Friday, 2024-05-17, 3:14 PM
Welcome Guest

3V CLUB

[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn Đàn 3V » DIỄN ĐÀN 3V » TÀI LIỆU THUYẾT MINH 63 TỈNH THÀNH » TÂY NINH (Tất cả về Tây Ninh!)
TÂY NINH
thanbai3vDate: Wednesday, 2010-11-17, 11:28 AM | Message # 1
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Tây Ninh là một tỉnh ở Đông Nam Bộ, Việt Nam. Phía Tây và Tây Bắc giáp với Vương quốc Campuchia; phía Đông giáp với tỉnh Bình Dương và Bình Phước; phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Theo kết quả điều tra dân số ngày 01 tháng 04 năm 2009, dân số tỉnh Tây Ninh là 1.066.402 người.

Lịch Sử

Công cuộc khẩn hoang và khai thác vùng đất Tây Ninh của người nông dân Việt Nam thuộc các thành phần dân tộc khác nhau đã diễn ra liên tục suốt 300 năm, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau trong điều kiện chính trị, xã hội khác nhau. Mỗi giai đoạn lịch sử, bộ máy chính quyền đều có những biện pháp để đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang.

Tuy nhiên trong suốt lịch sử khẩn hoang và khai thác nông nghiệp tại Tây Ninh từ đầu tới cuối thời thuộc Pháp vẫn chưa có một cách thức hay biện pháp nào thay thế được sức lao động của người nông dân. Mặc dù vậy, nhờ công phá của người dân nên diện tích canh tác, khối lượng nông sản ở Tây Ninh cũng không ngừng gia tăng. Tuy không phải là độc canh cây lúa, nhưng sản lượng lúa ở Tây Ninh năm 1944 đã lên đến 37.600 tấn, bình quân đầu người đạt 256 kg. Thế nhưng trong thực tế người dân Tây Ninh trước đây thường lâm vào cảnh túng đói, đặc biệt là đời sống của công nhân cao su, vì lợi lộc làm ra phần lớn đều lọt vào tay giới chủ. Cho nên nhiều cuộc đấu tranh tự phát của công nhân đã nổ ra.

Do có vị trí quan trọng (biên giới dài với Campuchia, có rừng rộng, núi cao, đường sông đường bộ thuận tiện, là cửa ngõ vào thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đường liên lạc ra vào thuận tiện) nên trong quá trình hình thành và phát triển của tỉnh cũng là đối đầu quyết liệt chống ngoại xâm. Thời kỳ đầu thành lập tỉnh, nhiều nhà yêu nước đã đến Tây Ninh cùng dân chúng địa phương, kiên quyết chống ngoại xâm. Khi quân Pháp tiến chiếm đất Tây Ninh, không chấp nhận hiệp ước đầu hàng của triều đình Huế, dân chúng địa phương đã cùng với Khâm Tấn Tường, Trương Quyền, PuKămpô, Lãnh Binh Tòng, Lãnh Binh Két,...kháng chiến chống Pháp.

Sau khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thành công, cùng với thắng lợi chung của cả nước, quân dân Tây Ninh cũng đã giành được chính quyền vào đêm 25 tháng 8 năm 1945. Nhưng sau đó không bao lâu thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh tái chiếm Việt Nam. Ngày 8 tháng 11 năm 1945 tại Suối Sâu (huyện Trảng Bàng) đã vang lên những tiếng súng mở đầu cuộc kháng chiến lâu dài chống Pháp và chống Mỹ trên đất Tây Ninh.
Sau năm 1975, nhân dân Tây Ninh bắt tay xây dựng cuộc sống mới.

Hành chính

Tây Ninh bao gồm 1 thị xã và 8 huyện:

• Thị xã Tây Ninh: 5 phường và 5 xã
• Huyện Tân Biên: 1 thị trấn và 9 xã
• Huyện Tân Châu: 1 thị trấn và 11 xã
• Huyện Dương Minh Châu: 1 thị trấn và 10 xã
• Huyện Châu Thành: 1 thị trấn và 14 xã
• Huyện Hòa Thành: 1 thị trấn và 7 xã
• Huyện Bến Cầu: 1 thị trấn và 8 xã
• Huyện Gò Dầu: 1 thị trấn và 8 xã
• Huyện Trảng Bàng: 1 thị trấn và 10 xã

Tỉnh Tây Ninh có 95 đơn vị cấp xã gồm 5 phường, 8 thị trấn và 82 xã[/size]

Added (2010-11-17, 9:56 Am)
---------------------------------------------
Văn hóa

Kiến trúc Chàm, nền văn minh Chàm và dân tộc Khmer được đánh giá cao như là một xã hội văn minh sớm xuất hiện ở miền Nam Việt Nam.

Du lịch

Tây Ninh nổi tiếng với những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Núi Bà Đen cao 986m là nơi có nhiều truyền thuyết nổi tiếng, ở đây có một bảo tàng được xây dựng trong động Kim Quang và một ngôi chùa cùng tên rất nổi tiếng. Tây Ninh là thánh địa của đạo Cao Đài. Những người theo đạo này thờ Thiên Nhãn. Ngoài ra còn có đạo Phật, đạo Kitô và nhiều đạo khác.

Added (2010-11-17, 9:58 Am)
---------------------------------------------
ẨM THỰC ĐẶC BIỆT

ỐC NÚI BÀ ĐEN

Ốc núi Bà Đen là một trong những đặc sản vang danh của vùng đất Tây Ninh. Cùng với loài thằn lằn núi, ốc núi Bà là loại động vật đặc hữu, chỉ sinh sống và phát triển ở khu vự núi Bà Đen mà thôi. Ốc núi là một món ăn ngon bổ nhưng vì khí hiếm nên ít được nhiều người biết đến.

Ốc núi Bà Đen có nhiều ở khu vực chân núi Bà, thuộc đia phận huyện Dương Minh Châu. Loài ốc này cực hiếm vì chúng sống trong các hang hóc đá, rất khó phát hiện. Vào mùa mua, ốc bò ra kiếm ăn và sinh sản. Đây cũng chính là mùa săn ốc trong năm. Thức ăn của loài ốc này là lá những loại thảo dược mọc hoang trên núi Bà như cây mã tiền, lá vong núi, đặc biệt là loại thuốc quý tên gọi dân gian gọi là lá Nàng Hai, nên ốc núi Bà Đen còn có tên là ốc Nàng Hai. Cây Nàng Hai là một loại cây thuốc năm, từ lâu được dân gian sử dụng như một loại cây chữa các chứng nhứt mỏi, đau khớp, thống phong, cây vong núi giúp an thần. Con ốc núi ăn lá cây thuốc nên trong người chúng mang đầy vị thuốc, mùi vị rất ngon và bổ dưỡng.
Ốc Núi Bà Đen có hình dạng giống như ốc bươu nhưng mình dẹp và nhỏ ốc. Trôn ốc xoăn thành nhiều vòng.

Khi những cơn mưa cuối mùa rút hạt là mùa săn ốc núi lại bắt nhộn nhịp. Từ buổi sáng sớm, người dân trong vùng đã lục đục kéo nhau lên núi bắt ốc. Buổi sang, ốc núi mò ra khỏi hang đi ăn lá rừng, nên đây là thời điểm thích hợp nhất để bắt ốc.


Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, hấp sả, xào me, xào tỏi tùy theo từng khẩu vị của thực khách. Vị ốc ngọt thanh, có chút hương thuốc quý, ăn vào cảm giác rất đặc biệt.

Do hiếm và quý nên giá thành của loại đặc sản này cũng khá mắc. Trung bình từ 100.000/kg (khoảng 100 con), nên hầu như chỉ có những nhà hàng lớn ở Tây Ninh mới có. Gần đây, số lượng ốc núi giảm một cách đáng báo động do tình trạng săn bắt cạn kiệt vì không có thời gian sinh sản và phát triển. Theo một số thông tin, các nhà khoa học và cơ quan chức năng đã tiến hành nhân giống nhân tạo loài ốc quý hiếm này để đưa vào chăn nuôi diện rộng, nhằm gìn giữ loài ốc quý này.

Khi nào có dịp đến Tây Ninh, tham quan Núi Bà vào mùa ốc, bạn đừng quên thưởng thức món ốc đặc sản này nhé!

Added (2010-11-17, 11:28 Am)
---------------------------------------------
MUỐI ỚT TÂY NINH

Bạn đã từng đến xứ nắng Tây Ninh có ngọn núi cao nhất Nam bộ chưa? Quê tôi đó, một vùng đất giữa đôi bờ Vàm Cỏ hiền hòa, chếch về phía tây là ngọn núi tròn tròn như chiếc nón lá khổng lồ quanh năm xanh thẳm màu cây, màu đá mà khách hành hương vẫn quen gọi là núi Điện Bà - nơi thờ tự người con gái trung trinh tiết liệt có nhũ danh là Lý Thị Thiên Hương đã được vua Gia Long sắc phong Thánh Mẫu.

Muối ớt quê tôi ngon, dễ mang đi đường dài, dễ chia nhau và rất dễ ăn dù là tiệc to hay tiệc nhỏ, bữa ăn người giàu hay dân nghèo đều không thể thiếu. Muối ớt có rất nhiều loại, nhưng đừng tưởng "tiền nào của nấy", đôi khi phải mua với giá "trên trời" thì tưởng đó là muối ngon nhất. Chưa chắc đâu! Muối ngon là vừa đủ các thành phần: tôm, thịt, tỏi, cải đỏ, muối, ớt, bột nêm... chứ không phải thêm màu bớt cải đỏ, dùng ớt úng, ớt sâu trộn lẫn ớt tươi ngon...

Dù Tây Ninh không có biển để làm ra muối, càng không có nguồn hải sản là tôm - một thành phần không thể thiếu trong chảo muối - nhưng cứ phải là muối sản xuất từ xứ nóng này mới là ngon nhất. Vì sao tôi cũng không biết nữa, vì nắng Tây Ninh rất nóng, rất giòn, hong muối rất thơm chăng? Hay vì có được một chảo muối, đôi tay của mẹ, của chị phải mỏi nhừ và khói bếp bám đầy trên mắt? Da con gái Tây Ninh không mát mẻ, cũng chẳng mịn màng cũng vì nắng nóng và vì ám lửa từ những chảo muối?

Ở đây, để có chảo muối ngon phải qua không biết bao nhiêu là khâu chuẩn bị. Các mẹ, các chị chọn những quả ớt tươi nhất, chín đỏ tự nhiên, dùng máy xay sinh tố xay ra cùng với tỏi, củ cải đỏ... rồi trộn đều với muối. Rồi tôm, thịt, bột nêm... tất cả đều tỉ lệ thích hợp, ví như để có 1kg muối ớt thành phẩm cần 500gr muối, cải đỏ, tôm, thịt heo nạc, bột nêm, mỗi thứ 100g, còn ớt và các phụ gia khác nữa phải cho đủ số. Tất cả cùng rang lên nhưng không được dùng màu hóa học thay cho màu tự nhiên, càng không được rang quá khô mà rang vừa thôi để còn phơi nắng mới giữ được mùi thơm lâu. Một ký muối đúng cách và ngon như vậy giá phải cả trăm ngàn!

Trên quốc lộ 22 rồi 22B từ TP.HCM về Tây Ninh cứ thấy người ta bày những sạp hàng dài dằng dặc trên đường, nhưng tiếc cho quan niệm "coi mặt mà bắt hình dong" đã làm mất đi nét đẹp vốn có của xứ nắng quí người, mến khách. Các mẹ, các chị "nói thách" cực kỳ! Một ký muối đã nói thách với khách du lịch đến vài chục ngàn đồng, nhưng chắc gì đó là muối ngon, hợp vệ sinh!
Nếu bạn có dịp về thăm hội xuân núi Bà thì hãy... làm quen tôi đi, tôi sẽ mời bạn một bữa gà ta luộc chấm muối ớt ngon đến... hổng muốn về


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên


Message edited by thanbai3v - Wednesday, 2010-11-17, 10:01 AM
 
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-17, 11:28 AM | Message # 2
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh

Lịch sử

Đạo Cao Đài làm lễ ra mắt ở Tây Ninh vào ngày 15 tháng 10 năm Bính Dần, tức ngày 19/11/1926 tại chùa Thiền Lâm còn gọi là Từ Lâm Tự hay chùa Gò Kén. Sau này chức sắc, tín đồ của Đạo đều xem ngày này là ngày “Hoàng khai Đại đạo”. Năm 1933, bắt đầu xây dựng Toà thánh, và hoàn thành vào năm 1947.

Kiến trúc

Khuôn viên Tòa thánh có diện tích khoảng 100 ha, có tường rào xây bao quanh với 12 cổng theo lối kiến trúc Tam quan. Mười hai cổng này tượng trưng cho 12 con giáp. Trong tổng thể nội ô Tòa thánh có gần 100 công trình lớn nhỏ và những con đường rộng thênh thang.

Từ cửa Chánh Môn nhìn về hướng Đông là khu trung tâm Đền thánh Cao Đài. Với 3 Bửu tháp của ba vị Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh. Công trình này được chạp đắp nhiều hoa văn, hoạ tiết tinh tế. Trên thảm cỏ xanh, tượng Si Đạt Ta ngồi trên lưng ngựa đi tìm đạo. Trước đền thánh là một sân rộng có cây Bồ đề toả nhánh bên cây cột phướn. Hai khán đài hai bên được gọi là sân Đại Đồng Xã, là nơi để bà con tín đồ và khách hành hương về xem rước Cộ mẫu vào mỗi kỳ Đại lễ. Vào dịp Vía Đức Chí Tôn mùng 9 tháng Giêng, đây còn là nơi trưng bày những gian triển lãm. Mỗi gian đều thiết kế tượng hình thật sinh động, mô tả sự tích xưa thể hiện lòng Trung, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của người xưa.

Đền thánh là nơi thờ tự Đức Chí Tôn cùng các vị Giáo chủ, Thần, Thánh đứng đầu Tam Giáo, Ngũ chi theo quan niệm của giáo lý Cao Đài. Ngôi Đền thánh uy nghi nằm chếch về góc phía Tây Bắc gần cửa Hòa Viện, mặt tiền hướng Tây. Kiến trúc mặt ngoài của Tòa thánh gần như một nhà thờ Gia tô giáo. Hai tháp phía trước là 2 tháp chuông trống cao 27 m. Tháp chuông hình vuông, gồm 5 tầng cao 36m trong lầu treo trống gọi là “Lôi Âm Cổ”. Lầu chuông đối xứng với lầu trống, bên trong treo chuông gọi là Bạch Ngọc Kim Chung. Hai lầu này được gọi là Hiệp Thiên Đài. Hiệp Thiên Đài là cầu nối với trần tục (Cửu Trùng Đài) và Thần Linh Tiên Phật (Bát Quái Đài). Giữa hai tháp là một kiến trúc 3 tầng có sự kết hợp hài hoà những chi tiết biểu trưng của các loại hình kiến trúc tôn giáo. Tầng trệt có 4 cột gọi là Long trụ chống đỡ ban công có tượng ông Thiện và ông Ác hai bên. Ở khoảng giữa của đền thánh là Cửu Trùng Đài, nền có 9 bậc, mỗi bậc cao dần 20cm. Từ khoảng cách phần nền Hiệp Thiên Đài đến Bát Quái Đài có độ cao chênh nhau 1,8m. Khu vực này là khu hành lễ của tín đồ. Ở giữa Cửu Trùng Đài có 7 ngai, chạm trổ, sơn son thếp vàng, đây là nơi chầu của Giáo Tông, Chưởng Pháp và Đầu Sư thái – Thượng – Ngọc. Trên nóc Cửu Trùng Đài có tháp gọi là Nghinh Phong Đài cao 17m, gồm hai tầng tháp, trên tròn dưới vuông, mái bán cầu tượng trưng cho trời tròn đất vuông. Trên đỉnh đặt tượng hình Long Mã phụ hà đồ theo truyền thuyết cổ Trung Hoa. Bát Quái Đài gồm: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Chính giữa thờ Thiên Nhãn vẽ trên quả địa cầu có bán kính 3,30m. Tháp sau, trên vị trí Bát Quái Đài cao 19m, chia làm 5 tầng trên nền hình Bát Quái, bên trên có Bửu Tháp có tượng Tam vị Nhất thể theo truyền thuyết Ấn Độ là: Chrisna, Brahma và thần Siva.

Đền thánh có bề ngang rộng 22m, dài 93m, cũng được chia thành 3 không gian là Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài, Bát Quái Đài theo như mô hình tổ chức của Đạo Cao Đài. Mái bê tông giả ngói, mỗi bên lại giật thành 3 cấp mái tạo nên cảm giác lâu đài, đình tạ nguy nga. Bên trong, dưới mái là trần bê tông cũng được tạo hình vòm mô phỏng bầu trời chi chít các vì tinh tú. Lòng nhà rộng, trần cao, trang trí trên trần mỗi gian là “Lục long du hành bất tuất” ở giữa, hai bên với ổ tam linh (rồng, phượng, lân). Hai hàng cột lớn đắp rồng càng làm tăng vẻ uy nghiêm. Mở đầu của giáo đường là ba tượng lớn (cao hơn 2m) ở giữa là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, bên trái là tượng Thích Thượng Sanh Cao Hoài San cầm phất chủ, bên phải là Thượng Phẩm Cao Huyền Cư dáng đạo nhân cầm quạt. Cả ba tượng áp lưng vào Hiệp Thiên Đài, đứng trên Thất đầu xà với 3 đầu hướng lên biểu tượng: Hỷ, Ái, Lạc và 4 đầu hướng xuống biểu tượng cho Nộ, Ai, Ố, Dục. Phần giáo đường chia 9 cấp để định vị theo thứ bậc khi ngồi nghe giảng đạo (dưới Cửu Trùng Đài). Tiếp tới là Y Môn, trên đó có có hình nổi của các thần được thờ, trung tâm từ trên xuống là Phật, Lý Bạch, chúa Giêsu, Khương Tử Nha; bên trái từ trong ra là Khổng Tử rồi Quan Công; bên phải là Lão Tử rồi Quan Âm. Nền sau Y Môn có 12 cấp, 8 mặt trên đó đặt quả cầu vũ trụ (đường 3.66m) có điểm tinh tú làm nền cho con mắt nhìn ra. Hình thức con mắt cũng rất phổ biến tại giữa các cửa trổ ở các gian, vì con mắt là cửa tâm hồn “Nhãn Thị Chủ Tâm”, cần phải thấy được bản lĩnh thể chân tâm để bước vào thiện nghiệp.

Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh là một công trình kiến trúc đẹp, tinh xảo.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
thanbai3vDate: Wednesday, 2010-11-17, 11:34 AM | Message # 3
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Núi Bà Đen

Núi Bà Đen là núi nằm trong một quần thể di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng bởi phong cảnh hữu tình và nhiều huyền thoại tại Tây Ninh.

Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất miền Đông Nam bộ (986m) và là biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh.

Quần thể di tích Núi Bà trải rộng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: Núi Heo - Núi Phụng - Núi Bà Đen. Núi Bà Đen cao 986 m cao nhất Nam Bộ. Hệ thống chùa Điện Bà ở núi có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà... Ngọn núi này thu hút khách thập phương vì cảnh núi non hùng vĩ, nhiều hang động, nhiều ngôi chùa nguy nga tráng lệ. Trước đây vốn là nơi ẩn cư của nhiều sư sãi. Đặc biệt, nơi đây còn gắn liền với truyền thuyết nàng Lý Thị Thiên Hương (Bà Đen).

Truyền thuyết Bà Đen

Tương truyền rằng vào khoảng nửa cuối thế kỉ 18, những cuộc xâu xé nhau giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đã đẩy nhân dân lâm vào cảnh khốn khổ lầm than. Nguyễn Huệ dấy lên cao trào Tây Sơn dẹp thù trong giặc ngoài. Bấy giờ có người thanh niên tên Lê Sỹ Triệt, quê ở Quang Hóa (tức huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh ngày nay) tài cao, chí lớn, vì nước nhà nên chia tay người yêu là Lý Thị Thiên Hương lên đường phò Nguyễn Huệ giữ nước. Lý Thị Thiên Hương là cô gái xinh đẹp với làn da bánh mật (bà đen) và có đức hạnh. Người yêu lên đường vì nghĩa lớn, cô ở nhà sống trong vòng vây của cường hào ác bá nhưng vẫn một lòng chung thủy với người yêu. Một hôm, cô bị cưỡng bức, vì giữ tiết hạnh nên cô gieo mình xuống núi quyên sinh. Sau đó ít lâu, Thiên Hương về báo mộng cho sư trụ trì chùa núi biết nơi thân thể cô đang bị gió sương bào mòn. Thi thể cô được đem về mai táng, phụng thờ. Tin này lan rộng ra, và từng đoàn người về tụ họp trên núi để chiêm bái và cầu nguyện vì sự linh thiêng của người con gái tiết hạnh, xin cô phù hộ độ trì. Nhà chùa đã cho lập đền thờ riêng để người ta cúng bái. Việc hành hương về chùa vào mùa xuân đã trở thành tập tục quen thuộc từ đây.

Leo núi Bà Đen

Có hai con đường lên đỉnh núi: Một đường mòn nằm sau lưng chùa Bà, đường này xấu, khó đi. Một đường mòn khác bắt đầu từ đài Liệt sĩ đi men theo các trụ điện lên thẳng đỉnh núi. Trên đỉnh núi khí hậu mát mẻ, ban đêm rất lạnh, không có dịch vụ chỉ có bán hai thứ là nước khoáng và mì tôm. Một người khỏe mạnh mất từ 2h-4h để leo tới đỉnh. Ngày nay, đã có cáp treo làm phương tiện để lên núi.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên


Message edited by thanbai3v - Wednesday, 2010-11-17, 11:35 AM
 
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-17, 11:37 AM | Message # 4
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
Khu du lịch Ma Thiên Lãnh

Vị trí

Khu du lịch Ma Thiên Lãnh nằm cách thị xã Tây Ninh chưa đầy 30 phút ôtô, được che mình bởi núi Lớn hay còn gọi là núi Bà Đen, núi Phụng và núi Heo. Ma Thiên Lãnh hiện ra như một quần thể địa danh được kiến tạo bởi hang Ông Hổ, suối vàng, hầm đá...

Cảnh quan

Từ chân núi, men theo con đường nhựa trải dài uốn lượn trên một sườn đồi một bên là núi và một bên là cheo leo vực thẳm, tiếng suối róc rách giữa đại ngàn bao la cùng một bầu không khí trong lành đến tuyệt vời. Buổi hoàng hôn của một Ma Thiên Lãnh hoang sơ nằm ẩn mình ở độ cao trên 50m giữa đồng bằng rộng lớn. Dừng xe ở cuối con đường, du khách men theo những bậc đá quanh co cạnh con suối vàng để bước tiếp lên hang Ông Hổ. Mặc dù có nhiều truyền thuyết tương truyền về sự ra đời của chiếc hang này nhưng là gì đi nữa, nơi đây cũng ghi nhận sự thành kính của nhiều người dân địa phương tin vào một đức tin thần bí.

Từ trên cao nhìn xuống, du khách có thể dễ dàng nhận ra ngay cây đại thụ bồ đề đang mọc lên từ trên những phiến đá to nhẵn nhụi. Cách đấy không xa, trong một ngày gần đây, đường dây cáp treo sẽ được đưa vào hoạt động, góp phần đưa du khách chinh phục đỉnh núi Bà Đen mà không cần tốn sức. Từ trên đỉnh cao nhất của ngọn núi cao nhất đồng bằng, chúng ta có thể phóng tầm mắt quan sát khắp các vùng lận cận. Băng qua hố Bảy Ngày sâu hun hút và khi đã vượt qua những con dốc dựng đứng, cùng rừng tre già, một làn hơi nước mát lạnh từ trong các hốc đá sẽ làm chúng ta cảm thấy sảng khoái vô cùng, lên cao đến đỉnh là những sương là đà trông thật huyền ảo và lãng mạn cứ như một Sapa vậy. Vào buổi chiều, ở đây càng yên tĩnh hơn rất thích hợp cho những ai thích sự yên tĩnh trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ này. Con đường hình vòng cung cũng sẽ giúp du khách dễ dàng qua phía bên kia cửa núi, tiếp tục cuộc hành trình chinh phục từ chân núi phía đông lên đỉnh Điện Bà và quần thể chùa, am, điện.


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
phuocdeptraiDate: Wednesday, 2010-11-17, 11:45 AM | Message # 5
Trung Tướng
Group: Admin
Messages: 561
Reputation: 5
Status: Offline
KDL sinh thái Long Điền Sơn - Điểm hấp dẫn mới ở Tây Ninh

Nằm cách thị xã Tây Ninh chừng vài cây số, khu du lịch sinh thái Long Điền Sơn đang trở thành điểm đến hút khách với phong cảnh hữu tình, đậm nét truyền thống và bản sắc của làng quê và văn hóa Việt…

Khu Du lịch long Điền Sơn thuộc ấp Ninh Trung, Xã Ninh Sơn, Thị Xã Tây Ninh nằm cách trung tâm thị xã khoảng 3km, từ khu du lịch đi đến KDL Núi Bà Đen khoảng 10km. Hiện tại khu du lịch đã đi vào hoạt động và tiếp tục xây dựng thêm các hạng mục mới trong tương lai.KDL Long Điền sơn rất thích hợp cho các loại hình du lịch dã ngoại,teambuilding, là nơi nghĩ dưỡng lãng mạn và lý tưởng vói hệ thống khách sạn 3 sao.

Nét đặc trưng dễ nhận thấy ở đây là những vườn cây lớn, những trảng cỏ rộng, phủ một màu xanh dịu mát giữa cái nắng của vùng đất cao này. Trung tâm của khu du lịch là một cái hồ rộng lớn, nước màu vàng đỏ đặc trưng của đất bazan. Giữa hồ có quán cà phê để khách có thể ngồi ngắm cảnh, cà phê được bán trong hang động hình đầu rồng được gọi là đảo Long Ẩn. Giữa đất liền và đảo được nối bằng chiếc cầu dài mang dáng dấp Chùa Cầu ở Hội An-Quảng Nam. Bên trong đầu rồng được thiết kế kiểu hang động mát lạnh. Thiết kế nội thất dạng quán bar, nhạc không lời nhẹ nhàng thích hợp cho du khách thư giãn và suy ngẫm. Bên ngoài nhiều ghế ngồi được bố trí dọc bờ hồ, nhà nổi... Nếu đi lên trên hang động, khách sẽ ngắm được toàn cảnh Long Điền Sơn cả 4 phía.

Ngoài đảo Long Ẩn, du khách có thể đi dạo quanh hồ dưới những tán cây cổ thụ mát rượi. Bên bờ hồ là những rặng liễu rũ mơ màng, những cây thuộc họ dừa và si với những hình thù kỳ quái lạ mắt. Trong khu vực còn có nhà hàng với ba mái ngói nhà rường xứ Huế. Nhà hàng thiết kế theo lối không gian mở, 3 gian nhà nằm lệch nhau và cùng quay mặt ra hồ nước rộng, trông rất thơ mộng. Khu vực này vừa là nhà hàng kết hợp trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện... Khu vực này này tách biệt với các khu vui chơi khác nhưng không gian vẫn liên kết thành một chỉnh thể thống nhất. Ngồi ở nhà hàng, một bên là nước, một bên là cây xanh, du khách cảm nhận được sự thoải mái vô cùng.

Nếu muốn tham quan hết khu du lịch cần nhiều thời gian. Khuôn viên Long Điền Sơn rộng khoảng 27 ha với nhiều sản phẩm du lịch phong phú phục vụ du khách cả ngày lẫn đêm. Không hoành tráng như Đầm Sen, Suối Tiên nhưng Long Điền Sơn có một không gian thiên nhiên tươi đẹp và hữu tình. Du khách có thể đến đây vui chơi thưởng ngoạn vào nhiều thời gian khác nhau. Nhiều người thích đến đây vào lúc hoàng hôn và chơi tới khuya là tuyệt vời nhất. Khi đó, thời tiết đã dịu mát. Cả khu vực được dát lên những ánh đèn đầy màu sắc, tạo cho Long Điền Sơn một không gian lung linh, huyền ảo.

Một điểm khá mới lạ ở khu du lịch Long Điền Sơn là còn có tiệc buffet chợ nổi. Trên những chiếc ghe tam bản neo sát mé bờ hồ. Ở mũi ghe, trên những cây sào, treo lủng lẳng nhiều loại trái cây có thể gọt ăn liền tại chỗ như khóm, xoài, bom, nho, táo, nhãn v.v… Nhân viên phục vụ mặc áo nâu chàm, lưng thắt khăn rằn, đầu đội nón lá, lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười và sẵn sàng chèo ghe đưa thực khách đi quanh hồ, ngắm cảnh.

Khu du lịch Long Điền Sơn đang được tiếp tục đầu tư xây dựng công viên nước và vườn bách thú. Khi các công trình này hoàn thành, Long Điền Sơn hứa hẹn là điểm du lịch độc đáo của vùng biên Tây Ninh. Long Điền Sơn còn là một điểm đến hài hòa trong chuỗi tour du lịch Địa đạo-Củ Chi, siêu thị miễn thuế Mộc Bài, Tòa Thánh Cao Đài, núi Bà Đen, Khu di tích Trung ương cục Miền Nam...


Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rồi âm thầm lặng lẽ ... đạp xích lô .
 
thanbai3vDate: Wednesday, 2010-11-17, 8:28 PM | Message # 6
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
BÁNH TRÁNG PHƠI SƯƠNG

Bánh tráng gần như là món dùng để cuốn món ăn rất riêng của người Việt trong cái thú ẩm thực, là loại thực phẩm khá độc đáo có thể ăn chơi, ăn no và chế biến thành nhiều món ăn khác.

Theo ghi chép sử sách thì chiếc bánh tráng xuất hiện đầu tiên vào cuối thế kỷ 18, được vua Quang Trung dùng làm lương khô cho binh sĩ. Từ đó, khắp dọc chiều dài đất nước, mỗi miền đất đều tạo cho mình một loại bánh tráng riêng tùy nguyên liệu sẵn có. Nhưng có một loại bánh tráng đang được Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Tây Ninh làm thủ tục để đăng ký thương hiệu, được nhiều người tìm tới ăn thử với tên gọi: bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.

Nằm trên quốc lộ 22, thị trấn Trảng Bàng, Tây Ninh có gần 1.000 lò sản xuất bánh tráng, trong đó có cả trăm lò chuyên sản xuất bánh tráng phơi sương. Ngang qua thị trấn, bạn sẽ thấy nhiều bảng hiệu nằm ngay mặt tiền đường như gọi mời du khách: bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo luộc, bánh canh có 40 năm gia truyền... Anh bạn đi cùng xe với tôi cũng đã nhắc nhở khi rời Tây Ninh phải ghé Trảng Bàng để ăn bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo luộc và bánh canh.

Nghĩ cũng lạ cho mình, ăn nhiều món dọc ngang chiều dài đất nước nhưng cứ tới một vùng đất mới vẫn luôn có cảm giác bất ngờ vì gặp những món ăn lạ. Và có lẽ, chính những món ăn được tạo ra từ vùng đất riêng biệt ấy đã tạo nên hương vị riêng khiến ai cũng phải nhớ về.

Chúng tôi dừng chân ở quán Hoàng Minh ngay tại thị trấn để thưởng thức món bánh tráng mà tại TP.HCM, nó đã được đưa vào nhà hàng và được nhiều người ưa chuộng.

Tôi thắc mắc ngay về cái chuyện phơi sương sau khi thử xem giá bán tại quầy hàng. Một ràng bánh tráng phơi sương bán tại nhà hàng Hoàng Minh có giá 12.000 đồng (30 cái), nếu so với bánh tráng ở Bình Định, Khánh Hòa hoặc Phú Yên, mỗi ràng cao lắm cũng chỉ 6.000 đồng, thì giá không rẻ. Nhưng nếu biết các công đoạn làm bánh thì mới thấy giá như thế chẳng bù.

Để làm ra chiếc bánh tráng phơi sương, chất liệu hàng đầu phải là loại gạo ngon và không được pha trộn. Nếu bánh tráng ở nơi khác hay thêm đường cho mềm bánh thì bánh tráng phơi sương lại thêm tí muối, vì thế khi cầm chiếc bánh ăn không (ăn vã) bạn sẽ cảm thấy mặn. Sau khi làm bột, bánh được tráng hai lớp (vì thế chiếc bánh dày), sau đó đem phơi nắng cho khô. Nhưng các công đoạn sau mới là phần quan trọng. Đó là nhà làm bánh phải thiết kế chiếc lò nướng đặc biệt với chất liệu đốt lò là vỏ đậu phộng.

Bánh tráng phơi khô xong đem nướng trên lửa, chỉ nướng qua thôi chứ không để chín phồng. Sau đó bánh được xếp riêng, đợi đến sáng sớm khi sương bắt đầu rơi nhiều (kiểm tra bằng cách nhìn cây cỏ) mới đem ra phơi sương. Người phơi bánh phải “thức” cùng bánh, đợi bánh vừa thấm sương đủ mềm là xếp lại ngay bỏ vào trong bao, lót lá chuối. Khi bán mới xếp ra ràng, luôn bọc trong bao nhựa để giữ bánh luôn mềm.
Chiếc bánh tráng phơi sương chỉ hấp dẫn khi dùng để cuốn thịt heo luộc. Tới Trảng Bàng, ăn thử một phần bánh tráng phơi sương cuốn thịt, mà giá hiện nay là 30.000 đồng/phần, mới hiểu tại sao món bánh tráng cuốn thịt heo luộc lại trở thành danh thực.

Nhìn dĩa rau đem ra bạn sẽ thấy sự cầu kỳ của món ăn. Nhiều món rau rất lạ, thậm chí chỉ có vài người phụ việc trong quán mới đọc được rành rẽ tên các loại.

Rau đã góp phần tôn vinh chiếc bánh tráng, tạo cảm giác hòa trộn đủ mùi vị. Tôi chỉ kể được vài loại rau trong gần 20 loại rau trên bàn ăn, mà có nhiều loại rau theo chủ quán đôi khi phải mua dự trữ trước, có loại chỉ có trong rừng hoặc vùng đất Trảng Bàng.

Rau để làm nên món bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo phải đủ năm vị: chát, ngọt, chua, béo, thơm. Đó là rau diếp cá, tía tô, lá hẹ, lá cóc, lá săng mào, lá bứa, lá tràm ổi, húng quế, húng lủi, cần nước, lá mặt trăng, lá săng dẻ, quế vị, ngò tàu... bên cạnh đó còn thêm những lát dưa leo xắt dài, dưa chua và giá sống. Các loại lá cóc, săng dẻ, tràm ổi, lá bứa thì chỉ ở miền Nam mới có.

Món nước chấm nhìn cũng rất đơn giản, chỉ là nước mắm ngon được chế biến, nhưng cách pha nước chấm cũng rất bắt miệng. Nước mắm pha không ngon thì món ăn cũng sẽ mất vị ngon. Riêng thịt heo để ăn bánh tráng phơi sương là loại thịt đùi, phần thịt ngon nhất của con heo. Miếng thịt được luộc nguyên, khi xắt ra trắng và trông rất ngon, mềm. Thịt xắt dày miếng so với cách xắt ở nơi khác.

Một cuốn bánh tráng phơi sương thịt heo luộc đủ các loại rau ấy chấm nước mắm pha ăn mới cảm thấy đủ hương vị của cỏ cây và bạn sẽ hiểu tại sao một món ăn đơn giản lại trở thành danh thực.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Thursday, 2010-11-18, 1:56 PM | Message # 7
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Bánh Canh Trảng Bàng

Trảng Bàng là một trong những địa phương độc đáo của tỉnh Tây Ninh vì lịch sử, vì tình trạng địa lý, và vì tình trạng kinh tế như có nhiều làng với những nghề đặc sắc, có nhiều con phố với các nghề thủ công truyền thống. Nói về thức ăn tôi không thể không nhắc đến món ăn nổi tiếng nhất vẫn là bánh canh Trảng Bàng, mà món ăn đặc sản này sinh ra bao lò bánh thủ công gắn liền với các hoạt động đóng góp cho sinh hoạt kinh tế địa phương phồn thịnh hơn. Trên quốc lộ 22 nối liền Sài Gòn và Tây Ninh, bánh canh Trảng Bàng đã trở thành đối với khách thập phương và cũng như người địa phương. một món ăn địa phương được nhiều ưa chuộng, một điểm dừng chân quen thuộc .

Bánh canh Trảng Bàng trở nên nổi tiếng nhờ tên gọi dễ nhớ bởi nó gắn liền với đia danh lâu đời của một quận lỵ trong địa phận tỉnh Tây Ninh. Chính nhờ sự cạnh tranh hơn thua giữa các lò bánh ở địa phương nên những huyền thoại về bánh canh Trảng Bàng không những không bị mai một mà ngày càng ngon hơn về phẩm và hấp dẫn hơn, quen thuộc hơn. Mỗi lò đều cố gắng thu hút khách hàng bằng bí quyết riêng của mình trong cái ngon của từng lọn bánh, từng loại gia vị cần thiết và cách pha chế gia truyền của mỗi lò. Để có bánh canh Trảng Bàng phải trải qua giai đoạn biến chế bánh canh rất công phu. Đầu tiên bánh canh phải được làm bằng một loại gạo quý, đắt tiền như Nàng Thơm, hay Chợ Đào. Gạo phải được ngâm thật kỹ qua một đêm để hạt gạo đạt đủ độ mềm cần thiết. Sau khi ngâm qua đêm, gạo được đem xay nhuyễn để lấy tinh bột. Giai đoạn cuối cùng là tinh bột được đem hấp chín trước khi ép thành những mẫu bánh canh trắng tinh. Điều đặc biệt dễ nhận thấy ở đất Trảng Bàng này là các lò sản xuất bánh hoạt động rất nhịp nhàng, ăn khớp với các tiệm ăn. Bột bánh canh được giao tới tiệm ăn rất đúng giờ, đúng buổi không quá sớm và cũng không quá trễ, tránh trường hợp con bánh bị chua, bị thiu làm mất đi hương vị độc đáo của bánh canh.

Mỗi tô bánh canh khi được bày lên bàn cho thực khách dùng phải mang cả hai khía cạnh về phẩm chất lẫn mỹ thuật. Tô bánh canh bốc khói với vị cay của ớt đỏ, tiêu đen, mùi thơm của hành xanh, của hành, của thịt heo, để sau khi đã dùng qua, ắt hẳn khó ai có thể quên được vị béo ngọt của thịt, vị thơm, dai nhưng mềm mại của bánh cộng thêm với vị chua mặn cay của nước mắm, những miếng thịt heo lát mỏng gồm những lớp da, gân, thịt, nước lèo trong vắt tỏa huơng thơm lừng làm lòng lữ khách như tôi xao xuyến với món bánh canh này hơn.

Nghề truyền thống làm món bánh canh Trảng Bàng đã làm cho danh tiếng địa phương của Tây Ninh và góp phần cho nền kinh tế tại đây. Những ai muốn tìm hiểu về giá trị văn hóa về thức ăn Việt Nam, sự khác nhau của hương vị độc đáo của món bánh canh Việt Nam như thế nào so với các quốc gia lân bang. Khi tôi ghé Đài Bắc, Đông Kinh hay Hán Thành ăn món bánh canh của họ tôi chán ngấy, vì nó không thể sánh nổi một quán bánh canh mang thứ hạng C hay hạng D của Tây Ninh, đừng hòng nói đến hạng B. Bánh canh Trảng Bàng đã nghiễm nhiên trở thành một món ăn độc đáo và lưu luyến của Việt Nam tiềm ẩn trong tâm hồn tôi.

Tóm lại, nếu Châu Đốc nổi tiếng với món bánh hỏi, Lái thiêu vang danh với món bún tươi, Thủ Đức với món bánh tầm thì Tây Ninh hay Trảng Bàng hãnh diện là nơi sản xuất món bánh canh truyền thống, độc đáo để tên gọi sẽ được nhớ mãi mãi với món Bánh Canh Trảng Bàng.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Thursday, 2010-11-18, 2:00 PM | Message # 8
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Thằn lằn núi, Đặc sản mới khắp thế giới chỉ Tây Ninh mới có.

Lần đầu tiên tìm thấy hai loài thằn lằn mới, cả hai loài thằn lằn này đều thuộc họ tắc kè (Gekkonidae), giống Cyrtodactylus, được tìm thấy tại vùng núi Bà Đen (Tây Ninh). Cử nhân Nguyễn Ngọc Sang (Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM) là người đầu tiên phát hiện, thu mẫu. Anh Sang và hai chuyên gia bò sát - lưỡng cư người Nga là Nikolai L. Orlov và Ilya S. Darevsky (Viện Động vật St. Petersburg) đã mô tả và đặt tên cho hai loài này.

Thằn lằn vạch có những vạch trắng ở lưng và đuôi, đầu vàng nâu và sống ở vách đá. Thòi lòi có mắt to và màu đen. So với thằn lằn vạch, thòi lòi có kích thước lớn hơn và khó tìm thấy hơn do chúng thường sống ẩn sâu trong hang đá. Bình thường thân thòi lòi có màu nâu, tuy nhiên màu sắc của thân cũng có thể đổi tùy ánh sáng và điều kiện sống.

Phát hiện trên được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành bò sát - lưỡng cư của Nga (Russian Journal of Herpetology) số 3, tập 13, năm 2006. Theo khẳng định của các chuyên gia, hai loài thằn lằn này hoàn toàn mới và trước đó chưa tìm thấy bất kỳ ở nơi nào khác. Phát hiện mới này đã cho thấy núi Bà Đen rất độc đáo không chỉ về văn hóa - lịch sử mà còn về đa dạng sinh học. Do vậy nơi đây cần được gìn giữ và bảo tồn.

Tuy là loài mới được phát hiện nhưng cư dân địa phương đã "Cập nhật" loài này vào danh sách đặc sản có thể sánh nganh với kỳ Đà, Rùa, Tê Tê,... vì cũng thuộc loài bò sát nên thịt rất ngon và mang hương vị núi rừng chính hiệu. Nói là thế nhưng không kể gì du khách ghé thăm Tây Ninh mà ngay cả cư dân ở những vùng miền khác của Tây Ninh cũng khó có dịp thưởng thức món này vì thường không bán đại trà mà phải đặt hàng những người đi núi về mới có. Muốn bắt được cái giống tinh quái này phải dùng "Chiêu" và phải kiên nhẫn như đi câu cá vậy, đầu tiên phải dùng mối rãi thành bãi ở khu chúng sinh sống sau đó dùng cần câu "chuyên dụng" để núp sau các hốc đá và cứ thế giật từng con một. Thường thì nếu may mắn sẽ được chừng vài kg cho một lần đi câu nếu gặp hôm chúng hoản và nhát mồi thì chì được vài lạng. để chia cho khách quen đã đặt hàng trước.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
thanbai3vDate: Thursday, 2010-11-18, 2:01 PM | Message # 9
Thiếu Tướng
Group: Quản Lý Diễn Đàn
Messages: 254
Reputation: 5
Status: Offline
Mãng cầu Bà Đen

Ba loại sản phẩm đặc sản nổi tiếng với những mùi vị đặc trưng, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng gồm Mãng cầu Bà Đen, bánh tráng Trảng Bàng và muối ớt Tây Ninh đang được Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đăng ký thương hiệu.

Riêng sản phẩm mãng cầu (còn gọi là quả na) Bà Đen được trồng quanh chân núi Bà Đen, có đặc điểm là trái to, thịt dai, mùi vị thơm ngon, từ lâu đã có mặt khắp các chợ lớn của TP.HCM. Gần đây, mặt hàng này bắt đầu được các doanh nghiệp tại TP.HCM thu mua, xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Trung Quốc và đang xâm nhập vào thị trường EU.

Mỗi năm mặt hàng này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể bằng ngoại tệ cho các doanh nghiệp và cho nhà vườn quanh chân núi Bà Đen.


Một tay làm chẳng nên non
Ba tay chụm lại lên sòng tiến lên
 
Diễn Đàn 3V » DIỄN ĐÀN 3V » TÀI LIỆU THUYẾT MINH 63 TỈNH THÀNH » TÂY NINH (Tất cả về Tây Ninh!)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:

Bình Chọn
Rate my site
Total of answers: 22
Tin Nhắn
200
Site friends
  • Create a free website