Friday, 2024-05-17, 7:05 PM
Welcome Guest

3V CLUB

[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn Đàn 3V » DIỄN ĐÀN 3V » TÔN GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG » ĐẠO CAO ĐÀI
ĐẠO CAO ĐÀI
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-17, 10:30 AM | Message # 1
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
ĐẠO CAO ĐÀI

Đại đạo tam kỳ phổ độ hay Đại đạo Cao Đài là một tôn giáo phát sinh tại việt Nam, thờ Đấng tối cao là CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MAHATAT.
2 Phân loại: có nhiều phái, nhưng mạnh nhất là 2 phái:

Một là Cao Đài Tây Ninh( là vì có toà thành Tây Ninh).
Hai là Cao Đài Bến Tre.

3 Người sáng lập:- Ngô Minh Chiêu (thế danh là Ngô Văn Chiêu); sinh năm 1878 tại quận Bình Tây-Chợ Lớn, trong một gia đình nghèo. Lớn lên ông học rất giỏi và trở thành thư ký Sở Di trú Sài Gòn khi còn trẻ. Đến năm 1920 ông được bổ nhiệm làm tri phủ ở Phú Quốc, ông Ngô Minh Chiêu là người ham mộ việc tu hành nhưng không chịu học đạo với thầy phám nên cầu tiên để học đạo với ơn trên vô hình. Sau này chuyển về làm tại phòng II Phủ Thống Soái Sài Gòn, ông nhanh chóng tiếp thu ‘thần linh học’. Ông thường gặp gỡ trao đổi với bạn bè và tổ chức cầu cơ. Ông cho rằng ông đã tiếp xúc với một đấng thiêng liêng tá danh la Cao Đài Tiên ông và được vị tiên ông này phán bảo sứ mệnh xây tôn giáo mới ở phương Nam. Ông gặp bạn bè loan báo về sự phát hiện của mình về đấng Cao Đài và được mọi người nhất trí ông Lê Văn Trung và Phạm Công Tắc nhiệt liệt hưởng ứng. Đến khi Đạo Cao Đài chính thức ra đời và phát triển rầm rộ, ông không muốn có sự rắc rối, ồn ào nên đã nhường sự lãnh đạo Cao Đài cho ông Lê Văn Trung, để về Cần Thơ tu luyện và cầu cơ, sau này hình thành phái Cao Đài Chiếu Minh.

- Lê Văn Trung: sinh năm 1875 tại Chơ Lớn, trong một gia đình tiểu chủ. Ông là người thông minh và chuyên cần. Năm 1893, Ông tốt nghiệp trường trung học Chasseloup-laubat và được bổ nhiệm làm ở phòng II, văn phòng thống đốc Nam kỳ, phụ trách công chính và chợ búa. Name 1905 ông nghỉ việc và chuyển sang làm thầu khoán ngành du lịch đường sắt. Ông rất thành đạt trong lĩnh vực mới và được bầu làm nghị sĩ, tham gia hội đồng tư vấn phủ thống đốc. Năm 1920 ông bị thu lỗ trong kinh doanh và bị phá sản. Sau khi thất bại trong doanh nghiệp, ông giác ngộ lẽ vô thường và đi tu. Nhờ sự thông minh, tài ngoại giao, tài tổ chức và có tinh thần thực tiễn, ông đã nhanh chóng tiếp thu sứ mệnh khai đạo của ông Ngô Minh Chiêu và được phong Đầu Sư, sau đó là Quyền giáo tông đứng đầu “Cửu Trùng Đài’. Ông Lê Văn Trung mất năm 1934.

- Phạm Công Tắc: sinh năm 1893 tại Tân An, con ông Phạm Công Thiên và bà Trần Thị Dương, từng gia nhập phong trào Đông Du nhưng không xuất dương được. Ông Tắc bắt đầu làm công chức ngành thuế quang từ 1910 và tiến bộ rất nhanh chóng trong nghề nghiệp của minh. Do bị chèn ép, ông Tắc phải chuyển sang làm việc ở Phnôm Pênh, Campuchia. Sau đó, ông xin thôi việc và chuyển sang tu học tại Cao Đài, với chức hộ pháp đứng đầu Hiệp Thiên Đài. Sau sau khi ông Trung chết, ông Tắc trở thành lãnh tụ tối cao của đạo Cao Đài. Nằm cả 2 cơ quan Hiệp Thiền Đài và Cửu Trùng Đài. Và cũng từ đó mâu thuẫn trong nội bộ Cao Đài gay gắt, sau này chia rẽ thành nhiều hệ phái.
Theo Sử Ký Cao Đài, Đạo Cao Đài ra đời chính thức vào đêm Noel năm 1925, trong buổi cầu cơ bình thường như những buổi khác. Đêm đó Cao Đài Tiên Ông xuất hiện nói rõ danh tánh là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát và chọn 12 người đứng ra lập một tôn giáo mới lấy tên là “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”gọi tắt là Đạo Cao Đài.

Sau đó, những chức sắc đầu tiên của cao đài làm đơn kèm theo 27 chữ ký của tín đồ trình lên thổng đốc Nam Kỳ để khai báo cho đạo Cao Đài hoạt động. Vào ngày 15-10 (năm Bính Dần) nhằm ngày 19-11 dương lịch năm 1026, sau khi Thống Đốc Nam Kỳ La Lepol đồng ý, những người sáng lập đạo cao đài đã tổ chức lễ ra mắt rất lớn ở chùa Gò Kén (Hoà Thành, Tây Ninh) với sự hiện diện một số quan chức Pháp và người Việt.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-17, 10:32 AM | Message # 2
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
GIÁO LÝ

Giáo lý đạo Cao Đài là sự kết hợp tinh hoa giáo lý tôn giáo, tín ngưỡng cổ, kim, đông, tây.

Tư tưởng “Tam giáo” (Phật ,Lão ,Nho ) được xem như là trung tâm giáo lý của đạo Cao Đài. Đạo Cao Đài cho rằng họ là một tôn giáo dựa trên cơ sở “Qui nguyên tam giáo” tức là tổng hợp tinh hoa ba tôn giáo lớn ở phương Đông :Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo, với ba tư tưởng là: Từ bi (Phật), Bác ái (Lão), Công bình (Nho) và” Hiệp nhất ngũ chi “ tức là hệ thống năm ngành đạo: Nhân đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo. Nhân đạo do Đức Giáo Tông chưởng quân. Thánh đạo do Giêsu Kitô chưởng quản. Tiên đạo do Lý Thái Bạch chưởng quản. Phật đạo do Thích Ca Mâu Ni chưởng quản. Thần đạo do Đức Khương Thượng chưởng quản .

Sự tổng hợp giáo lý các tôn giáo được thể hiện rõ trong đối tượng thờ phụng của đạo Cao Đài gồm: Thượng đế và các bậc giáo chủ của các tôn giáo. Đạo Cao Đài thờ Thượng đế bằng hình ảnh con mắt bên trái, gọi là “Thiên nhãn” (Mắt trời ) và cho rằng với “Thiên nhãn”, không mảy may gì xảy ra dưới phàm trần ,dù lớn nhỏ, lành dữ mà Thượng đế không biết. Con mắt là cửa ngõ tâm linh, nơi vào ra cư trú của Thần nơi người. Bên trái là dương, đạo Cao Đài thờ mắt trái là thờ ông trời. Từ một Chân Thần Thượng Đế mà hoá sinh muôn vạn chúng sinh .

Bên cạnh đó ,đạo Cao Đài còn thờ các Đấng Giáo Chủ của các tôn giáo khác vì Cao Đài chủ trương Tam giáo qui nguyên .Ngũ chi hiệp nhất ,bao gồm : Tây Phương Giáo Chủ (Phật Thích Ca) ,Khổng Thánh Tiên Sư (Khổng Tử) ,Thái Thượng Đạo Tổ (Lão Tử) ,Lý Đại Tiên Trưởng (Lý Thái Bạch) ,Quan Thánh Đế Quân ,Quan Âm Như Lai ,Gia Tô Giáo Chủ (Jésus) và Khương Thượng Tử Nha .Ngoài ra ,đạo Cao Đài còn thờ các Thánh Tử Đạo Nam phái và các Thánh Tử Đạo Nữ phái.

Về ý nghĩa chữ “Tam Kỳ Phổ Độ” đạo Cao Đài giải thích rằng từ khi có loài người đến khi đạo Cao Đài ra đời Thượng đế đã hai lần cữu rỗi “phổ độ”chúng sinh. Lần thứ nhất (Nhất Kỳ Phổ Độ) gọi là “Hội Tý Thượng Nguyên” gồm: Thái Thượng Đạo Tổ- tiền thân của đạo Lão; Phục Hy - tiền thân của đạo Nho; Nhiên Đăng Phật tổ- tiền thân của đạo Phật. Đến lần thứ hai (Nhị Kỳ Phổ Độ) gọi là “Hội Sửu Trung Nguyên” gồm :Thích Ca Mâu Ni lập đạo Phật; Lão Tử lập đạo Tiên; Khổng Tử lập đạo Nho; chúa Giêsu Kitô lập đạo Thánh. Đạo Cao Đài cho rằng hai lần cứu rỗi này Thượng đế thấy nơi phàm trần gặp khó khăn, năm châu xa cách, nên đã cho lập ra nhiều tôn giáo, mỗi tôn giáo phù hợp với phong tục, tập quán từng vùng , từng quốc gia trong những thời gian khác nhau .Vì tồn tại nhiều tôn giáo riêng rẽ đã sinh ra mâu thuẫn xung đột giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, nên Thượng đế đã phải lập ra một tôn giáo chung cho mọi người: đạo Cao Đài .


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-17, 10:33 AM | Message # 3
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Luật lệ và lễ nghi của đạo Cao Đài

Đạo Cao Đài đặt ra nhiều qui định về luật lệ, lễ nghi để hướng dẫn người theo đạo tu tập và xử thế. Luật đạo có nhiều nhưng có một số nội dung quan trọng là "ngũ giới cấm", "tứ đại điều qui". Ngũ giới cấm (tức 5 điều cấm kỵ) gồm : bất sát sinh, bất du đạo, bất tửu nhục, bất tà dâm, bất vọng ngữ. Còn Tứ đại điều quy là 4 điều trau dồi đức hạnh gồm: Tuân lời dạy bề trên, lấy lẽ hoà người (ôn hoà), Chớ khoe tài kiêu ngạo, giúp người nên Đạo (cung kính), Đừng vay mượn không trả (khiêm tốn), Đừng kính trước, khinh sau, Ăn chay từ 6 ngày (lục trai) đến 10 ngày (thập trai).

Đạo Cao Đài còn những quy định về việc nhập môn cầu đạo, xây dựng thánh thất, tổ chức quan, hôn, tang, tế... đạo Cao Đài rất chú trọng giáo dục các tín đồ về đạo đức theo tiêu chuẩn đạo đức Tam cương, ngũ thường của Nho giáo. Linh tượng thờ chủ yếu của đạo Cao Đài là hình con mắt, gọi là Thiên Nhãn.

Các lễ của đạo Cao Đài :

-Hàng ngày có 4 khóa lễ vào các giờ: sáng sớm, giữa trưa, chập tối và đêm khuya.

-Hàng tháng có 2 ngày lễ vào ngày rằm và mồng một, âm lịch.

-Hàng năm có các ngày lễ chính (theo âm lịch) là ngày 9 tháng Giêng, 15 tháng hai, 8 tháng tư, 15 tháng bảy, 15 tháng tám, 15 tháng mười và ngày 15 tháng Chạp.

Lễ nghi của đạo Cao Đài khá rườm rà và cầu kỳ. Đạo Cao Đài giải thích rằng lễ nghi sinh hoạt tôn giáo cũng thể hiện tinh thần tổng hợp tôn giáo. Đạo phục chung là màu trắng. Riêng các chức sắc dùng màu theo ngành: Thái - thuộc Phật - màu vàng; Thượng - thuộc Lão - màu xanh; Ngọc - thuộc Nho - màu đỏ.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-17, 10:35 AM | Message # 4
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
NGUỒN GỐC và Ý NGHĨA THỜ THIÊN NHÃN

I . NGUỒN GỐC :

Biểu tượng thờ phượng trong Đạo Cao Đài là hình Thiên Nhãn . Nguồn gốc thờ phượng này là do ngài Ngô Văn Chiêu mặc khải vào năm 1921 trong thời kỳ làm quan trấn nhậm tại Phú Quốc , một hòn đảo ở cực Nam nước Việt Nam .

Nguyên vì Ngài là vị môn đồ đầu tiên của Đức Chí Tôn , học đạo bằng Cơ bút , Đức chí Tôn là danh xưng Đức Cao Đài dạy Ngài phải tìm một dấu hiệu gì đó để làm biểu tượng thờ phượng .Ý nghĩa đầu tiên của Ngài muốn chọn hình chữ Thập . Đức Cao Đài Tiên Ông khuyên ngài nên chọn một dấu hiệu khác vì chữ Thập là dấu hiệu riêng của một nền Đạo đã có rồi . Ngài suy nghĩ tiếp và cuối cùng đựợc Đức Chí Tôn trợ thần cho Ngài thấy được huyền diệu Thiên Nhãn , là hình con mắt trái , hiện ra sáng lòa trong cái thấy của Chơn Thần Ngài , lúc ấy Ngài đang ngồi trên võng , phía sau dinh quận ở Phú Quốc .Sau hai lần chứng nghiệm huyền diệu này , Ngài đã hiểu được Thánh Ý của Đức Chí Tôn và tạo ra hình Thiên Nhãn để thờ . Biểu tượng thợ phượng đầu tiên gồm :

Một hình Thiên Nhãn phía trên.

Một hình Chữ Thập phía dưới và những chữ viết

Thiên Nhãn là hình tượng mặc khải có nguồn gốc thiêng liêng , dấu chữ Thập là ý nghĩa ban đầu Ngài Ngô Văn Chiêu định chọn , có nguồn gốc từ con người ,bởi vậy trong biểu tượng thờ phượng đầu tiên nầy có ý nghĩa hai nguồn gốc Trời và người hiệp nhất .

Đến năm 1926 Đức Chí Tôn chánh thức khai Đạo qua khỏi thời kỳ phôi thai của Đạo Cao Đài là thời kỳ mà Đức Chí Tôn dùng nhiều hiện tượng huyền linh để thâu phục đức tin cùa vị môn đồ đầu tiên là quan phủ Ngô Văn Chiêu , một người đang co xu hướng tu tiên , Đức Chí Tôn giáng cơ dạy về cách thờ phượng , biểu tượng vẫn là hình Thiên Nhãn vẽ trên bề mặt của một quả cầu gọi là quả càn khôn cùng với 3072 ngôi sao . Dưới quả càn khôn là long vị của Lão Tử , Thích Ca , Khổng Tử , Quan Âm , Thái Bạch , Quan Thánh , Jesus Christ , Khương Thái Công . Không có hình chữ Thập theo kiểu mẫu Ngài Ngô Văn Chiêu đã thờ nhưng vị trí sắp bày các long vị cũng theo hai nét , môt ngang , môt dọc . Hàng ngang tượng trưng tam giáo .Hàng dọc tượng trưng ngũ chi .

II. Ý NGHĨA :

1.Con mắt trái thuộc dương:

Mặc dù hình tượng mặc khải là hình một con mắt chói sáng như mặt trời có tính cách thiêng liêng là một hình ảnh xuất hiện trước mặt Ngài Ngô Văn Chiêu chừng 2 mét tây nhưng khi vẽ lại con mắt ấy để thờ thì giấy mực màu sắc chỉ là vật chất không sao tả được trọn vẹn sức sống lung linh huyền diệu của nó , gọi là Thần nên phải mượn hình ảnh con mắt thường của con người tượng trưng . Mắt người có hai trái và phải .Quan niệm truyền thống của Đông Phương cho rằng trong thân người trái thuộc dương , phải thuộc âm . Trong vũ trụ dương là Trời , âm là Đất nên chọn con mắt trái để thờ , ý nghĩa là thờ Trời .Vắn tắt là như vậy .

2. Nhãn thị chủ tâm :

Năm 1926 Đức Chí Tôn giáng cơ chỉ dạy về ý nghĩa biểu tượng thờ phượng vắn tắt như sau :

Nhãn thị chủ tâm

Lưỡng quang chủ tể

Thần thị Thiên

Thiên giã ngã giã

Tạm dịch :

Mắt là chủ của lương tâm

Hai yến sáng là chính

Yến sáng là Thần

Thần là Trời

Trời là Ta vậy

Diễn giảng :

Trong vũ trụ có một sự sống tột cùng , biết sáng tạo ra hình thể của muôn loài vạn vật gọi là khối Đại Linh Quang còn gọi là Trời . Còn con người là tiểu vũ trụ , trong con người có một sự sống đồng thể với Đại Linh Quang hay linh hồn , chơn linh , ta còn gọi là tâm hay lương tâm.

Tâm con người không hình ảnh nhưng trạng thái của nó thế nào đều hiện ra trong ánh mắt không thể che dấu được .Ngạn ngữ Phương Tây có nói “ Con mắt là cửa sổ tâm hồn “ cũng đồng nghĩa ấy hay nói cách khác nội tâm con người biểu lộ bên ngoài chủ yếu ở con mắt . Cái thấy của hai con mắt mới là chính , thấy được hiểu biết sáng suốt Sự hiểu biết sáng là Thần , nơi con người Thần là Trời Trời là Ta vậy ( Ta là Đức Chí Tôn nói với người hầu đàn ) Vì vậy thờ Thiên Nhãn là thờ tâm linh , mà tâm linh con người là Trời ( Tiểu thiên địa )

3. Thần cư tại nhãn :

Con mắt thường của người là nhục nhãn chỉ thấy được ánh sáng hay màu sắc vật chất như ánh sáng mặt trời , ánh đèn , ánh trăng , các màu sắc đỏ ,vàng , đen , xanh , tím ……..Người tu đọat pháp tinh khí thần hiệp nhất được có thêm con mắt thứ ba gọi là thần nhãn hay huệ nhãn . Đó là lọai năng khiếu tâm linh thấy được màu sắc ánh sáng trong thế giới gọi là vô hình mà đối với con mắt thường không thể thấy được

4. Ấn chứng huyền linh Thiên Nhãn trong các bí tích :

Một số các phép bí tích như : giải oan , tắm thánh ,độ thăng , hôn phối có phần bí nhiệm là ấn chứng huyền linh Thiên Nhãn ứng hiện như một hình ảnh trong chơn thần của người chức sắc hành pháp . Khi người chức pháp hành pháp hội đủ ba điều kiện cơ bản :

Người thọ nhãn xứng đáng được hưởng ân huệ của Đức Chí Tôn ban cho .

Chức sắc có thọ truyền bửu pháp và thi hành đúng phần thể pháp .

Trạng thái Tinh , Khí , Thần của người thi hành pháp phải cường lực , thanh bai , an tịnh .

5. Ấn chứng huyền linh Thiên Nhãn là ký hiệu tâm linh và có ý nghĩa :

Con mắt trái là hình thể hữu vi thuộc về vật chất . Thiên Nhãn là cái lý nhiệm mầu huyền bí thuộc lãnh vực siêu hình . Đạo Cao Đài mượn hình con mắt trái để thờ lý nhiệm và huyền lực vô hình sâu kín ẩn tàng bên trong mọi hình thể vạn loài trong Càn Khôn vũ trụ mà người đời gọi một tiếng quen thuộc là Trời vậy .

Nguyên văn lời Thánh giáo Đức Chí Tôn giáng cơ chỉ dạy cách thờ phượng , Ngài dùng tiếng “ con mắt Thầy “ để chỉ hình ảnh Thiên Nhãn

Trên vì sao Bắc Đẩu vẽ con mắt Thầy hiểu chăng ?

Sao Bắc Đẩu giúp xác định phương hướng cho người đi trong đêm , Thiên Nhãn trên chòm sao Bắc Đẩu có nghĩa là ánh sáng dẫn đường cho chúng sanh tức là Đạo vậy

Vì vậy thờ Thiên Nhãn có ý nghĩa là sống tuân theo bí quyết siêu phàm nhập thánh của Đức Chí Tôn chỉ dạỵ


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-17, 10:40 AM | Message # 5
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
(Mùa xuân năm Giáp Tý 1924, sau 3 năm tu học với Đức Cao Đài, Đức Ngô được ân ban nhìn thấy cảnh bồng lai trong đó có Thiên Nhãn. Tròn 80 năm trôi qua, hôm nay chúng ta ôn lại đề tài Thiên Nhãn để hy vọng ở tương lai mỗi người tín hữu đều hoàn thành nhiệm vụ “phổ độ nhơn sanh” và “tu tánh luyện mạng” trong sứ mạng kỳ ba để được trở lại quê xưa bồng lai tiên cảnh phục lệnh trước Thiên Nhãn.)

THIÊN NHÃN

ĐẠT TƯỜNG

Một trong những đặc điểm của Cao Đài giáo là Đấng Giáo Chủ vô hình vì thế biểu tượng thờ kính cũng khác các tôn giáo đã hiện diện trước kia. Nguồn gốc từ đâu Cao Đài giáo dùng Thiên Nhãn làm biểu tượng thờ kính và ý nghĩa là gì? Vậy chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu:

I. LỊCH SỬ VIỆC THỜ THIÊN NHÃN:

- Mồng 1 Tết Tân Dậu 1921, quan phủ Ngô Văn Chiêu, sau đàn cơ thiết lập tại Quan Âm Tự (Phú Quốc), khởi sự trường chay và học đạo với Tiên Ông.

- Sau một thời gian, Tiên Ông dạy ông Chiêu suy nghĩ cách thờ. Ông Chiêu chọn chữ Thập nhưng Tiên Ông không đồng ý.

“Tuy Ngài chịu làm đệ tử của Tiên Ông chớ chưa lập bàn thờ để thờ Tiên Ông, vì không biết phải thờ làm sao ? Một bữa kia Tiên Ông dạy Ngài phải tạo ra một dấu hiệu gì riêng để thờ. Ngài bèn chọn chữ Thập. Tiên Ông nói chữ Thập cũng được song đó là dấu hiệu riêng của một nền Đạo đã có rồi. Phải suy nghĩ và tầm cho ra, có Tiên Ông giúp sức. Ngài xin huỡn lại một tuần lễ để có ngày giờ suy nghiệm. Mãn tuần Ngài tầm cũng chưa ra.

Một bữa sớm mai, lối tám giờ, Ngài đương ngồi trên võng phía sau Dinh Quận, bỗng đâu Ngài thấy trước mặt cách xa độ hai thước tây lộ ra một con mắt thiệt lớn, rất tinh thần, chói ngời như mặt trời. Ngài lấy làm sợ hãi hết sức, lấy hai tay đậy mắt lại không dám nhìn nữa. Đâu độ chừng nữa phút đồng hồ, Ngài mở mắt ra thì cũng còn thấy con mắt ấy mà lại càng chói chan hơn nữa. Ngài bèn chấp tay vái rằng: Bạch Tiên Ông, đệ tử biết rõ cái huyền diệu của Tiên Ông rồi. Đệ tử xin Tiên Ông đừng làm vậy đệ tử sợ lắm. Như phải Tiên Ông bảo thờ Thiên Nhãn thì xin cho biến mất tức thì”. Vái xong thì con mắt lu lần lần rồi mất.

Như vậy mà Ngài cũng chưa thiệt tin nên chưa tạo Thiên Nhãn mà thờ. Cách vài ngày sau Ngài cũng thấy y như lần trước nữa. Ngài cũng nguyện sẽ tạo Thiên Nhãn mà thờ thì con mắt tự nhiên biến mất.”

- Sau hai lần nhìn thấy Thiên Nhãn hiện ra, ông cầu cơ hỏi cách thờ phượng thì Tiên Ông dạy vẽ con mắt như đã thấy mà thờ và xưng danh là "Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát" rồi dạy ông gọi Tiên Ông bằng Thầy mà thôi.

Như vậy thời điểm Đức Ngô lần đầu tiên nhìn thấy Thiên Nhãn là khi nào ?

- Trong một đàn cơ tại Cao Đài Hội Thánh, Đức Ngô có dạy:

“Hôm nay chư đệ tử thiết lễ kỷ niệm để nhớ ơn Thầy và thay mặt Thầy mời chư đồng đạo các nơi quy tụ đến mảnh đất nhỏ hẹp nầy để đánh dấu lịch sử ngày Thượng Đế ban biểu hiệu cho Đạo Cao Đài trong kỳ ba ân xá ……

Trong những ngày qua chí đến ngày nay, Tiên huynh nhận thấy lòng ưu tư và thiết tha đến ngày kỷ niệm nầy của chư hiền đệ hiền muội từ phái đoàn các nơi đến thành phần cá nhân đã vượt sóng ngàn khơi đến để tưởng nhớ và hân hoan ghi nhận nơi đã phát sinh di tích đạo Cao Đài.”

ª Vậy ngày 13 tháng 3 năm Tân Dậu 1921 là thời điểm lần đầu tiên Đức Chí Tôn ban ân cho Ngài Ngô được nhìn thấy biểu tượng thờ kính Thượng Đế trong Kỳ Ba đại ân xá.

- Sau ba năm học đạo, một buổi chiều cuối tháng giêng Giáp Tý (Février 1924) ở mé biển ngoài Dinh Cậu, Đức Ngô được thấy cảnh bồng lai với Thiên Nhãn có Nhựt Nguyệt Tinh. Đức Đông Phương Chưởng Quản có xác nhận:

- “Chí Tôn đã dùng một di tích đầu tiên nơi Dương Đông Phú Quốc và đã truyền giao cho Ngô Văn Chiêu nhận lãnh dấu hiệu Thiên Nhãn để làm biểu tượng thờ phượng trong đạo Cao Đài từ ấy đến nay.”

II. Ý NGHĨA VIỆC THỜ THIÊN NHÃN:
Thờ Thiên Nhãn là thờ một con mắt trái với các ý nghĩa sau:

1. Người bình dân thường nói "Trời cao có mắt" ý muốn nói Thượng Đế nhìn thấy tất cả mọi hành động, tư tưởng của mỗi người. Như vậy người tín đồ phải dặn lòng luôn thận trọng trong mọi cử chỉ, lời nói, ý nghĩ cho được chơn chánh. Thí dụ:

- Bài Kinh Ngọc Hoàng Bửu Cáo có câu:

“Càn Kiện cao minh, Vạn loại thiện ác tất kiến.”

Dịch nghĩa:

Ngôi Càn mạnh mẽ, cao vợi, sáng tỏ. Việc lành dữ của muôn loài đều thấy rõ.

- Bài Kinh Cầu Giải Bệnh có câu:

“Trên Ngọc Đế mắt Thần soi khắp;

Trí công minh sửa phạt phàm gian.”

- Thánh giáo cũng có dạy:

- Đức Lý Giáo Tông nói:

“Lưới Trời đất thưa mà chẳng lọt,

Mắt Thần soi không sót mảy hào;

Ai người hiểu lý cao sâu

Đừng rằng Tạo hóa cơ cầu trớ trêu.”

- Và Đức Chí Tôn dạy:

“Sách chép chữ khôi khôi Thiên võng,

Đời ghi câu: lộng lộng lưới giăng;

Nhặt thưa, mau chậm cân phân,

Mựa rằng sơ sót, mắt Thần không sai …

Đời hằng nói: Trời cao có mắt,

Sách thường biên: Thái nhứt vô hình;

Minh mông đồ sộ rộng thinh,

Mà soi xét đủ tình hình thế gian.”

- Hàng Thiên ân sứ mạng phải luôn nhớ lời của Đức Chí Tôn:

- “Nầy, Thầy nói cho các con biết rằng: Chẳng giờ phút nào mà mắt Thầy không chăm nom gìn giữ các con, Thầy đợi xem cho rõ coi cách các con lập vị mình dường nào.”

Như vậy người tín hữu Cao Đài, từ chức sắc cho đến tín đồ phải luôn tâm niệm như lời dạy của Đức Mẹ:

“Họa chữ Tâm trên dòng Thiên Nhãn,

Cho ma vương chẳng dám lăng loàn;

Để con đường thẳng bước sang,

Khỏi ai trì kéo đặng an tinh thần.”

Nghĩa là phải ý thức: trong lòng luôn chỉ có một con đường thẳng hướng về Đức Chí Tôn (Thiên Nhãn), lúc nào cũng nghĩ rằng: luôn luôn có Thầy ngự trị bên mình để cố gắng vượt qua những cám dổ của ma vương lục dục thất tình.

2. Thờ Thiên Nhãn mang ý nghĩa Đại Đồng. Bất cứ dân tộc nào cũng có thể hoạ Thiên Nhãn để thờ mà không có sự so sánh khác biệt chủng tộc, màu da … …

3. Số một là số khởi đầu cho tất cả mọi con số. Số một tượng trưng cho Đấng Tạo Hóa, Đấng hóa sanh ra muôn loài vạn vật.

4. Đạo là âm dương, Đức Chí Tôn Thượng Đế là dương, đức Mẹ là âm. Theo hình đồ Bát Quái Tiên Thiên, bên trái là dương. Cho nên thờ con mắt trái là ý muốn nói đến đức Thượng Đế.

5. Thiên Nhãn là biểu tượng nhắc nhở tình “yêu thương”: dưới ánh mắt của Đấng Tạo Hóa chúng sanh bình đẳng, tất cả đều được thọ nhận ân Trời không phân biệt lành dữ … … Đức Chí Tôn dạy:

- “Thầy nhắc lại lời Thầy nói khi xưa: là con nào muốn ăn cơm, Thầy cho cơm; con nào muốn ăn bánh, Thầy cho bánh. Lúc nào Thầy cũng lặng lẽ nhìn các con với luồng Thiên Nhãn đầy nét yêu thương trìu mến.”

6. Thiên Nhãn tượng trưng cho Thần (ở Bát Quái Đài).

- Đức Chí Tôn giải thích sơ về việc thờ Thiên Nhãn như sau:

- “Đây Thầy giải sơ về cách thức thờ phượng của Cao Đài Đạo Giáo. Tại sao Thầy lại biểu các con tạo ra “Thánh Nhãn” mà thờ, không dạy thờ hình tượng như các tôn giáo khác ? Các con phải biết rằng: Trời là Lý, thì Lý ấy rất thông linh bao quát Càn Khôn thế giới. Thầy đâu phải có xác phàm như các con mà tạo hình thể như các con. Nên chi thờ Thiên Nhãn là thờ Thầy. Tại sao Thiên Nhãn là Thầy ?


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-17, 10:44 AM | Message # 6
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Thầy có dạy trước:

Nhãn thị chủ Tâm,

Lưỡng quang chủ tể.

Quang thị Thần,

Thần thị Thiên.

Thiên giả ngã dã.

Nhãn là cửa trái tim của con người. Trái tim ấy là Tạo Hóa, tức là THẦN. Mà Thần là cái lý hư vô. Lý hư vô ấy là Trời vậy ... ...

Hai con mắt các con là nhục nhãn, tức là âm với dương thì cũng như Thái Cực là Thiên Nhãn, còn lưỡng quang là nhựt nguyệt hằng soi sáng khắp Càn khôn."

- Như vậy, về phương diện tâm linh, việc thờ Thiên Nhãn có ý nghĩa rất quan trọng với người tín hữu Cao Đài. Người tín đồ sẽ đón nhận được Thần của Đức Chí Tôn ban rải qua Thiên Nhãn mỗi khi cúng hay tịnh tập trung nhìn Thiên Nhãn. Thần đó sẽ kết hợp với Tinh và Khí trong bản thân mỗi người để thành Tam Bửu như lời Thầy dạy:

- “Hằng ngày con kiền thiền khẩn nguyện,

Chớ để tâm vọng niệm ý tà;

Tứ thời con rán gần Cha,

Nhìn ngay Thiên Nhãn ắt là Thần gom.

Con hành y là con kết quả,

Tâm được an thì dạ mới yên;

Dứt đi tư lự ưu phiền,

Tâm linh sáng suốt diệu huyền thông tri.

Định Chơn Thần vô vi học Đạo,

Định trí tâm mới thấu chánh đường;

Định được sáng tỏ như gương,

Huệ tâm khai mở thông đường điển quang.

Con đoạt huệ Đạo vàng thông suốt,

Huệ Nhãn rồi thông thuộc mọi điều;

Cũng như đèn sáng nhờ khêu,

Rõ đường Chơn Đạo cao siêu của Thầy.”

- Vì thế chúng ta có thể thấy những tín đồ Cao Đài liễu đạo, sau khi đã chí thành thực hiện “cơ phổ độ” hay “tịnh luyện” đều mở được mắt trái.

Với những vị tu “Thiên Đạo”, kết quả nầy là ấn chứng cụ thể cho sự đắc Đạo kết tinh tam bửu sau thời gian “tu tánh luyện mạng” cho dù thuộc chi phái nào trong Cao Đài Giáo. Đoạn Thánh giáo sau cho thấy:

“Về đạo pháp, nhị hiền đệ đã được ân huệ tương truyền khẩu khuyết … …

Kỳ đệ tứ, nhị đệ truyền sang phép thâu thần và khai khiếu huyền quang là đem chơn ý vào trong và khai Thiên Nhãn.

Vì có câu:

“Thầy mở mắt thì con sống, Thầy nhắm mắt thì con chết”. Như vậy, khi vận hành điều tức là sẽ thấy linh diệu, nhị đệ nhớ chăng ?”

Với người tu phổ độ, chúng ta cũng có thể tìm được những hình ảnh thí dụ cụ thể “được mở mắt trái” như vị Đầu Họ Đạo đầu tiên của Thánh thất Tân Định (Sàigòn), cố Đạo trưởng Giáo Hữu Huỳnh Đích đắc vị Oai Linh Chí Thánh.

- Trong quá trình thờ cúng, chúng ta phải thường xuyên chăm sóc Thiên Nhãn, nếu vì lý do nào đó bức ảnh Thiên Nhãn đã quá cũ thì phải thay và làm Lễ Thượng Tượng trở lại. Chúng ta đọc đoạn Thánh giáo sau:

- “Này chư Thiên mạng hiền đệ. Giờ chuyển linh cơ nơi Vĩnh Minh Quang, Lão nhìn nơi Thiên Bàn thiếu điều nghiêm trang theo khuôn luật Tạo Hóa định vị. Như thế, chư Thiên Mạng liệt vào hàng Thánh Thể, có tường chăng ? Này Thiên Mạng Ban Cai Quản nơi nầy nên nhìn vào Thiên Nhãn định ý bạch to.

Bạch: Xin Ngài tha thứ, đệ tử xin sửa lại.

Cười ... Thiên Nhãn là định vị Thiên Điều. Nhãn thị chủ tâm, nhãn hữu Thần sát thị tâm sanh, nhãn hữu quang sát diệt tâm phàm, nhãn hữu minh khai thông chơn đạo. Nếu Nhãn vô thần như thế, chư hiền đệ muội nơi nầy không tránh khỏi những điều khảo thí. Vậy Lão ban hành nhứt ngoạt phải thay, không nên tồn tại đó hiền.

Thiên Nhãn, Nhãn quang. Dưới tam tinh nhật nguyệt, không xen vào hình thức. Tri tường. Đó là điều cần thiết, nên lưu tâm.”

Sau cùng chúng ta nhắc lại lời của Đức Chí Tôn, từ lúc mới lập Đạo, Thầy đã có dạy:

- “Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Đạo bị bế. Lập "Tam kỳ Phổ độ" nầy duy Thầy cho Thần hiệp Tinh Khí đặng đủ "Tam Bửu" là cơ mầu-nhiệm siêu phàm nhập Thánh. Các con nhớ nói vì cớ nào thờ con mắt Thầy cho chư Đạo Hữu nghe.

Phẩm vị Thần, Thánh, Tiên Phật từ ngày bị bế Đạo, thì luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên-Đình mỗi phen đánh tản "Thần" không cho hiệp cùng "Tinh Khí". Thầy đến đặng hườn nguyên Chơn Thần cho các con đặng đắc Đạo.

Các con hiểu "Thần cư tại Nhãn". Bố trí cho chư Đạo Hữu con hiểu rõ. Nguồn cội Tiên Phật do yếu nhiệm là tại đó.”


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-17, 10:45 AM | Message # 7
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
III. KẾT LUẬN:

Đức Đông Phương Chưởng Quản có dạy:

- “Ngô Văn Chiêu đã kiến nhận và tiếp lãnh dấu hiệu Thiên Nhãn. Nói về lý số Thiên Nhãn là con số 1, tượng trưng cho Ngôi Thái Cực.”

Tín hữu Cao Đài thờ Thiên Nhãn với mục đích:

1. Nhắc nhở tín đồ dặn lòng

"Luôn có Thượng Đế soi xét".

“Rán lo bước đạo tu hành,

Trời cao có mắt, rán dành quả công.”

2. Mục tiêu Thế Đạo:

Thiên Nhãn gợi ý cho người tín đồ suy nghiệm thực hành Lý Đạo: “Thượng Đế đấng Tạo Hóa: sinh thành, háo sanh bố đức, soi dẫn đường về”.

Vậy người tín hữu Cao Đài khi đã được ngọn đuốc Thiên Nhãn soi đường dẫn lối và truyền Thần để có đủ đức tin cũng như được bồi dưỡng cho thân tâm đầy đủ sức mạnh thì cũng phải cố học lấy bài học “yêu thương, háo sanh bố đức” nầy và hành cho rốt ráo trên đường sứ mạng “Phổ độ chúng sanh” nhắm vào thực hiện mục tiêu Thế Đạo hầu có đủ công đức trở lại quê xưa.

“Thiền lòng tu, sau thấu đáo “Mắt Trời”

Tâm định rồi, hồn thông cảm cùng nơi,

Học Đạo Lý gánh độ đời há nệ.

Đạo Lý ấy trên con đường thực tế,

Gấm Đạo xinh nhờ dệt, vẽ thêm hoa;

Thêu bức tranh Đaọ Cứu Thế Kỳ Ba,

Hoa Long mở âu ca Đời, Đạo.”

3. Mục tiêu Thiên Đạo:
Thiên Nhãn giúp người tín hữu Cao Đài nhận được Thần của Đức Chí Tôn khi chăm chú nhìn Thiên Nhãn trong lúc tụng kinh và người tu luyện định Thần, gom trọn chơn dương hiệp Tinh Khí Thần “tánh mạng song tu” luyện kim đơn hầu trở lại cùng Thầy.

“Tứ thời trẻ rán gần xa,

Nhìn ngay Thiên Nhãn thì là Thần gom.”


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-17, 10:47 AM | Message # 8
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
NGÔ VĂN CHIÊU - người mở con đường thiền của đạo Cao Đài

Ngô Văn Chiêu

(1878-1932)

Rời đảo Phú Quốc ngày thứ Ba 29-7-1924 (28-6 Giáp Tý), hôm sau tiền bối Ngô Văn Chiêu về tới Sài Gòn. Thoạt đầu, tiền bối trọ tại khách sạn Bá Huê Lầu, đường Pellerin (nay là Pasteur). Tiền bối nhiều lần thay đổi chỗ trọ, có lúc dời về đường Paul Bert (nay là Trần Quang Khải, Đa Kao), rồi về đường Espagne (nay là Lê Thánh Tôn), gần chợ Bến Thành, mướn nhà trên lầu một, phía dưới là một phòng răng. Năm 1928 (Mậu Thìn), nơi cuối cùng tiền bối trú ngụ trong thời gian sống tại Sài Gòn là nhà số 110 đường Bonard (nay là Lê Lợi). Tiền bối ở trên lầu hai, tầng trệt là tiệm tạp hóa của một Hoa kiều (người Hải Nam).[1]

Lúc ở đảo Phú Quốc tiền bối đã có tình giao hảo với đạo Minh Sư. Trở về Sài Gòn, tiền bối hay ghé chùa Ngọc Hoàng (Ngọc Hoàng điện), nguyên của đạo Minh Sư.[2] Ngoài ra, tiền bối ít khi giao du, giữ hạnh ẩn tu giữa Sài Gòn nhộn nhịp.

I. TIỀN BỐI NGÔ VĂN CHIÊU VÀ MƯỜI HAI MÔN ĐỆ CAO ĐÀI ĐẦU TIÊN

Đúng một năm sau ngày tiền bối Ngô Văn Chiêu rời khỏi đảo Phú Quốc, có một nhóm công chức người tỉnh Tây Ninh đang làm việc ở Sài Gòn thực tập xây bàn (la table tournante) để tiếp xúc với cõi siêu hình theo cách chỉ dẫn trong các sách Thông linh học (Spiritisme) in bên Pháp. Bấy giờ, những năm 1924-1925, đang có một làn sóng Thông linh học lan tràn khắp cả Nam Kỳ, theo báo cáo của một chủ quận được ghi nhận trong phúc trình “Le Caodaĩsme” (01-01-1932) của Lalaurette, Thanh tra chánh trị và hành chánh sự vụ (Inspecteur des affaires politiques et administratives).


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-17, 10:49 AM | Message # 9
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
1. Nhóm xây bàn ở phố Hàng Dừa

Nhóm xây bàn ở phố Hàng Dừa (Arras) lúc đầu chỉ có bốn người:

- Tiền bối Cao Quỳnh Cư (1888-1929) và vợ là Nguyễn Thị Hiếu (tức Hương Hiếu, 1887-1971). Tiền bối Cư bấy giờ làm thơ ký Sở Hỏa xa Sài Gòn, ngạch tham tá (commis), thuê nhà ở số 134 đường Bourdais (nay là Calmette, quận 1).

- Tiền bối Cao Hoài Sang (1901-1971), tham tá Sở Thương chánh Sài Gòn[4], thuê nhà ở đường Arras,[5] cách nhà tiền bối Phạm Công Tắc một căn[6].

- Tiền bối Phạm Công Tắc (1890-1959), thơ ký Sở Thương chánh Sài Gòn.

Việc xây bàn hàng đêm của nhóm Cao-Phạm diễn tiến như sau (lược ghi một số điểm mốc chính)[7]:

Thứ Sáu 24-7-1925 (04-6 Ất Sửu): Hai tiền bối Cư, Tắc ghé nhà tiền bối Sang tập xây bàn, nhưng không kết quả.

26-7-1925 Chủ Nhật (06-6 Ất Sửu): Xây bàn, tiếp được chơn linh Cao Quỳnh Tuân (1844-1896) là thân phụ tiền bối Cư. Từ đó, các vị hàng đêm liên tục xây bàn.

Thứ Sáu 28-8-1925 (10-7 Ất Sửu): Xây bàn tại nhà tiền bối Cư, tiếp được Đức Chí tôn, nhưng Ngài ẩn danh, chỉ xưng là AĂÂ, mượn ba con chữ đầu tiên của bảng chữ cái quốc ngữ. A do Alpha hay a (con chữ đầu tiên của bảng chữ cái Hy Lạp), tượng trưng đầu mối của vũ trụ vạn vật, tức là Thái cực (theo biểu tượng cổ). Ă và Â là biến thể của A, như là âm và dương (lưỡng nghi sinh ra từ Thái cực). Dấu Ú trên chữ Ă trông giống phần âm ngửa lên, màu đen; dấu ^ trên chữ A trông giống phần dương úp xuống, màu trắng trong biểu tượng cổ của Thái cực (xem minh họa dưới đây). Có thể hiểu AĂÂ là một cách biểu thị Thái cực âm dương. Thái cực là đầu mối sinh ra càn khôn vũ trụ nên AĂÂ và Thái cực đều biểu thị Thượng đế vô ngã (impersonal God).

Trung tuần tháng 9-1925 (hạ tuần tháng 7 Ất Sửu): Nhóm Cao-Phạm chuyển sang dùng đại ngọc cơ để cầu tiên theo phương pháp cổ truyền của đạo Lão.

Thứ Ba 15-12-1925 (30-10 Ất Sửu): Đức AĂÂ dạy ba vị tiền bối Cao-Phạm: “Ngày mồng 1 tháng 11 này tam vị phải vọng thiên cầu đạo. Tắm gội cho tinh khiết, ra quỳ giữa trời, cầm chín cây nhang mà vái rằng: Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, vọng bái Cao Đài Thượng đế ban ơn đủ phúc lành cho ba tôi cải tà quy chánh.” Đây là lần đầu tiên nhóm Xây bàn được nghe hồng danh Cao Đài, và chính thức trở thành môn đệ Cao Đài từ ngày 16-12-1925.

Thứ Hai 11-01-1926 (27-11 Ất Sửu): Tiền bối Lê Văn Trung (1876-1934) đến nhà tiền bối Cao Quỳnh Cư (134 Bourdais) hầu đàn, được Đức Cao Đài ban ơn cho bốn câu thơ.

Thứ Hai 18-01-1926 (05-12 Ất Sửu): Tuân lịnh Đức Cao Đài, nhóm Cao-Phạm mang đại ngọc cơ đến nhà tiền bối Lê Văn Trung (ở đường Quai Testard, nay là Châu Văn Liêm, quận 5, Chợ Lớn). Đức Cao Đài giáng cơ thâu nhận Lê tiền bối làm môn đệ.

2. Nhóm Cao-Phạm hiệp với tiền bối Ngô Văn Chiêu

Khoảng hạ tuần tháng 01-1926 (trung tuần tháng 12 Ất Sửu): Đức Cao Đài dạy nhóm Cao-Phạm phải hiệp cùng tiền bối Ngô Văn Chiêu lo mở đạo Cao Đài, và phải kính tiền bối Chiêu làm Anh Cả. Ngô tiền bối truyền lại thánh tượng Thiên nhãn, hướng dẫn cách sắp đặt bàn thờ (Thiên bàn), nghi thức cúng lạy… Cũng từ đó, việc lập đàn cầu tiên được tổ chức như sau: Ngô tiền bối làm pháp đàn; hai tiền bối Cư và Tắc làm đồng tử âm dương (song đồng); tiền bối Hương Hiếu làm điển ký.

Tại Sài Gòn, chiều 30 Tết (thứ Sáu 12-02-1926), các tiền bối cùng nhau đi một vòng ghé nhà từng bạn đạo. Bắt đầu đi từ nhà tiền bối Võ Văn Sang (Cầu Muối), rồi lần lượt ghé các tiền bối: Cao Quỳnh Cư, Vương Quan Kỳ (80 Lagrandière, nay là Lý Tự Trọng, quận 1), Lê Văn Giảng (85 Lagrandière), Nguyễn Trung Hậu (Đa Kao, quận 1), Nguyễn Văn Hoài, Phạm Công Tắc, Đoàn Văn Bản (42 Général Leman, nay là Cao Bá Nhạ, quận 1), Nguyễn Hữu Đắc (100 Lục Tỉnh, nay là Hùng Vương, quận 6)[8], Lý Trọng Quý. Cuối cùng về đến nhà tiền bối Lê Văn Trung thì vừa kịp đón giao thừa.

Tại từng nhà, tiền bối Ngô Văn Chiêu và cặp đồng tử Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư lập đàn cơ. Đức Cao Đài Tiên ông ban ơn cho mỗi chủ nhà một bài tứ tuyệt, ngụ ý khuyến tu, khích lệ các tiền bối gắng công gầy dựng nền tôn giáo Cao Đài.

Tết Nguyên đán Bính Dần trôi qua. Sang giờ Tý ngày mùng 9, các tiền bối thiết lễ vía Trời lần đầu tiên tại nhà tiền bối Vương Quan Kỳ (đêm thứ Bảy 20-02-1926). Đức Cao Đài dạy:

Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,

Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.

Chung hiệp rán vun nền đạo đức,

Bền lòng son sắt đến cùng Ta.

Tiền bối Ngô Văn Chiêu bạch với Đức Cao Đài, xin một bài thơ điểm danh chung cho những người đang có mặt. Đức Cao Đài ban ơn như sau:

Chiêu, Kỳ, Trung, độ dẫn Hoài sanh,

Bản, đạo khai Sang, Quý, Giảng thành.

Hậu, Đức, Tắc, Cư thiên địa cảnh,

Quờn, Minh, Mân đáo thủ đài danh.

Quờn, Minh, Mân là ba người khách của tiền bối Vương Quan Kỳ. Sang có thể là Cao Hoài Sang, trùng tên với Võ Văn Sang. Như vậy, tuy bài thơ nêu mười hai tên gọi, nhưng có thể hiểu là điểm danh mười ba vị đệ tử đầu tiên, trong đó tiền bối Ngô Văn Chiêu đứng đầu, làm anh cả.

Theo luật đạo Cao Đài, đứng đầu hội thánh (Cửu trùng đài) là giáo tông (pope)[9]. Giáo tông được giải thích là anh cả (the eldest brother); toàn thể môn đệ đối với nhau là anh chị em (brothers and sisters) như con một nhà, cùng thờ chung một Cha (Father) hay một Thầy (Master) thiêng liêng là Đức Cao Đài Thượng đế (God).

Từ khi rời Phú Quốc về Sài Gòn, tiền bối Ngô Văn Chiêu vẫn tiếp tục con đường tu luyện theo nội giáo tâm truyền (esotericism) do Đức Cao Đài truyền dạy. Khi nhóm Cao-Phạm vâng lịnh Đức Cao Đài tiếp xúc với Ngô tiền bối (hạ tuần tháng 01-1926) thì người đang trong thời kỳ tu luyện tâm pháp nên không trực tiếp tham gia hoạt động phổ độ, tức là theo ngoại giáo công truyền (exotericism). Vì thế, trong đêm giao thừa đón năm mới Bính Dần, Đức Cao Đài dạy chung ba vị Lê văn Trung, Vương Quan Kỳ và Nguyễn Văn Hoài như sau: “Trung, Kỳ, Hoài, ba con phải lo thay mặt Chiêu mà đi độ người. Nghe và tuân theo.”

Mỗi thứ Bảy, tiền bối Ngô Văn Chiêu cho làm một tiệc chay nhỏ ở căn phố trọ (số nhà 110 Bonard, Sài Gòn) để đãi các em đã thay mặt người đi truyền đạo. Tiền bối còn xuất tiền may tặng một vài vị áo dài để mặc cho tươm tất mỗi khi đi phổ độ các nơi.[10]

3. Tiền bối Ngô Văn Chiêu tách ra khỏi hoạt động phổ độ

Ngô tiền bối hướng dẫn nhóm Phổ độ được khoảng ba tháng thì bắt đầu diễn ra những sự kiện quan trọng để chuẩn bị thành lập Hội thánh Cao Đài. Ba sự kiện có liên quan tới Ngô tiền bối như sau:

* Tháng 4-1926: Đức Cao Đài dạy ba vị Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc gặp tiền bối Ngô Văn Chiêu, truyền lịnh may thiên phục giáo tông (áo màu trắng, có thêu tám quẻ Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn). Tiền bối Hương Hiếu được lịnh đem lại bàn cơ chén nước lạnh để Đức Cao Đài vẽ kiểu thiên phục. Khi nào may xong áo, sẽ lập đàn cơ để Đức Cao Đài chỉ rõ vị trí đặt tám quẻ trên áo.

* Chủ Nhật 18-4-1926 (07-3 Bính Dần): Đức Cao Đài dạy tiền bối Hương Hiếu cách may mão giáo tông (màu trắng, cao 33,30cm, có hai dải thòng xuống vai, rộng bản 3cm, dài 30cm). Ngày hôm sau, tiền bối Hương Hiếu làm thử một cái mão bằng giấy dâng lên để Đức Cao Đài sửa lại cho đúng.

* Thứ Năm 22-4-1926 (11-3 Bính Dần): Cầu cơ tại nhà tiền bối Cao Quỳnh Cư. Trong lúc dâng lên Đức Cao Đài cái mão giáo tông làm thử (lần thứ nhì), tiền bối Hương Hiếu đã tỏ ra vội vàng, nên Đức Chí tôn dạy: “Trúng. Mà ai đội con phòng lật đật!”

Như thế, Ðức Chí Tôn đã tiên tri Ngô tiền bối sẽ không nhận phẩm giáo tông. Thật vậy, đây là lúc tiền bối Ngô Văn Chiêu quyết định tách ra khỏi hoạt động phổ độ, trở về với nếp sống ẩn tu cố hữu trong sáu năm qua. Người muốn dốc trọn tâm chí và dành nhiều thời gian vào việc tu thiền cho thành công ngõ hầu xây dựng nền tảng vững chắc cho nội giáo tâm truyền.

Tiền bối Ngô Văn Chiêu từ tạ ngôi vị giáo tông vào ngày thứ Bảy 24-4-1926 (13-3 Bính Dần). Người cũng hoàn lại tiền bối Hương Hiếu số tiền đã mua vải để may bộ thiên phục và mão giáo tông theo lịnh Đức Cao Đài. Tuy Ngô tiền bối từ tạ, nhưng ngày nay toàn đạo Cao Đài vẫn kính ngưỡng người là Đệ nhất Giáo tông.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-17, 11:03 AM | Message # 10
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
II. SÁU NĂM CUỐI ĐỜI TIỀN BỐI NGÔ VĂN CHIÊU (1927-1932)

Những người chọn con đường ẩn tu để hành thiền (tịnh luyện) đã dần dần tìm đến tiền bối Ngô Văn Chiêu xin thọ pháp môn. Một nhóm môn đệ ở Cần Thơ đã hình thành Chiếu Minh đàn. Đàn (séance) là nơi cầu tiên để tu học. Chiếu Minh phát triển dần dần trở thành một nhánh tu kín (esoteric) của đạo Cao Đài, khổ hạnh, ngủ ngồi, khi thoát xác cũng ở tư thế ngồi, con mắt trái mở ra là ấn chứng đắc đạo. Người tu nam và nữ đều ghép chữ Minh vào tên gọi để làm tên đạo, như: Minh Chiêu (Ngô Văn Chiêu), Minh Huấn (Lê Văn Huấn), v.v. Tháng 5-1927, các vị này tạo lập nghĩa địa Chiếu Minh ở Cần Thơ.

Chủ Nhật 27-6-1927 (18-5 Bính Dần), tại Chiếu Minh đàn Cần Thơ, Đức Cao Đài giáng cơ dạy Ngô tiền bối: “Tại lời nguyện của con khi trước, nay Thầy đã hứa cho con ngồi yên tịnh đặng Thầy dìu dắt con theo Thầy. . .”

1. Thăm núi Tà Lơn lần đầu

Trung tuần tháng 6-1928 (cuối tháng 4 Mậu Thìn), Ngô tiền bối xin nghỉ việc sáu tháng để đi du lịch Cam Bốt (thăm núi Tà Lơn,[12] Đế Thiên Đế Thích…) theo lịnh của Đức Cao Đài. Lúc này số môn đệ Chiếu Minh tháp tùng theo tiền bối có khoảng ba mươi người. Khởi hành ngày thứ Tư 13-6-1928.

Trở về làm việc ở Sài Gòn một thời gian, sau đó Ngô tiền bối và một số môn đệ Chiếu Minh chu du sáu tỉnh ở Nam Kỳ. Chuyến đầu ghé ba tỉnh Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre. Chuyến sau đi ba tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

2. Hiển đạo tại thế

Thứ Năm 03-4-1930 (05-3 Canh Ngọ), Ngô tiền bối vẫn đang ở Sài Gòn (110 Bonard), nhưng đàn cơ giờ Ngọ tại Hiệp Minh đàn (Cái Khế, Cần Thơ) lại tiếp được một bài thơ thất ngôn bát cú do tiền bối và tiên ông Vân Trung Tử cùng giáng cơ ban cho:

Xuân giao phưởng phất hạ phùng nhiên,

Ngoạn cẩm VÂN TRUNG thạch động tiền.[13]

Võ trụ hoằng khai thành giác cố,

Đống lương đạo mỹ nghiệp hoàng duyên.

Thành tâm thủ lễ sanh CHIÊU ĐỊA,[14]

Lạc ý quang nhơn vận đạt thiên.

Minh hóa di thân triêm phổ chúng,

Anh linh hàm vịnh cổ kim truyền.

Sự kiện này chứng minh Ngô tiền bối đã đắc đạo tại thế gian, thân phàm vẫn ở Sài Gòn nhưng hồn linh có thể xuất ra chu du viễn xứ. Hàng năm, môn sanh Chiếu Minh lấy ngày mùng 5 tháng 3 âm lịch làm lễ kỷ niệm ngày tiền bối Ngô Văn Chiêu hiển đạo tại thế.

3. Thăm núi Tà Lơn lần thứ nhì

Tháng 12-1931 (Tân Mùi), Ngô tiền bối xin nghỉ việc, về Cần Thơ dưỡng bệnh, ở tại nhà ông Lý Trọng Quý, số 39, đường Nguyễn An Ninh.

Thứ Tư 30-3-1932 (24-02 Nhâm Thân), Ngô tiền bối đi thăm núi Tà Lơn lần thứ nhì. Người tỏ ý sẽ thoát xác nơi đây. Các môn đệ đi theo hết sức khẩn khoản, tiền bối mới bằng lòng trở về Cần Thơ.

Chủ Nhật 10-4-1932 (05-3 Nhâm Thân), tiền bối về đến Cần Thơ và ở luôn tại đây cho tới ngày quy thiên. Vì tiền bối không chịu tá túc trong nhà của bất kỳ môn đệ nào, môn sanh Chiếu Minh cất cho người một lều tranh giản dị (thảo lư), không xa nghĩa địa Chiếu Minh, cách châu thành Cần Thơ khoảng 3km.

4. Cỡi rồng về nguyên

Sáng thứ Hai 18-4-1932 (13-3 Nhâm Thân), tiền bối bảo môn sanh chuẩn bị xe đưa người về nhà ở tỉnh Tân An. Sau khi xong buổi ngồi thiền giờ Ngọ, đồng tử Lê Văn Ngưng (1906-1948) cõng tiền bối ra xe. Người ngồi riêng ở băng sau. Cùng đi có các môn sanh là bà Võ Văn Thơm, bà Trần Thị Hường (bà Tư Huỳnh)[15], đồng tử Ngưng, và con gái thứ năm của tiền bối (Ngô Thị Nguyệt). Dọc đường, da mặt và thân thể Ngô tiền bối dần dần chuyển thành màu vàng nghệ.

Xe qua phà Cần Thơ, đi tiếp đến Vĩnh Long rồi xuống phà Mỹ Thuận. Phà chạy ra gần giữa sông Tiền (một nhánh sông Cửu Long, chín rồng) thì Ngô tiền bối đã nhẹ nhàng thoát xác lúc 3 giờ chiều. Việc này ứng hợp với lời Đức Cao Đài dạy tiền bối vào giữa năm 1924 (Giáp Tý):

Giờ này Thầy điểm thâm công,

Ngày sau con sẽ cỡi rồng về nguyên.

Môn sanh yêu cầu quay phà trở lại. Xe vừa lên khỏi phà thì gặp xe của hai môn sanh Nguyễn Văn Huỳnh (Tư Huỳnh) và Bùi Quang Huy vừa đến.[16] Mọi người đưa nhục thân Ngô tiền bối trở lại thảo lư ở Cần Thơ. Lúc này da tiền bối trở lại bình thường, con mắt trái (dương) mở to ra, nhìn như người sống, con mắt bên phải (âm) khép kín.

5. Lễ tang Ngô tiền bối

Môn sanh Chiếu Minh tìm thấy ở thảo lư một bao thơ với di ngôn của tiền bối, ngắn gọn:

Thôi, các em nhứt tâm.

Thầy chẳng quên ta. Ta hằng tại. Chẳng đặng nhiều lời.

Nay kỉnh tạ,

Bần đạo

Chiêu

22/8/31

Trong bao thơ còn có 100 đồng bạc. Tiền bối dặn dò chỉ chi tiêu cho lễ tang ngần ấy thôi. Không được nhận tiền điếu tang, để khỏi trái phương châm của người là “Nhứt hào vô phạm”.

Tuân theo di ngôn của tiền bối, khi liệm di thể tiền bối trong tư thế ngồi thiền, môn sanh Chiếu Minh đàn Cần Thơ dùng một áo quan hình lục giác (hình khối sáu mặt, tương ứng sáu chữ Nam mô Cao Đài Tiên ông), đường kính 0,8m, cao 1,20m.

Tất cả việc khâm liệm đều do các môn sanh thân tín tự tay đảm nhiệm. Tiền bối dặn các môn sanh đẩy xe đưa lục giác ra nghĩa địa Chiếu Minh, cách thảo lư khoảng 200m. Lục giác được đặt trên một nền đã xây sẵn, sau đó xây gạch bao kín chung quanh. Bên ngoài xây thành một cái tháp.

Đám tang rất đơn giản, yên tịnh, không kèn trống, không tụng kinh cầu siêu. Lúc sinh tiền, Ngô tiền bối bảo rằng người đã cầu nguyện cho bản thân hàng ngày, đã biết mình là ai, chết rồi sẽ đi đâu, nên không cần đọc kinh cầu siêu nữa.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
Diễn Đàn 3V » DIỄN ĐÀN 3V » TÔN GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG » ĐẠO CAO ĐÀI
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:

Bình Chọn
Rate my site
Total of answers: 22
Tin Nhắn
200
Site friends
  • Create a free website