 năm 1962, Cúc Phương đã trở thành Vườn Quốc Gia đầu tiên và cũng là đơn vị bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam. Với nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá lịch sử, từ lâu Cúc phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.

Cúc phương có đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm. Bước vào rừng già nguyên thuỷ Cúc Phương con người cảm thấy sững sờ, nhỏ bé khi lạc vào thế giới hoang sơ đậm mầu xanh kỳ vĩ trường tồn. Hàng chục người ôm mới hết chu vi những cây đại thụ ngàn năm cao trọc trời từ 45 đến 75mét như cây Đăng cổ thụ cao 45m đường kính 5m, cây Chò Chỉ cao 70m đường kính 1,5m, cây Sấu cổ thụ cao 45m đường kính 1,5m, cây Chò xanh ngàn năm cao 45m, chu vi gốc 25m.

Rừng nhiệt đới là xứ sở huyền diệu của các loài phong lan với hoa lạ rất thanh tao, quý phái được ví như những cô gái kiều diễm điểm tô hương sắc cho rừng.

Chẳng thua kém thế giới thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng rất đa dạng và phong phú. Theo số liệu điều tra mới nhất Cúc Phương có 89 loài thú, 307 loài chim, 110 loài bò sát và lưỡng cư, 65 loài cá, và gần 2000 dạng côn trùng.

Trong các loài thú Cúc Phương, nhiều loài đã được xếp vào loại quý hiếm, như báo gấm, báo lửa, gấu ngựa...và nhiều loài được là đặc hữu của Cúc Phương như sóc bụng đỏ. ở Cúc Phương có một loài thú linh trưởng rất đẹp, ngoài Việt Nam ra chúng không còn tồn tại nơi nào khác trên thế giới, đó là loài Voọc mông trắng – một báu vật của tạo hoá, loài vật này đã được chọn làm biểu tượng của Vườn Quốc Gia Cúc Phương.

Cúc Phương là nơi cư trú của nhiều loài chim nhiệt đới với nhiều sắc lông, kích cỡ, âm thanh giọng hót. Trong tổng số 307 loài, Cúc Phương có nhiều loài chim quý hiếm chẳng hạn như gà lôi trắng, chim gõ kiến đầu đỏ, chim phượng hoàng đất, đuôi cụt bụng vằn... Chính vì vậy Cúc Phương được chọn là một trong những điểm xem chim lý tưởng của các nhà khoa học và những người có sở thích xem chim trong nước và thế giới.

Thế giới côn trùng Cúc Phương cũng đa dạng muôn hình muôn vẻ. Mùa bướm nở, rừng già như trẻ lại tưng bừng lấp lánh ngàn vàng, bướm nhiều vô kể đủ dạng, đủ mầu phơi bầy một bức tranh kỳ ảo.

Thuộc địa hình catxtơ nửa che phủ, Cúc Phương có nhiều hang động đẹp với cái tên rất gợi cảm như động Sơn cung, Động Vui xuân, động Phò mã.... Đặc biệt có một số hang động còn lưu giữ những di chỉ khảo cổ có giá trị, các nhà khoa học cho rằng đây là một trong những chìa khoá để tìm hiểu lịch sử Việt Nam và Đông Nam á, những di cốt này còn lưu giữ ở động Người Xưa, hang Con Moong.

Từ xa xưa Cúc Phương còn là nơi cư trú và sinh sống của đồng bào Mường với những nét văn hoá riêng. Đó là những nếp nhà sàn, những trang phục, những phong tục tạp quán, lễ hội cồng chiêng, những điệu hò ... mang đận sắc thái văn hoá dân tộc Mường.

Năm 2000 Cúc Phương đã phát hiện một hoá thạch động vật có xương sống. Hoá thạch lộ ra trong đá vôi phân lớp dầy, hệ tầng Đồng giao tuổi Trias giữa. Theo kết luận ban đầu của Viện cổ sinh học Việt Nam đây là hoá thạch của một loài Placodontia (Bò sát răng phiến) sống cách ngày nay chừng 200 đến 230 triệu năm và là hoá thạch đầu tiên tìm thấy ở Đông Nam Á.

Đến với Cúc Phương ngoài những gì cảm nhận được mà thiên nhiên đã ban tặng, du khách còn được thăm các công trình nghiên cứu, các thành quả của dự án bảo tồn và đang thực hiện ở Vườn Quốc Gia Cúc Phương. Đây thực sự là những tài nguyên du lịch không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà còn có giá trị cao về giáo dục ý thức bảo tồn thiên nhiên, môi trường, như Trung tâm du khách, Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng, Vườn thực vật...

Thiên nhiên Cúc Phương thật là kỳ thú, đến với Cúc phương là hoà nhập với thiên nhiên - cái nôi sinh của muôn loài. Với một hệ thống giao thông khá thuận lợi, nhà nghỉ đa dạng, các dịch vụ ăn uống, hàng hoá lưu niệm và nhiều công trình vui chơi đã và đang được xây dựng, chắc chắn Cúc Phương sẽ là điểm hẹn của tình yêu thiên nhiên và những giá trị văn hoá - thiên nhiên và con người Cúc Phương luôn chờ đón các bạn.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Tuesday, 2010-11-23, 2:35 PM | Message # 27
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
ẨM THỰC NINH BÌNH

Ninh Bình là một trong những tỉnh nằm ở vùng duyên hải thuộc châu thổ sông Hồng, có những nét đặc thù riêng của nền văn minh lúa nước, của văn hoá sông Hồng, trong đó có văn hoá ẩm thực. Và ở mỗi vùng miền trên dải đất này lại có những món đặc sản riêng không chỉ hợp khẩu vị với người dân sở tại mà còn làm cho nhiều du khách cả trong nước và Quốc tế đến đây thích thú, say lòng.

Đến với vùng đất mở Kim Sơn, nhiều đoàn khách khi về đây, không chỉ tìm đến nhà thờ Đá, mà còn không quên thưởng thức bát bún mọc, món gỏi Nhệch, nhâm nhi với ly rượu nếp Lai Thành. Sắc màu, dư vị của những món ăn, thức uống này được chế biến, chưng cất với cả một nghệ thuật, kỹ năng dày công tích luỹ. Những người cao niên ở đất Lai Thành cho biết: Muốn có rượu ngon cũng phải dày công lắm, bởi không chỉ có men gia truyền, nước phải từ giếng khơi mà thứ gạo nếp để nấu rượu cũng phải chọn đất để cấy. Có như vậy rượu mới thơm, trong, sóng sánh và chỉ nhấp nhẹ một ngụm đã cảm nhận được dư vị đặc biệt của nó, cay ngọt, lâng lâng lan toả khắp cơ thể. Bún mọc Quang Thiện lại mang một nét đặc trưng khá độc đáo. Để có được bát bún ngon, người làm bún phải rất kỳ công từ khâu chọn gạo xay, sàng, lọc sao cho khi chế biến sợi bún trắng, dẻo, săn tròn. Việc làm mọc còn cầu kỳ hơn. Thịt phải là thịt bắp, lọc hết gân mỡ ra mới cho xay giã, ướp gia vị, viên thành từng viên nhỏ, thả vào nồi nước sôi, sau 7 đến 10 phút, viên mọc đã nổi lên trên mặt nước trắng hồng, trong suốt, một mùi thơm ngọt lan nhẹ xung quanh.

Đến với Yên Mô, ta sẽ được thưởng thức đặc sản nem Yên Mạc, rượu Yên Lâm, bánh đa chợ Lồng. Nghe nói ngày xưa khi các nho sinh trên đường vào Kinh đi thi thường ghé qua chợ Bút để mua sắm, tối hội nhau ở Mạc Đình để thưởng thức món nem Yên Mạc với rượu Yên Lâm, vừa để ngâm vịnh, hoạ thơ. Để rồi "Nem Yên Mạc níu chân người - Rượu bầu thơ túi một đời tìm nhau"Ngày nay nem Yên Mạc đã vươn xa, có mặt ở nhiều khách sạn, nhà hàng cả trong và ngoài tỉnh. Nem Yên Mạc do được tinh chế khá công phu, sợi nem nhỏ, đỏ hồng, rời, tươi, ướp gia vị là lá ổi tàu để được hàng tuần, nên trong ngày Tết không chỉ ở Ninh Bình mà không ít người từ Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng còn tìm về mua để dùng đãi khách quý.

Đến với thành phố trung tâm tỉnh lỵ hay đến với Hoa Lư với đất kinh đô xưa lại có những món ăn, một phong cách ẩm thực độc đáo. Có những món đặc sản dù xuất hiện chưa lâu mới vài ba thập kỷ nhưng đã thực sự chinh phục thực khách. Đó là những món ăn được chế biến từ dê như: tái dê, dê hấp, dê áp chảo. ở đất Trường Yên và các xã vùng ven, dê được chăn thả trên những dãy núi đá trập trùng, chất bổ dưỡng cao, có tác dụng chữa bệnh, nên hầu như số đông khách du lịch về Ninh Bình đều tìm đến thưởng thức. Riêng quán thịt dê ở dưới chân núi Mã Yên, ngày nào ít nhất cũng đón tới hàng trăm khách. ở thành phố, còn có món cơm cháy Hương Mai, miến lươn bà Phấn vốn đã nổi tiếng gần xa. Ngược dòng thời gian, khi đến với đất Cố đô không ai không biết đến cá rô Tổng Trường, nghe nói ngày xưa là thứ đặc sản tiến vua, được đánh bắt từ những triền hang, lòng động. Thân cá tròn lẳn, béo múp, da vàng óng, thịt cá thơm, ngậy, ngọt, xương cá giòn, ta có thể kho tộ, rán, nấu dấm đều ngon.

Rượu Lai Thành

Lai Thành là một xã thuộc vùng cực Nam huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Nổi tiếng với loại rượu được chưng cất từ gạo nếp được trồng trên chính đất này. Hạt gạo tròn, thơm, bột gạo trắng như màu sữa, thoang thoảng một hương vị dễ chịu... Mỗi năm, người Lai Thành đều dành một phần quỹ đất để trồng thứ lúa nếp truyền thống đó. Gặt về, phơi khô, sàng sẩy thật kỹ, đưa vào chum bảo quản để nấu rượu dần. Để có rượu ngon, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ quy trình, kỹ thuật chưng cất đến chất men, nguồn nước.
Ở Lai Thành có vài tộc họ chuyên làm men rượu với những bí quyết riêng, nên men của họ dù có để hàng năm vẫnthơm và khô, không biến chất. Rượu Lai Thành càng để lâu càng "vào hơi", uống càng ngon, càng chắc. Khi nồi rượu đã vào đoạn chưng cất, dù ở cách xa đến vài trăm mét, vẫn không thể giấu nổi mùi thơm, cay lan nhẹ, bay xa, tạo cảm giác lâng lâng, man mác...Về với vùng đất mở có bát thịt cá vược nấu đông, đĩa gỏi cá nhệch, dăm con cua bể luộc, đĩa tôm sú, tôm rảo bóc vỏ làm sốt vang, bát bún mọc Quang Thiện và nhâm nhi với chén rượu Lai Thành, hẳn du khách sẽ khó mà quên được nơi xứ đạo đầy nắng và gió biển này.

Miến Lươn Ninh Bình

Cơm cháy, tái dê và miến lươn là ba món đặc sản nổi tiếng ở Ninh Bình. Riêng món miến lươn từ lâu nhiều người đã biết đến cửa hàng bà Phấn. Nghề làm miến lươn của gia đình đã trải qua ba đời. Cái khó nhất là làm sao lựa chọn được những mớ lươn có chất lượng cao. Người ta thường chọn lươn cốm (nhỏ con), béo khoẻ, còn tươi, có lưng màu hồng nâu, bụng vàng rộm. Loại lươn này nhỏ xương, thịt rắn và thơm hơn các loại khác. Còn hoa chuối cũng phải chọn được những cái bánh tẻ còn tươi nguyên. Khách hàng khoái khẩu nhất là hoa chuối goòng, tuy không được trắng bằng hoa chuối hột nhưng nó mềm, có vị chát, bùi, ngọt vừa phải, muốn trắng khi ngâm nước chỉ cần vắt thêm tí chanh vào là được. Ngoài ra miến cũng cần chọn loại được chế biến từ dong đao nguyên chất, không pha tạp, có sợi nhỏ đều, trong suốt. Các loại gia vị khác như: giềng, mẻ, nước mắm, mắm tôm, chanh quả, lá lốt, hạt tiêu, ớt đều cần tươi ngon. Đặc biệt đối với việc gia giảm, liều lượng than lửa, các chất phụ gia chủ yếu ở 2 khâu: dim lươn (xào) và nước dùng. Sau cùng là khâu làm rau chuối, là thứ rất thích hợp đi kèm với miến lươn, có vị chát đánh át hơi tanh. Hoa chuối dùng dao sắc thái mỏng, nhỏ như sợi thuốc lào. Tuỳ sở thích của khách, đĩa rau chuối có thể thêm rau xà lách, giá đỗ và các loại rau thơm.

Tái dê Hoa Lư

Vùng Hoa Lư có lợi thế nhiều núi đá vôi nên việc nuôi thả dê cũng có nhiều thuận lợi. Muốn có món tái dê "nức tiếng" phải nắm được kỹ thuật chế biến lông dê, thui vàng, đều, mổ lấy thịt, rửa nước trong, treo lên cho ráo. Để bớt mùi hoi có thể đem ủ vào lá hương nhu hoặc lá cúc tần đã vò giập mười lăm phút. Sau đó lọc lấy cả da và thịt đem nhúng vào nước sôi, khi chín tái thì vớt ra. Hoặc đem bỏ chõ đồ tái là được, thịt thơm và không bị mất chất.
Sang khâu thái thịt làm tái cũng cần cả một nghệ thuật, tay nghề cao. Thái mỏng đều, thái ngang xớ. Không để miếng nọ giăng tơ với miếng kia. Xong xuôi, bỏ thịt thái vào chậu đã rửa sạch, lau khô từ trước. Rang vừng, giã đập dập. Cây sả bóc trắng, thái mỏng, lá chanh thái nhỏ. Gừng giã nhỏ, sao vàng, ít lát ớt tươi, nước chanh quả, bột ngọt, tất cả vừa đủ đổ vào chậu thịt thái sẵn, trộn đều. Khi đơm lên đĩa không quên rắc vừng đã rang lên trên, trông vừa đẹp mắt, lúc ăn lại bùi.Cái ngon của tái dê còn ở gia vị, gia giảm. Đó là các loại lá, quả ăn kèm theo. Nhưng "chủ công" là món tương gừng. Nhưng chính cách ăn đúng, hợp kiểu mới đưa tái dê lên địa vị xứng đáng. Lấy lá sung, lá mơ, bánh đa nem làm vỏ, bỏ thịt dê tái vào trong, quấn lại rồi chấm tương gừng. Bên cạnh tái dê, người Hoa Lư còn chế biến nhiều món khác như: Nem dê, dê hấp, nhựa mận, dê nướng, tiết canh dê, mật, cà đem ngâm rượu, nhưng món tái dê vẫn đứng nhất bảng. Tái dê vừa là món ăn ngon dùng bồi dưỡng cơ thể, vừa là món thuốc chữa một số bệnh rất hiệu nghiệm, bởi lẽ dê ăn nhiều loại lá, có chứa dược liệu rất quý.

Nem Yên Mạc

Nem Yên Mạc được truyền lại từ đời nào không rõ, nhưng những người sành ăn ở đây đã biết đến từ lâu. Với rượu nếp Yên Lâm, nem Yên Mạc đã tạo nên cái duyên "bầu rượu, nắm nem" đi vào thứ ẩm thực của nhiều thế hệ ông cha. Nem Yên Mạc sau khi làm, có thể ăn ngay và để khoảng dăm ngày sau mở ra sắc vẫn hồng, hương vị vẫn thơm, ăn vẫn ngọt.
Nem Yên Mạc gói bằng lá chuối, nhưng không bó chặt, bên trong được lót bằng lớp lá ổi tàu. Dù ăn ngay hay để lâu, khi gỡ nem ra, vẫn rời, tơi, cho lên đĩa, gắp từng dúm nhỏ, lấy lá ổi cuộn lại chấm với nước mắm, pha chút chanh, tỏi, ớt hoặc hạt tiêu thì người ăn sẽ cảm nhận đủ các dư vị ngọt, cay, thơm. Hiện ở Yên Mạc và một số hộ ở vùng phụ cận Yên Nhân, Yên Mỹ đều làm loại nem này. Nếu muốn làm được nem ngon mà vẫn đảm bảo được an toàn vệ sinh cũng phải kỳ công. Thịt lợn phải chọn thịt mông, vai, khi vừa xẻ con lợn ra - sờ miếng thịt còn nóng, màu phải hồng tươi và nhất thiết phải là thịt loại lợn khoẻ không có bệnh tật, phải lóc tỉa hết mỡ, gân, lọc bì ra đem luộc thật chín. Thịt nạc thì phân mảnh, thái đều, mỏng, giã tỏi và cho rượu ngon ướp vài ba giờ. Riêng bì, luộc xong vớt ra để nguội, lát mỏng như giấy, thái nhỏ như tăm. Chuẩn bị đầy đủ mới đem thính, thịt, bì và các gia vị cần thiết trộn đều rồi gói lại. Lúc trộn phải nhẹ tay sao cho thính và gia vị ngấm đều, nem tơi, sắc vẫn tươi hồng.

Nhất hưởng Thiên Kim (Cơm cháy)

Đến Ninh Bình, vào khách sạn hoặc các cửa hàng ăn uống, du khách đều có thể thưởng thức món cơm cháy. Cơm cháy được làm từ cơm đã nấu chín, dàn mỏng ra thành hình tròn, để cho nguội và khô, rồi bỏ vào chảo dầu rán cho đến khi giòn vàng lấy ra bẻ thành từng tảng nhỏ để vào bát to.
Thịt bò thăn thái lát, tim cật lợn thái mỏng, ướp gia vị cùng với cà chua, cà rốt, hành tây, nấm hương trộn đều, xào cho chín, rồi đổ vào bát cơm cháy. Cơm cháy kêu xèo xèo, bốc khói, toả ra mùi thơm. Khi ăn cơm cháy giòn tơi, chứa nhiều hương vị của món ăn thập cẩm nóng sốt, đậm đà, không bao giờ quên được.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Tuesday, 2010-11-23, 2:40 PM | Message # 28
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline

"Lợn cắp nách"

Giống lợn này nhỏ con, thường nuôi ở vùng miền núi Nho Quan, đặc biệt là ở đồng bào người dân tộc, nuôi nửa năm trở lên, con trưởng thành cũng chỉ nặng hơn chục kg. Khác hẳn loại lợn bị còi cọc, sài đẹn, loại lợn này chân nó nhỏ nhắn, săm sắn, tai cũng nhỏ, da lông thì dày đen, bụng nhỏ hơn lợn thường. Nó sống ở ngoài trời mặc mưa gió đêm ngày, thức ăn là ngô, khoai, sắn, rau củ... dù bị đói mấy ngày vẫn khoẻ khoắn nhanh nhẹn. Nó có sức đề kháng với bệnh tật môi trường rất cao để tồn tại, phát triển. Du khách rất thích đặc điểm này và coi đây không chỉ là món ăn đặc sản mà còn là một vị thuốc bổ dưỡng rất quý.
Có nhiều du khách không thích ăn các món chế biến từ "lợn cắp nách" ở nhà hàng hoặc khách sạn sang trọng mà lại thích thưởng thức nó trên mặt chiếu trải nơi nhà sàn tre vách nứa, dưới mái tranh mái lá, thức ăn bày trên lá chuối tươi xanh. Tất cả cùng ngồi nhấm nháp, thưởng thức lai rai các món chế biến từ "lợn cắp nách".
Ngoài cái thi vị của quang cảnh, không khí dân dã, hoang sơ nơi suối ngàn, có cái khoái khẩu đi vào đến tận gan ruột, đó là hương vị thơm ngon đặc biệt của "lợn cắp nách".
Thịt lợn loại này vừa cứng lại vừa mềm mới lạ. Từng miếng thịt (hấp, luộc, quay, nướng) săn chắc nhưng lại rất mềm, ngậy, ngọt hấp dẫn khác thường.
Đây là loại thịt lợn rất ít mỡ. Món nhựa mận sánh đặc, dậy mùi với hương vị tổng hợp của giềng, mẻ, mắm tôm, vừng, sả, ớt nướng, rau thơm... tất cả đậm đà, ngon tới tận tâm can.

Dê núi Ninh Bình

Dê núi Ninh Bình, một đặc sản có thương hiệu địa phương đã lai rai xuất hiện tại những trung tâm ẩm thực lớn của đất nước như Hà Nội, Sài Gòn. Có lẽ, dê núi Ninh Bình mới thật sự là dê núi và người dân ở đây đã rất tỉ mẩn chăm chút cho các món đặc sản thế mạnh của vùng này
Những “động vật hoang dã” duy nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường trên những vùng núi Ninh Bình chính là những đàn dê. Ngồi trên những chiếc xuồng xuôi ngược trên dòng Sào Khê chảy ngang qua khu du lịch Tràng An, du khách sẽ thấy nhiều chú dê be be tít tận những dốc đá hiểm trở đến mức mà hầu như ai cũng thắc mắc về phương cách leo trèo của đàn dê nhà này.
Tuyền, cô chèo đò xinh xắn trong đội chèo Tràng An cho biết, hầu như nhà nào trong làng của cô cũng có nuôi dê, nhưng chẳng ai có chuồng trại. Dê được đánh dấu sở hữu bằng cách sơn hay cắt tai, rồi được thả hoang trên núi, chỉ đến khi nào muốn bắt thịt thì người ta tìm cách giăng lưới bắt lại như bắt thú rừng. Sống hoang dã, các chàng và nàng dê núi ăn được nhiều loại cây cỏ tự nhiên, thịt sẽ rất nên vị thuốc nam theo quan niệm của người dân nơi đây.
Dê núi Ninh Bình ăn tại “bản địa” không quá dai cũng không quá mềm, do chúng chỉ ở tầm từ 15 – 25 ký, tầm thịt ngon nhất của “đời dê”. Ở dưới tầm này thịt sẽ quá mềm, và ở mức trên 30 ký, đa số dê núi sẽ được xuất đi khỏi tỉnh, như lời một chuyên gia ẩm thực, du lịch của tỉnh. Có lẽ vậy, món tái dê ăn tại Ninh Bình mới thật là tái tê! Chúng vừa mềm vừa giòn, vị ngọt mềm của thịt và vị giòn của da, ăn với tương bần, quả sung muối, kèm thêm những đinh lăng, lá mơ, lá sung, ngò gai, húng, quế…
Ưu thế tương tự cũng được dành cho món hấp. Cháo dê và dê quay là những đặc sản ít thấy ở các vùng khác. Ở những quán dê cận kề cố đô Hoa Lư, người ta quay dê nguyên con, vừa bán tại chỗ vừa phục vụ cho các buổi tiệc tùng, liên hoan, cưới hỏi. Dê núi Ninh Bình được chế biến khá phong phú, thêm nhiều món mang tính “vay mượn” từ các món cầy hay bò như rựa mận, nướng mỡ chài, áp chảo, chiên xù… Phụ nữ Ninh Bình trong thời kỳ cho con bú thường không ăn giò heo hầm mà thay vào đó là một cặp chân dê hầm, sữa cho nhiều hơn hẳn.
Không biết có phải vì các món dê núi hay không mà các cô gái Ninh Bình dường như trở nên xinh đẹp hơn trong mắt các nam du khách. Dê núi dùng với rượu ngọc dương, lại ăn kèm quả sung, nếu chẳng có tác động gì thì mới là điều lạ…

Canh chua Cá Rô

Nếu có dịp đến Cố đô Hoa Lư, thăm đền Vua Đinh, Vua Lê, du khách sẽ thấy ở hiên bái đường (đền Vua Lê) chạm khắc đề tài: “Cá hoá Long” nhưng cá Chép lại được chạm khắc thành cá rô. Đầu cá biến thành đầu rồng, còn thân cá là thân cá rô. Có lẽ, con cá rô ở Tổng Trường đã trở thành dấu ấn đậm đà trong nghệ thuật chạm khắc cung đình một thời oanh liệt của đất nước và đời sống thơ ca của người Ninh Bình
Đi thì nhớ cậu cùng cô
Khi về lại nhớ cá rô Tổng trường
Tổng Trường trước là tổng Trường Yên (nay là xã Trư¬ờng Yên, huyện Hoa Lư¬, tỉnh Ninh Bình), đây là vùng đất có nhiều hang động, có loại cá rô to và béo. Cá rô đư¬ợc chế biến để nấu món canh chua, đây là món ăn đặc sản của vùng núi đá vôi ven đồng chiêm trũng.

Rau cải làm dưa chua. Nước dưa pha thêm chút nước cho đỡ chua. Cà chua rửa sạch thái lát, xào chín, đánh tan cho vào nước dưa, thêm ít lát đậu phụ rán. Cá rô làm sạch, rán thật giòn rồi thả vào nước canh chua, nêm thêm gia vị, mắm muối cho vừa là được. Điều khá thú vị là cá rô rán thả vào canh chua hàng tiếng đồng hồ sau mà ăn vẫn bùi, ngậy, giòn tan.

Canh chua nhưng không hẳn là chua. Nó có cái chua chua, ngọt ngọt, chua chua của cải chua, của nước dưa, ngọt mát của cà chua, đậu phụ, ngậy, bùi, giòn và thơm của cá rô, tất cả cùng hoà quyện vào nhau làm thành cái hấp dẫn của món đặc sản này.

Mắm tép Gia Viễn

Ngày nay khi thực phẩm đã dồi dào, nhiều món ăn cao cấp, ngon lành, giàu chất dinh dưỡng được ưa chuộng trong đó có nhiều loại mắm đặc biệt ngon, nổi tiếng. Nhưng có lẽ mắm tép Gia Viễn là loại mắm đặc sẳn và độc đáo của người dân Ninh Bình.
Gia Viễn là nơi có nhiều diện tích đồng chiêm trũng, nhiều người làm nghề riu tép và làm mắm tép ngon thứ mắm mặn mòi, dân dã nhưng đậm đà tình nghĩa của người mẹ từng chắt chiu, dành giụm từng hạt gạo củ khoai nuôi con trưởng thành. Mảnh đất khi xưa nghèo khó là vậy mà vẫn có nhiều người xuất chúng, cống hiến tài năng cho đất nước như Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Bặc, Đinh Điền… Ở đây có những phụ nữ không chỉ "mát tay" làm được thứ mắm tép đỏ tươi ngon nổi tiếng mà còn nổi tiếng "mát tay"nuôi con trở thành những người anh hùng.
Từ x¬ưa đến nay mắm tép Gia Viễn đ¬ược nhiều khách hàng ¬ưa chuộng. Để làm được mắm tép ngon ngư¬ời ta chọn loại tép diu. Tép diu phải là tép già, thân tròn, nhỏ con, màu xanh lam. Điều quan trọng nữa là tép phải tư¬ơi, đem rửa sạch, để khô. Sau đó lấy thính gạo rang vàng, giã nhỏ, cùng với muối chộn đều với tép theo tỷ lệ, bỏ vào hũ, có thể đổ thêm ít n¬ước đã đun sôi để nguội, rồi bịt kín, để một tháng trở lên mới đem nấu chín ăn. Bát mắm tép đư¬ợc múc ra mầu đỏ tư¬ơi, có mùi thơm ngọt, rất hấp dẫn. Ng¬ười ta có thể giang mắm tép với thịt ba chỉ. Ăn mắm tép Gia Viễn không cần cho thêm bột ngọt, vẫn có vị ngon, ngọt, đậm đà. Ngày nay mắm tép Gia Viễn đã trở thành món ăn đặc sản của các bữa tiệc khi có thêm đĩa rau ngon.

Rượu cần Nho Quan

Rượu cần Nho Quan là loại rượu không qua chưng cất lửa. Người ta dùng gạo nếp xay (gạo nứt) nấu thành cơm trộn đều với men đem ủ vào trong ang hoặc vò sành từ 3 tháng trở lên mới đem ra uống.
Khi sắp uống, đem đổ nước vào ang. Nước đầu bao giờ cũng ngon và ngọt, đổ nước tiếp, rượu sẽ nhạt dần. Uống rượu cần không dùng chén, mà phải có các cần rượu làm bằng thân các cây trúc được thông rỗng bên trong cắm vào ang rượu.

Rượu cần ngon hay không là do mem làm có chất lượng không. Men rượu phải là vỏ cây mun cùng với củ giềng, củ gừng, lá ổi xanh theo tỷ lệ nhất định, đem giã vắt lấy nước rồi trộn với bột gạo nếp. Sau đó nặn thành bánh tròn bằng quả ổi nhỏ ủ vào trấu cho phồng lên, để khô khoảng 10 ngày mới dùng được.

Rượu cần uống phải đông người mới vui, uống để chuyện trò, giao lưu tình cảm. Chất ngọt thơm nồng của rượu và hơi thở, nhịp tim, ánh mắt, nụ cười của những người cùng uống tạo nên cái say nhẹ nhàng, cảm giác lâng lâng, khoan khoái như mãi níu kéo, gọi mời dù bạn mới chỉ thưởng thức lần đầu.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
Diễn Đàn 3V » DIỄN ĐÀN 3V » TÀI LIỆU THUYẾT MINH 63 TỈNH THÀNH » NINH BÌNH (về cố đô Hoa Lư)
  • Page 2 of 2
  • «
  • 1
  • 2
Search:

Bình Chọn
Rate my site
Total of answers: 22
Tin Nhắn
200
Site friends
  • Create a free website