Friday, 2024-05-17, 3:38 PM
Welcome Guest

3V CLUB

[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn Đàn 3V » DIỄN ĐÀN 3V » TÀI LIỆU THUYẾT MINH 63 TỈNH THÀNH » BẠC LIÊU
BẠC LIÊU
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 3:30 PM | Message # 1
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Phía bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía đông bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, tây bắc giáp Kiên Giang, tây và tây nam giáp Cà Mau, đông và đông nam giáp biển với 56 km bờ biển. Tỉnh lỵ hiện nay là Thành phố Bạc Liêu, cách Thành phố Hồ Chí Minh 280 km.

Diện tích, dân cư

Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 2.520,6 km² và dân số năm điều tra dân số ngày 01/04/2009 là 856.250 người với mật độ dân số 339 người/km². Nếu so với 63 tỉnh, thành phố thì Bạc Liêu đứng thứ 40 về diện tích và thứ 48 về dân số.

Trên địa bàn Bạc Liêu có 3 dân tộc sinh sống, người Kinh chiếm phần lớn, tiếp đến là người Khmer và người Hoa. Theo tài liệu tổng điều tra dân số (1999) thì trong tổng số dân trên địa bàn Bạc Liêu, người Kinh chiếm gần 90,0%; người Khmer chiếm 7,9%; người Hoa chiếm 3,1%; các dân tộc còn lại, mỗi dân tộc chỉ có dưới 100 người, thậm chí chỉ có trên dưới một chục người.

Diện tích, dân cư qua các thời kỳ:

1971: 2.559 km², 352.230 người1
1996 (số liệu Tổng cục Thống kê): 2.487,1 km², 768.900 người
1997: 2.485 km², 768.900 người
1998: 2.485 km², 800.100 người
1999 (Tổng điều tra dân số 1-4): 2.521 km², 736.325 người; (Tổng cục Thống kê) 738.200 người (trung bình năm)
2000 (Tổng cục Thống kê): 744.300 người
2001: 2.485 km², 756.800 người
2002: 768.300 người
2003 (TĐBKQSVN): 2.520,63 km², 770.000 người
2004 (Tổng cục Thống kê): 2525,7 km², 786.200 người (trung bình năm)
2009 (Tổng cục Thống kê): 2525,7 km², 856.250 người

Địa hình, thổ nhưỡng

Bạc Liêu là vùng đất trẻ, được hình thành chủ yếu do sự bồi lắng phù sa ở các cửa biển tạo nên. Phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh là đất bằng nằm ở độ cao trên dưới 1,2 m so với mặt biển, còn lại là những giồng cát và một số khu vực trũng ngập nước quanh năm. Địa hình có xu hướng thấp dần từ đông bắc xuống tây nam và khu vực nội đồng thấp hơn vùng gần bờ biển. Trên địa bàn tỉnh có nhiều kênh rạch lớn như kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp, kênh Cạnh Đền, kênh Phó Sinh, kênh Giá Rai. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch của Bạc Liêu nối với biển bằng cửa Gành Hào, cửa Nhà Mát và cửa Cái Cùng. Ngoài phần đất liền còn có vùng biển rộng 40.000 km². Biển Bạc Liêu có tiềm năng hải sản tương đối lớn với 661 loài cá và 33 loài tôm, cho phép đánh bắt mỗi năm 24-30 vạn tấn cá và khoảng 1 vạn tấn tôm.

Đơn vị hành chính

Hiện nay, Bạc Liêu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm Thành phố Bạc Liêu và 6 huyện (với 64 xã, phường và thị trấn) là:

Thành phố Bạc Liêu
Phước Long
Hồng Dân
Vĩnh Lợi
Giá Rai
Đông Hải
Hòa Bình (mới thành lập tháng 7 năm 2005)

Lịch sử

Tỉnh Bạc Liêu được thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1900 theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh, gồm 7 tổng: Long Thủy, Quảng Xuyên, Quảng Long, Quảng An, Thạnh Hòa, Thạnh Hưng, Long Thới. Trước kia Bạc Liêu tách từ tỉnh Hà Tiên ra. Địa bàn tỉnh Bạc Liêu khi đó bao gồm cả tỉnh Cà Mau hiện nay.

Năm 1904, Bạc Liêu có 3 quận: Vĩnh Lợi, Cà Mau và Vĩnh Châu. Năm 1914, lập thêm quận Giá Rai. Năm 1947, quận Phước Long được nhập từ tỉnh Rạch Giá, còn quận Cà Mau được tách ra thành 1 tỉnh riêng.

Ngày 22/10/1956, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã nhập tỉnh Bạc Liêu với tỉnh Sóc Trăng thành tỉnh Ba Xuyên. Tỉnh Bạc Liêu được tái lập theo Sắc lệnh 245-NV ngày 8/9/1964, gồm 4 quận: Giá Rai, Phước Long, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu, với 5 tổng, 17 xã. Dân số năm 1965 là 76.630 người.

Năm 1976, sau khi Việt Nam thống nhất, hai tỉnh Bạc Liêu và An Xuyên (Cà Mau) hợp nhất thành tỉnh Minh Hải. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Minh Hải được chia thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Hai tỉnh mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1997.

Văn hóa

Bạc Liêu xưa kia nổi tiếng là đất ăn chơi với nhiều giai thoại về "công tử Bạc Liêu", bởi người dân xứ này có tư duy khoáng đạt, thích giao lưu tìm bạn qua hội hè và qua sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Do cởi mở và có phần sành điệu nên đất Bạc Liêu không chỉ giữ được đôi chân phiêu lãng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả bài Dạ cổ hoài lang bất hủ, mà còn có sức hút mạnh mẽ đối với tầng lớp đại điền chủ Nam Kỳ lục tỉnh vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, buộc họ phải đến đây xả túi xây cất dinh thự. Bởi thế, nhiều người tới thị xã Bạc Liêu ngày nay đã không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy tại nơi đất chua phèn ngập mặn tận cùng của đất nước lại có những dãy nhà Tây sang trọng và đường bệ, khác hẳn những biệt thự Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt. Đáng chú ý là những vật liệu chủ yếu trang trí nội thất các biệt thự này như cửa và chấn song cửa, gạch và đá cẩm thạch ốp tường hoặc lát nền đều được các đại điền chủ bỏ công tốn của sang tận Paris mua về.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 3:38 PM | Message # 2
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Quần thể kiến trúc nhà tây

Vị trí: Thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

Đặc điểm: Hiện nay, Bạc Liêu còn khoảng gần 30 dinh thự, biệt thự lớn nhỏ nằm tập trung ở hai bên bờ sông. Nó đã trở thành một di sản có giá trị tinh thần, một niềm tự hào của người dân Bạc Liêu.

Không giống với một số tỉnh, thành phố khác như Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu hiện nay còn khá nhiều dinh thự, biệt thự xây theo kiến trúc phương Tây ở thị xã Bạc Liêu. Chỉ có những tòa nhà của công tử Bạc Liêu dọc bờ sông bị hư hại trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến. Còn lại là công viên hàng me với những dinh thự, công sở trang nghiêm: tòa Hành chánh, tòa án, dinh bố (nhà thự quan chủ tỉnh), nhà huyện Sỏn, nhà hội đồng Trạch…

Các vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch… đều được chở từ Pháp qua. Các ngôi nhà tây có kiến trúc của những năm đầu thế kỷ 20; mỗi nhà đều có không gian thoáng đãng xung quanh, phần đằng trước đối xứng nhau, mái lợp ngói. Mái ngói hình bát giác, các xà nối ngang như ở chùa. Nhìn chung các ngôi nhà có nét đường bệ, nền đúc cao, quét vôi vàng. Bên trong nhà thường là những hành lang, vòm trần cao vút. Vì vậy, quần thể kiến trúc nhà tây ở Bạc Liêu mang một sắc thái riêng khác hẳn những nhà biệt thự Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt…




Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 3:39 PM | Message # 3
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Chùa Quan Đế

Vị trí: Chùa Quan Đế nằm ven sông Bạc Liêu, thuộc địa phận xã Vĩnh Trạch, Tx. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Đặc điểm: Chùa Quan Đế là một kiến trúc đình chùa mang đậm bản sắc dân tộc Hoa.

Người Hoa ở Bạc Liêu coi Chùa Quan Đế như một biểu tượng văn hoá của dân tộc mình. Chùa được xây năm 1835, do ông chủ tô muối Châu Quai đứng ra vận động đóng góp. Bên trong chùa còn giữ được khá nhiều bức hoành lớn. Một số được các nghệ nhân người Hoa chạm khắc từ những năm 1865 - 1897. Ngoài ra chùa Quan Đế còn có một án thư quí giá.

Chùa thờ Quan Vân Trường thời Tam Quốc. Trong điện thờ chùa Ông có bức tượng Quan Công mặc giáp trụ uy nghi, hai bên là Quan Bình và Châu Xương. Theo người Hoa ở Bạc Liêu, họ chọn thờ Quan Công bởi họ coi trọng chữ tín trong làm ăn buôn bán, Chùa Ông là nơi họ đến cầu khẩn, thậm chí giao kèo với nhau trong mua bán. Ngoài ra trong chùa còn thờ Thiên Hậu, Thần Tài. Chùa Ông là một trong những điểm tham quan ở thị xã Bạc Liêu.




Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 3:41 PM | Message # 4
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Tháp cổ Vĩnh Hưng

Vị trí: Tháp cổ Vĩnh Hưng thuộc xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Đặc điểm: Tháp là di tích kiến trúc cổ duy nhất mang dáng dấp nghệ thuật kiến trúc thời Ăng Ko của người Khmer còn được bảo tồn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo quốc lộ 1A, từ Bạc Liêu hướng Cà Mau 5km, đến cầu Sập, rẽ theo lối đi chợ Vĩnh Hưng là đến tháp Vĩnh Hưng.

Tháp Vĩnh Hưng phát hiện năm 1911, được nhà cầm quyền thời đó xếp hạng thứ 14 trong danh mục các di tích lịch sử ở Nam kỳ. Sau đó tháp còn có nhiều tên gọi khác như; tháp Lục Hiền, tháp Bhah Dhat...
Trong thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học đã phát hiện tấm bia khắc chữ Phạn ghi rõ tháng 814 tương ứng với năm 892 (sau CN) ở chùa cạnh tháp.

Tháp Vĩnh Hưng được dựng trên một doi đất, chân tháp hình chữ nhật, một cạnh dài 5,6m; cạnh kia dài 6,9m, cao 8,9m xây bằng gạch ghép khít lại (không nhìn thấy vữa kết dính). Tháp có cấu trúc khá đơn giản, có một gian hình chữ nhật, tường dày, nóc cao uốn thành vòm với một cửa chính.

Trong tháp có: một bàn tay tượng thần bằng đồng; một phần thân dưới của tượng nữ thần; tượng nữ thần bằng đá xanh; tượng nữ thần Brahma mặt bằng đồng; đầu tượng Phật bằng đồng... và một số vật thờ khác.

Mỗi ngày nhà sư trong chùa tháp tụng kinh hai lần bằng tiếng Việt vào lúc 4 giờ sáng và 4 giờ chiều. Hàng năm nhân dân địa phương tổ chức giỗ lớn tại tháp vào ngày 15 tháng giêng âm lịch. Đây là dịp có đông Phật tử trong và ngoài tỉnh đến cúng bái.



Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 3:42 PM | Message # 5
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Sân chim Bạc Liêu

Vị trí: Sân chim Bạc Liêu thuộc xã Hiệp Thành, Tx. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Đặc điểm: Sân chim Bạc Liêu là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sân chim luôn tạo ra những bất ngờ sửng sốt cho du khách đến tham quan. Mới bước vào sân chim, du khách nhìn thấy ngay cảnh náo nhiệt của một sân chim tự nhiên. Những trứng chim đó đây trên mặt đất như hòn cuội trắng. Các loại chim thường hay làm tổ để tránh bị các loài khác đến bắt chim con...Len lỏi trong sân chim, bất chợt du khách có thể nhìn thấy loài chim có sải cánh dài tới 2m, nặng tới 10kg...

Các loài chim thường tụ tập nhiều vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Chúng làm tổ trên cây đến khoảng tháng 1 rồi bay đi nơi khác và quay trở về đây vào tháng 5 hoặc tháng 6.




Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 3:43 PM | Message # 6
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Chùa Xiêm Cán

Vị trí: Chùa Xiêm Cán thuộc xã Hiệp Thành, Tx. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Đặc điểm: Chùa Xiêm Cán là một ngôi chùa của người Khmer, có kiến trúc giống những ngôi chùa Khmer khác ở Trà Vinh và Sóc Trăng.

Được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, chùa Xiêm Cán mang kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Đối với chùa Khơ-me, chánh điện thường quay về hướng Đông vì họ cho rằng con đường tu hành của Phật đi từ Tây sang Đông.

Bên trong chánh điện (hay còn gọi là sala) của chùa Xiêm Cán đã phản ánh tính thẩm mỹ rất cao của người Khơ-me với những hoa văn độc đáo. Ở vị trí trung tâm trên nóc sala trang trí hình ảnh đền Angkor Wat – nơi khởi nguồn của phong cách kiến trúc Khơ-me.

Quan sát trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và những quái vật. Theo triết lý của người Khơ-me, đó là những thử thách đối với Phật tử trên bước đường tu thành chánh quả. Trên mái vòm và cầu thang chùa đều chạm trổ họa tiết có hình rắn vì họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này.

Người Khơ-me tu theo thuyết của Phật Thích Ca nhưng theo hướng của Phật giáo Tiểu Thừa nên trong Chánh điện thờ Phật Thích Ca là chính. Một điều đặc biệt nữa là xung quanh 4 bức tường của chánh điện bày trí rất nhiều hình vẽ giải thích quá trình tu hành khổ luyện của Đức Phật từ lúc sinh ra, đến lúc làm Thái tử cho đến khi vào cõi Niết bàn. Đối diện chánh điện là cột trụ biểu, là hình tượng của con rắn 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ ngụ ý rằng giáo lý Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã thiện.

Ngày nay, người ta có thể cảm nhận được một sắc thái văn hóa đang phồn thịnh và rất đặc trưng của người Khơ-me đang từng ngày được gìn giữ, phát huy nhằm làm đẹp, phong phú và đa dạng hơn cho văn hóa Việt Nam




Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 3:47 PM | Message # 7
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
THÚ VỊ ẨM THỰC BẠC LIÊU

Người ta hay gọi Bạc Liêu là “xứ Tiều”, có lẽ vì đa số bà con trong cộng đồng người Hoa ở đây, hầu hết có nguồn gốc Triều Châu. Buổi tối, tại chợ đêm Bạc Liêu có một nơi bán loại thức ăn tráng miệng “không giống ai”: kem chiên.

Miếng kem lạnh ngắt nhét trong vỏ bánh bột mì hình tam giác. Thả bánh vào chảo dầu sôi ùng ục, bánh chín, vớt ra. Cắn một miếng, vỏ bánh nóng giòn thơm mùi vị bánh tiêu nhưng ngay lập tức răng nghe ê lạnh vì kem.

Là mảnh đất ven biển nên Bạc Liêu còn có món ăn độc đáo chế biến từ cá thòi lòi. Thòi lòi biển bự từ ngón chân cái người lớn trở đi, hình thù, da dẻ và màu sắc của nó trông không được mắt nhưng một khi trở thành món ăn thì rất khoái khẩu. Cũng như món cá lóc nướng thời khẩn hoang, người dân địa phương có món thòi lòi nướng trui vừa mang tính hoang dã vừa ngon miệng. “Nâng cấp” lên một chút là thòi lòi kho khô và canh chua thòi lòi, hai món chủ lực cho bữa cơm của những gia đình sống miền duyên hải. Canh chua thòi lòi còn là món giúp lấy lại sức sau những giờ lao động cật lực của những nông dân vùng biển.

Tuy nhiên món ăn đậm chất khẩn hoang ở ven biển nơi đây là “vọp nướng chông”. Những cánh rừng sác ven biển, đất luôn cao ráo, là nơi sinh sống của vọp. Dân địa phương những khi đi rừng thường thủ sẵn muối, ớt, chanh cùng một vài chai rượu đế. Sau khi khượi được nhiều vọp rồi, người ta dọn một khoảnh đất nhỏ, cắm chặt miệng chúng xuống đất. Tiếp theo, rải lớp nhánh đước hoặc củi khô thật đều lên rồi mồi lửa. Lửa tàn, vọp chín nhưng không há miệng được vì bị đất “gài” cứng. Gạt bỏ lớp tro, người ta bắt từng con, tách miệng ra, ngửa cổ hứng nước vọp vào miệng. Chóp chép miệng nghe vị ngọt ngon của nước vọp, chấm thịt vọp vào muối tiêu chanh ớt, ăn, hớp một ngụm, rượu đế nồng cay sẽ thấy đất trời lâng lâng cảm khái!

Ẩm thực Bạc Liêu thường mang đậm phong cách Trung Hoa. Từ bánh củ cải được làm giống như đóa hoa hàm tiếu vừa đẹp mắt, vừa thơm ngon mùi cần tàu, đậu phộng, tôm khô, thịt nạc, củ cải trắng... đến bánh tằm. Để làm bánh, người ta xay nhuyễn gạo, hòa với nước lạnh rồi đem hồ trên ngọn lửa liu riu. Trong khi chờ hồ nguội, rây bột trên cái mâm rồi se hồ thành từng dây dài. Vì dùng tay xe nên cọng bánh hơi thô to, không đồng đều và có độ dài ngắn khác nhau.

Nhưng chính vì sự “ô dề” này mà cọng bánh có vị ngon lạ, có “hồn” mà những cọng bánh “tân thời” ép bằng khuôn đều trân, không sao có được. Bánh se xong đem hấp trong xửng. Bánh chín, chỉ cần thêm bì và xíu mại thì khẩu vị của nhiều người được đáp ứng một cách tuyệt vời. Bánh tằm này còn có sự hiện diện của xíu mại. Để có viên xíu mại ngon, người ta dùng thịt ba rọi và gan heo băm nhỏ cùng với củ sắn vắt ráo nước. Trộn đều hỗn hợp này với đường, tỏi, hành phi, tiêu và một chút bột mì, một ít bột ngọt. Vo từng viên bự cho vào xửng hấp chín.

Bánh tằm nổi tiếng nhất là bánh tằm Ngan Dừa của huyện Hồng Dân. Bánh tằm Ngan Dừa “lai” ẩm thực của người Kinh vì có thêm bì. Bì được làm bằng da heo và thịt nạc mới “xả” luộc chín, xắt từng sợi hơi to, trộn với thính và đậu phộng rang đâm nhuyễn, nêm thêm đường và bột ngọt cho đậm đà hương vị. Cho bánh tằm lên một nửa dĩa, một góc phủ bì, dưa leo băm nhỏ xắt sợi trộn với rau thơm cùng giá sống và viên xíu mại nằm kế bên. Chan lên mặt bánh nước sốt cà chua, rắc một ít tiêu bột. Cầm muỗng múc nước mắm giấm đường tỏi ớt chan lên mặt bánh, dùng đũa trộn đều.

Cọng bánh tằm bự tạo cảm giác “xừn xựt” khi nhai, bì thơm vương vấn các chân răng, vị chua mặn cay ngọt của nước chấm và mùi thơm của các loại rau xanh, dưa leo bằm như hòa lẫn vào nhau trong cái ngọt giòn của giá sống. Cắn một miếng xíu mại ngọt lừ vị thịt, béo ngậy vị mỡ, lòng thích thú lâng lâng.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 3:48 PM | Message # 8
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Thưởng thức bánh xèo Giồng Nhãn, Bạc Liêu

Giồng Nhãn là một giồng cát được hình thành từ bờ biển cổ, dài 10km, rộng khoảng 230ha, nằm trên hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông (thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Nằm cặp bờ biển này, khi xưa, là ruộng muối bạt ngàn.
Muối Bạc Liêu thuở ấy nổi tiếng khắp nước, chất lượng ngang muối Sa Huỳnh - một loại muối đứng đầu Việt Nam. Đến mùa thu hoạch muối, ghe thương hồ cập bến Bạc Liêu “ăn muối” rồi chở đi bán khắp Nam kỳ Lục tỉnh, sang tận Campuchia. Phải chăng nhờ vị muối ngọt mặn này mà con cá kèo nướng, con tép nướng đơn giản cũng ngon đặc biệt?

Ngày nay, nhãn Bạc Liêu dù vẫn ngọt thơm, nhưng đã không còn hấp dẫn về kinh tế so với nhiều chủng loại năng suất cao. Nhưng với cảnh quan đẹp, không khí trong lành, Giồng Nhãn đã trở thành điểm du lịch sinh thái. Mấy năm trước, một quán tại đây khởi đầu bán bánh xèo. Quán đắt khách khiến các quán khác đua nhau bán theo, tạo thành “phố bánh xèo”. Quán nối quán, chừng chục quán, bán từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Bàn nối bàn san sát trong bóng mát những mái lá xé liền nhau rợp cả khu vườn nhãn. Bên cạnh bàn ăn là hàng hàng lớp lớp võng, treo tòn ten giữa hai thân nhãn cổ thụ.

Bánh xèo ở đây hấp dẫn bởi bột bánh xèo chỉ - nghĩa là mềm, dẻo vừa độ, quyện mà không dính hết khi được xay bằng cối đá. Lại nữa, bánh ngon còn nhờ được tráng khéo, cắn miếng nào, chỗ nào cũng nghe vỏ bánh nổ giòn trong răng. Nhưn bánh được làm bằng thịt nạc, tép bạc, đậu xanh, giá, củ sắn và hành tây. Tép xứ này khỏi nói, vị ngọt mặn ngất ngây vị giác. Được vậy nhờ vị mặn biển Bạc Liêu. Rau sống trồng đất giồng giòn thơm, với xà lách, cải xanh, húng quế, diếp cá, rau húng... Rồi chén nước mắm được pha chế khéo, vừa mặn, chua vừa ngọt vừa nồng cay vị tỏi ớt... Thưởng thức bánh xèo Giồng Nhãn sẽ “nhứt xứ” khi nhấp ly rượu nhãn độc đáo của địa phương.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 3:52 PM | Message # 9
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Cốn xại, xá bấu: Đặc sản truyền thống của người Hoa ở Bạc Liêu

Không biết món cốn xại, xá bấu có tự khi nào, nhưng người Hoa ở Bạc Liêu sử dụng cốn xại (cải muối), xá bấu (củ cải muối) trong bữa ăn hàng ngày. Đây được coi là món ăn đặc sản mang đậm tính truyền thống của người Hoa.

Xuất phát từ tiết kiệm, nên nguyên liệu để làm cũng đơn giản. Muốn làm cốn xại ngon, thì cải làm cốn xại (cải tùa xại dùng để làm dưa cải) phải thật tươi non. Đầu tiên, cải được cắt thành miếng nhỏ hoặc để nguyên bắp, rồi đem phơi cho đến héo, nếu không khi làm cải dễ bị hư, đây được coi là khâu quan trọng nhất. Cải sau khi phơi xong, sẽ đem trộn với muối hột, đường, rượu và nhất định không thể thiếu củ riềng để tạo mùi. Cốn xại tính từ khi muối, đến khi ăn được cũng mất trên hai tuần.

Đối với xá bấu thì cách làm đơn giản hơn. Xá bấu mua về chỉ cần rửa sạch, xắt từng cọng nhỏ phơi khô. Lúc muối, chuẩn bị các thứ gia vị như: đường, bột ngũ vị hương, rượu rồi trộn đều với nhau. Khi nào thấy đường tan, thấm hết vào cọng xá bấu là ăn được. Món này ăn với cháo trắng thì thật tuyệt vời. Có người nói: "Đã là người Hoa thì phải biết ăn cháo trắng với xá bấu".

Ngày nay, khi cuộc sống đã được nâng cao, thực phẩm ngày càng phong phú, trong đó có cả cốn xại, xá bấu đóng hộp. Tuy nhiên, ở nhiều gia đình người Hoa hiện nay, Tết đến, người ta vẫn giữ nguyên cái tục làm cốn xại, xá bấu. Theo bà Thái Tú Anh, một người làm cốn xại có tiếng ở phường 2, Thị xã Bạc Liêu, làm cốn xại, xá bấu không chỉ để làm một món ăn truyền thống của dân tộc, mà nó còn thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ. Mỗi khi ăn vào, được người khác khen bằng một câu "họ khan khụi" (tiếng Triều Châu có nghĩa là tay nghề khéo) và trước đây việc mai mối cũng nhờ vào những hũ cốn xại, xá bấu như thế này, nó đã giúp không ít người được nên vợ nên chồng từ tiếng đồn lành "họ khan khụi".

Khi mới ra đời, cốn xại, xá bấu thường chỉ dùng để ăn cháo. Nhưng trải qua quá trình sinh sống lâu dài với các dân tộc anh em, hai món này cũng được chế biến thành những món ăn mang đậm phong cách của một vùng đất hào phóng, vốn được thiên nhiên ưu đãi, cụ thể như biến tấu từ món gỏi cốn xại.

Cốn xại từ khi làm đến lúc ăn được khôngdưới hai tuần, nhưng đối với cốn xại dùng để làm gỏi thì chỉ cần vài ngày. Khi làm món này, người ta lấy cốn xại trộn với củ kiệu, thịt luộc thái mỏng, tôm đồng luộc lột vỏ hoặc tôm khô và chấm nước mắm chua. Với món ăn này, người ăn sẽ cảm nhận được cái vị cay cay của cải mới, cái ngọt, béo của thịt, tôm, cộng thêm mùi thơm của lạc rang được trộn vào và cái vị hăng hăng của củ riềng, làm cho món gỏi cốn xại mang một hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Nhiều người đã ví von rằng, ăn món gỏi cốn xại, có thể ăn đến nhức cái chân răng mới thôi. Rồi để góp phần làm phong phú thêm cái hương vị của mấy ngày Tết, cốn xại còn được ăn kèm với nhiều món khác như: bánh tét chiên, bánh phồng tôm, cá khô, thịt khô... Đây thật sự trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người.

Trải qua quá trình cộng cư lâu dài, sự kết hợp chế biến từ các món ăn của các dân tộc anh em trên vùng đất Bạc Liêu không chỉ thể hiện sự gắn bó keo sơn, nghĩa tình trong cuộc sống, mà còn góp phần bổ sung, làm phong phú thêm văn hoá ẩm thực của địa phương. Ở một góc độ khác, những món ăn tưởng chừng bình dị này, lại được nâng lên thành một thứ văn hoá, mà người ta có thể tìm thấy được qua nghệ thuật ẩm thực.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 3:54 PM | Message # 10
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Ăn năn không sám hối

"Hiện đọt năn đã trở nên món thời trân. Nhiều người dân xứ Bạc Liêu, Sóc Trăng khoái ăn đọt năn đơn giản vì nó ngon, chứ không phải vì họ muốn... sám hối, cũng không phải vì họ không đủ tiền mua các loại rau khác sang hơn" - nhà văn Phan Trung Nghĩa ở Bạc Liêu bình về rau năn như vậy.

Anh Nghĩa nói thêm: "Lớp trẻ thích đọt năn vì vị nó lạ, còn lớp sồn sồn trở lên, rau năn gợi lại kí ức đồng quê - giàu nhân nghĩa, nghèo tiền bạc". Năn là loại cỏ dại, mọc ở những vùng đất phèn trũng, nước càng sâu nó càng "hảo". Thường năn có hai loại: kim và bộp. Loại sau mới dùng làm rau. Rau năn vị ngọt thanh, có hậu hơi ngai ngái mùi phèn mặn và mùi khói rơm rạ đốt đồng.

Khác với nhiều rau cỏ khác, năn bộp non từ gốc non lên, đoạn này thường dài khoảng 5 - 10cm, là gốc nhưng được dân Bạc Liêu quen gọi ngược đời là "đọt năn". Thoạt nhìn, gốc năn dính phèn vàng khè thấy mà ghê, song khi lột bỏ lớp vỏ xấu xí bên ngoài ấy thì "cơm" năn trắng phau như trứng gà bóc mới lộ ra. Đoạn "đọt" trắng tươi này được ngắt ra làm rau sống, trộn gỏi, xào, nấu canh, nhúng lẩu, làm dưa chua... ăn đều ngon hết biết!

Các món ăn năn

Những bà nội trợ khéo tay hay làm còn đổ bánh xèo nhân thịt vịt xiêm với năn. Thịt vịt bằm với một ít năn tươi, nêm gia vị vừa ăn rồi xào sơ qua trên chảo dầu sôi lăn tăn có phi mấy lát củ hành tím thơm phức làm nhân. Khi vành chiếc bánh xèo vừa "quíu" lại, người ta thêm vào ít đậu xanh nguyên vỏ đã ngâm trước cho mềm. Sau cùng họ "áo" thêm một ít rau năn nữa lên mặt bánh, đậy nắp, "đếm năm tiếng" rồi nhắc xuống.

Và dường như những cây, trái, con... sống cùng sinh cảnh luôn tương hợp và có thể nâng độ ngon cho nhau khi được đưa vào công thức chế biến các món ăn dân dã. Ở đồng năn, láng giềng thường lui tới nhà năn bộp là đám rô, trê vàng, lóc vốn thích nghi với nồng độ nước phèn cao. Đọt năn bộp sao mà hợp với cá rô, lóc đồng nướng trui hoặc trê vàng nướng dầm nước mắm gừng đến vậy!

Mặt khác, dân sành ăn ở Sóc Trăng, Bạc Liêu đều cho rằng năn bộp dùng làm rau sống hoặc xào là ngon hơn hết. Có thể kể ra kẻ thù số một của năn bộp là bầy trâu mập, vậy mà dân "mát tay" làm mồi nhậu ở Thạch Trị (Sóc Trăng), Phước Long (Bạc Liêu) lấy thịt bắp trâu xào với năn, ăn ngon "bá chấy" luôn!

Để làm món này, đầu bếp chia rổ năn thành hai phần đều nhau. Nửa đầu cho vào chảo xào khi thịt trâu đã ngấm gia vị, vừa chín tái. Nửa sau họ cho vào chảo lúc gần nhắc xuống. Làm vậy, nước xào ngọt thanh hơn, miếng bắp thịt trâu bùi và giòn sừn sựt. Món này "đưa cay" lúc còn bốc khói thì sướng thần khẩu vô cùng.

Không có thịt trâu, chỉ cần xào đọt năn bộp với măng (ngon nhất là măng vòi, măng tây) chấm nước mắm dầm ớt cũng vét nồi cơm như thường. Sang hơn một chút thì xào năn với thịt vịt cỏ hoặc gà đất đẹt.

Cũng có người cho rằng, tuyệt đỉnh... ngon của năn bộp là làm dưa chua. Tuy nhiên phần "đọt" năn làm dưa chua ăn không ngon bằng mầm năn - đoạn chim sếu đầu đỏ thích mổ ăn sống. Phần mầm năn mới nhú, dài khoảng hai lòng tay người lớn, được dùng làm dưa chua. Dịp giỗ chạp hoặc tết nhất, trong nhà có hũ dưa chua mầm năn thì nước nồi thịt heo kho tàu, cá đồng kho mau cạn lắm!

Thường dân miệt Tây sông Hậu chỉ có hai cơ hội trong năm được ăn món ngon này: đầu mùa mưa (khoảng tháng tư âm, năn tự mọc mầm) và tháng khô (khoảng tháng giêng - tháng ba âm). Mùa khô, năn chết gửi củ nằm sâu cách mặt đất khoảng 10cm, dùng cuốc đào nó lên, rửa sạch, rang vừa vàng ăn chơi. Còn "cao thủ" hơn là đem ủ củ năn như ủ lúa giống, để lấy mầm làm dưa chua.

Ai có công đầu?

Lúc trà dư tửu hậu, một số lão nông tri điền ở Bạc Liêu bàn xem ai là người có công đầu tiên phát hiện ra vị ngon của năn bộp. Theo đó, trẻ chăn trâu - không biết từ đời nào - là người có công đầu. Kế đó là những người dân nghèo, bứt "đọt" năn ăn "bậy bạ" qua ngày. Tiếp đến là những cán bộ cách mạng hoạt động trong bưng biền, họ đã chế thêm nhiều thực đơn mới từ năn. Sau cùng dân sành ăn Tây Nam bộ đã nâng cấp, rỉ tai nhau về nhiều món ngon của năn. Do vậy, nó mới trở thành loại rau thời trân.

Năn bộp mọc ở nhiều tỉnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Long An... Song nơi có năn nhiều và ăn năn sành điệu có lẽ là dân Bạc Liêu, Sóc Trăng. Vùng rau năn nguyên liệu của Bạc Liêu là cánh đồng "chó ngáp" nay thuộc hai huyện Hồng Dân và Phước Long. Anh Phan Trung Nghĩa ước tính diện tích cánh đồng này khoảng 50.000ha.

Mặc dù hiện nay dân địa phương đã khai hóa nó để trồng lúa, nuôi tôm nhưng năn bộp mọc "xôi đậu" khá nhiều. Tương tự, huyện Ngã Năm là vựa năn của Sóc Trăng, diện tích khoảng 60 - 70ha. Dân ở đây còn trồng lúa mùa (lúa Tài Nguyên), thời gian thu hoạch khoảng sáu tháng. Thường vào giữa hoặc cuối tháng mười âm, họ mới sạ lúa trên ruộng trũng phèn.

Do vậy, từ khi sa mưa (khoảng tháng tư âm) năn bộp mọc vô tư trên những cánh đồng ấy. Tranh thủ kiếm đồng ra đồng vô, chủ ruộng thuê người nhổ năn rồi chèo ghe ra chợ bán hoặc họ bán nguyên đám cho lái. Từ đây, thương lái phân phối năn đi khắp chợ huyện, tỉnh lân cận. Gặp mùa rô (tháng năm - tháng tám âm), năn bộp "chạy" lên tới Cần Thơ. Vào cuối tháng mười âm, giá bán lẻ một bó năn bộp chưa lột vỏ, bằng nắm tay người lớn, tại chợ Khánh Hùng, P.2, thị xã Sóc Trăng là 2000 đồng.

Anh Nguyễn Văn Tân, Phó phòng kinh tế huyện Ngã Năm, cho biết: "Gặp mùa đông ken (rộ) năn bộp, từ sáng sớm, xuồng ghe của bà con đậu bán năn xanh một khúc chợ sông Ngã Năm, vui lắm!".

Còn anh Trần Văn Mành ở ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Bình huyện Ngã Năm, Sóc Trăng nhẩm tính: "Hai mẫu năn bộp dưỡng của tui năm nay lời khoảng 40 triệu trong khi làm lúa Tài Nguyên thì lỗ thấu trời. Thấy tôi làm có ăn, nhiều người quanh đây cũng dự định sang năm sẽ làm theo". Theo anh Mành, nếu "dưỡng kỹ" chủ ruộng có thể bứt năn mỗi ngày từ tháng năm đến tết. "Dưỡng kỹ" là giữ nước cho năn, độ ba bốn tháng rải vài trăm ký phân chuồng đã hoai.

Được biết, anh Nguyễn Văn Thùy, giám đốc một công ty ở thị xã Bạc Liêu, đang nghiên cứu kỹ thuật cấp đông rau năn bộp để chào bán ở TP.HCM, Hà Nội và xuất khẩu ra nước ngoài. Anh Thùy lạc quan: "Tôi tin sẽ bán đắt như tôm tươi, bởi đọt năn là dạng rau sạch, lạ, ngon khỏi chê với dân thành thị và khách nước ngoài".


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Friday, 2010-11-19, 3:55 PM | Message # 11
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
BÁNH CỦ CẢI

Bánh củ cải có nguồn gốc của người Hoa. Đi vào chợ Bạc Liêu, đánh một vòng, bạn sẽ thấy có một vài chỗ bán bánh củ cải.

Bánh củ cải có bao ngoài làm bằng bột mì trắng pha với ít bột củ cải trắng nghiền nhuyễn, cán mỏng ra như bánh ướt. Nhân bánh - phần quyết định chất lượng của bánh. Trong nhân có tôm khô nhỏ hoặc tép bạc đất lột vỏ, đâm dập vừa phải, cùng ít thịt nạc bằm với vài hạt đậu xanh hột hấp. Tất cả được xào chín, nêm nếm vừa ăn.

Đặt cục nhân cỡ bằng nhúm tay vào giữa lòng cái bánh bằng bàn tay khép. Người ta cuốn bánh khéo như làm gỏi cuốn bánh tráng. Sắp bánh đều ra đĩa hoặc khay. Sau đó, xắt hành lá hột lựu, phi sơ nhanh qua mỡ heo, sao cho hành lá còn giữ màu xanh. Vớt hành phi để dăm ba phút cho ráo mỡ, rắc đều lên đĩa bánh.

Pha nước mắm chanh, đường, tỏi ớt cho vừa ăn như nước chấm ăn bánh xèo. Bánh củ cải ăn kèm với rau thơm, giấp cá, húng nhủi, húng cây, quế và ít xà lách. Bánh thơm, hăng hăng và đặc biệt ngọt vị của con tôm đất - khác xa con tôm sú, tôm bạc.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
Diễn Đàn 3V » DIỄN ĐÀN 3V » TÀI LIỆU THUYẾT MINH 63 TỈNH THÀNH » BẠC LIÊU
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:

Bình Chọn
Rate my site
Total of answers: 22
Tin Nhắn
200
Site friends
  • Create a free website